Cô gái Tày xinh đẹp đam mê nghề “đếm nắng, đo mưa”

(Dân trí) - “Từ nhỏ em đã thường xuyên được theo mẹ lên xem các cô, chú làm công việc quan trắc khí tượng; sau này lớn lên em cũng học ngành này, em biết được nhiều hơn, em biết bầu trời có những gì, mây như nào thì sẽ có mưa… vì thế em thấy thích thú và rất đam mê với công việc này”.

Ma Thị Minh Hảo đang kiểm tra thiết bị Nhật quang ký - đo số giờ nắng trong 1 ngày tại Trạm khí tượng Chợ Rã.
Ma Thị Minh Hảo đang kiểm tra thiết bị Nhật quang ký - đo số giờ nắng trong 1 ngày tại Trạm khí tượng Chợ Rã.

Gắn bó với nghề vì đam mê

Đó là những chia sẻ hết sức mộc mạc, chân thật của Ma Thị Minh Hảo (23 tuổi), hiện đang làm công việc quan trắc viên tại Trạm Khí tượng Chợ Rã (Ba Bể, Bắc Kạn), thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc.

Minh Hảo cho biết, nếu ai đó mà không có niềm đam mê thực sự với nghề “đếm nắng, đo mưa” này thì chắc hẳn sẽ phải bỏ dở để tìm công việc khác phù hơn. Với nghề này, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt về mặt thời gian, số lần lên vườn khí tượng để lấy số liệu quan trắc, còn phải đối mặt với nguy hiểm khi thời tiết bất thường có mưa giông, sấm sét. Bởi số liệu quan trắc có được tại các trạm khí tượng đầu nguồn như này là vô cùng quan trọng để các đài khí tượng tỉnh, khu vực và trung ương đưa ra những bản tin thời tiết chính xác.

Khó khăn là vậy, nhưng không hiểu lý do gì mà cô gái trẻ Ma Thị Minh Hảo, người dân tộc Tày mang vẻ đẹp dịu dàng của núi rừng Việt Bắc lại gắn bó, đam mê đến vậy? Hảo tâm sự, từ bé, em đã được mẹ cho lên vườn khí tượng xem các cô, các chú làm công việc quan trắc nên có lẽ cái nghề “bắt bệnh ông trời” đã ngấm vào cô gái này từ lúc đó. Chính niềm đam mê đó, lớn lên Hảo đã theo học tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khi ra trường Hảo được nhận vào làm tại Trạm khí tượng Chợ Rã với công việc là quan trắc viên.

Những ngày thời tiết bình thường, Hảo và các quan trắc viên lên vườn khí tượng lấy số liệu quan trắc 4 lần/ngày.
Những ngày thời tiết bình thường, Hảo và các quan trắc viên lên vườn khí tượng lấy số liệu quan trắc 4 lần/ngày.

“Khi học tại trường đại học em đã biết được nhiều hơn về bầu trời, biết phân biệt các loại mây, mây như nào thì sẽ có mưa, từ đó em càng thấy thích thú và đam mê với nghề này hơn. Công việc hàng ngày, nếu thời tiết bình thường thì một ngày em lên vườn lấy số liệu quan trắc 4 lần vào các giờ như 1h, 7h, 13h, 19h. Ngoài ra, trong ngày em vẫn phải quan sát bầu trời xem mây, mưa như nào để ghi chép lại và gửi các số liệu về Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn, từ đó tỉnh sẽ gửi đi đài khu vực và Trung ương” – Ma Thị Minh Hảo chia sẻ.

Nguy hiểm rình rập

Hảo cho biết thêm, đối với những ngày thời tiết xấu như có giông sét, mưa bão thì công việc quan trắc sẽ vất vả hơn, thời gian lên vườn khí tượng lấy số liệu sẽ là 30 phút/lần. Do đặc thù vườn khí tượng lại ở vị trí tương đối cao nên thường xuyên bị sét đánh trúng cột đo gió, mặc dù các cột này có hệ thống chống sét nhưng cũng ảnh hưởng đến các thiết bị máy móc và nguy hiểm cho người quan trắc viên.


Đường lên vườn khí tượng Chợ Rã khá dốc, mỗi khi có mưa còn rất trơn trượt, gây nguy hiểm cho các quan trắc viên.

Đường lên vườn khí tượng Chợ Rã khá dốc, mỗi khi có mưa còn rất trơn trượt, gây nguy hiểm cho các quan trắc viên.

Phòng làm việc của các quan trắc viên tại Trạm khí tượng Chợ Rã đã xuống cấp.
Phòng làm việc của các quan trắc viên tại Trạm khí tượng Chợ Rã đã xuống cấp.

“Những ngày có mưa gió, bão, sấm sét em rất sợ, vì cứ 30 phút phải lên vườn lấy số liệu để gửi đi. Những hôm gió to, trời tối em một mình lên vườn bị ngã liên tục, nhưng nếu không tuân thủ công việc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các bản tin thời tiết, ngoài ra còn bị kỷ luật. Những cột đo tốc độ gió rất hay bị sét đánh trúng, mà các cột này có hệ thống dây cáp truyền xuống máy móc ở phòng làm việc nên nhiều thiết bị đã từng xảy ra sự cố” – Ma Thị Minh Hảo cho biết.

Trực tiếp lên thăm Trạm khí tượng Chợ Rã và nghe Hảo chia sẻ về cái nghề “bắt bệnh ông trời”, tôi phần nào cảm nhận được sự khó khăn, vất vả mà Hảo và các quan trắc viên nơi đây phải đối mặt. Thế nhưng, theo cảm nhận của tôi, chừng đó là chưa đủ, còn một nguy hiểm nữa mà Hảo chưa nói là vào mỗi buổi tối, “bông hoa rừng” này một mình lên vườn khí tượng, thì ai dám chắc sẽ không có chuyện xấu xảy ra.

Nói về nguy hiểm trên, cô gái người dân tộc Tày hồn nhiên nói: “Em có võ nên không sợ anh ạ (cười)”, rồi nụ cười đó lại vội vàng tan biến giữa mênh mông của núi rừng Việt Bắc. Hảo đưa mắt lên nhìn cái cột đo gió với thiết bị đang quay quay để tính tốc độ gió, có lẽ cô gái 23 tuổi này cũng biết mối nguy hiểm đó nhưng lại muốn xua tan đi để niềm đam mê công việc “đếm nắng, đo mưa” không bị chùng lại.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Các trạm quan trắc khí tượng thủy văn đầu nguồn như Chợ Rã là rất quan trọng.

“Tất cả các hiện tượng xảy ra trong khí quyển, thủy quyền thì đều phải giám sát, theo dõi thường xuyên. Từ các số liệu quan trắc được, sau đó truyền số liệu về các cơ sở dự báo, rồi phân tích số liệu đó thì chúng ta mới đưa ra các cảnh báo kịp thời sát với thực tế. Chỗ nào không có quan trắc thì không có dự báo tin cậy, đảm bảo với nhu cầu. Chính vì thế, các trạm quan trắc là rất quan trọng, khi nào mà mất số liệu sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ dự báo ngay” – ông Hải nói.

Trạm khí tượng Chợ Rã được thành lập từ năm 1960 theo Quyết định của Nha khí tượng. Trạm này bắt đầu xây dựng vào ngày 15/1/1960, đến ngày 10/5/1961 bắt đầu quan trắc chính thức lấy số liệu và duy trì hoạt động cho đến nay. Hiện nay, cơ sở vật chất như phòng làm việc của các quan trắc viên nơi đây đã xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như chất lượng công việc.

Nguyễn Dương