1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cô gái Quân y chi viện TPHCM: "Tôi chưa được thấy cảnh náo nhiệt của TP"

Quang Huy

(Dân trí) - Vũ Kim Khánh (22 tuổi, Học viện Quân Y - Hà Nội) tâm sự, đợt chi viện này là lần đầu cô tới TPHCM. Điều cô luyến tiếc là chưa kịp chứng kiến không khí nhộn nhịp nơi đây trước khi Covid-19 hoành hành.

Từ giữa tháng 8, khi TPHCM trải qua những ngày căng thẳng nhất để ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế trực thuộc các đơn vị quân đội đã tới chia lửa cùng địa phương này. 

Trong suốt quãng thời gian ấy, người dân TPHCM đã dần quen thuộc với hình ảnh những chiến sĩ quân đội đi chợ hộ, phát thuốc giúp dân, những quân y đến từng nhà bệnh nhân cùng túi thuốc, dụng cụ đeo chéo. Còn đối với những lực lượng chi viện, 2 tháng cùng đồng bào thành phố căng mình chống dịch là khoảng thời gian không thể quên đối với họ.

Cô gái Quân y chi viện TPHCM: Tôi chưa được thấy cảnh náo nhiệt của TP - 1

Người dân TPHCM đã dần quen thuộc với hình ảnh những chiến sĩ quân đội đi chợ hộ, phát thuốc giúp dân (Ảnh: Nguyễn Quang).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, các chiến sĩ cho biết, những ngày vừa qua không quá dài nhưng đã mang lại cho họ những điều lần đầu được trải nghiệm, những ký ức sẽ in sâu trong chặng đường công tác còn lại. Dù trải qua những câu chuyện khác nhau trong quá trình chống dịch, nhưng họ đều chung suy nghĩ, nhất định sẽ quay lại TPHCM thêm một lần nữa, khi thành phố đã khỏe lại.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Chiến sĩ Nguyễn Chí Kiên (24 tuổi, Học viện Quân Y) cho biết, lần đầu tiên anh vào TPHCM là chuyến du lịch cùng cả nhà cách đây 6 năm. Nhưng phải đến lần này, anh mới hiểu rõ về mảnh đất, con người vùng đất phía Nam sau những ngày cùng thành phố chung tay chống dịch.

"Kỷ niệm chắc chắn sẽ rất nhiều. Nhưng điều ấn tượng nhất, từ khi tới đây, là sự ủng hộ, hợp tác của người dân, chính quyền và các đoàn thể đã tiếp sức cho chúng tôi trong đợt công tác xa nhà", anh Kiên chia sẻ.

Cô gái Quân y chi viện TPHCM: Tôi chưa được thấy cảnh náo nhiệt của TP - 2

Chiến sĩ Nguyễn Chí Kiên (Học viện Quận y) kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong 2 tháng chi viện TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Trong suốt hơn 2 tháng, chàng trai trẻ của Học viện Quân y đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, chứng kiến những lần cứu được sinh mạng một người, cũng có lần bất lực, phải buông tay trước đại dịch. Kỷ niệm in đậm nhất trong anh đến nay là lần đầu tiên, anh cứu sống được một ca F0.

Kiên nhớ lại, hôm đó là 0h một ngày trung tuần tháng 9, anh cùng một chiến sĩ và tình nguyện viên khác đang trong ca trực tại phường 9, quận Phú Nhuận. Điện thoại của trực ban reo, đầu dây bên kia báo lại tình trạng của một bệnh nhân đang nguy kịch.

"Chúng tôi lao ngay đến địa chỉ được cung cấp. Bệnh nhân thở nặng nhọc, SpO2 giảm sâu. Kết quả test nhanh người nhà cho kết quả dương tính SARS-CoV-2", chiến sĩ của Học viện Quân y nhớ lại.

Ca trực lập tức cho bệnh nhân thở oxy và gọi xe cứu thương tới đưa bệnh nhân nhập viện. Nhưng do thành phố đang trong những ngày căng thẳng nhất trong dịch bệnh, xe cứu thương chưa thể đến lập tức.

Cô gái Quân y chi viện TPHCM: Tôi chưa được thấy cảnh náo nhiệt của TP - 3

Nguyễn Chí Kiên là một trong những cá nhân tiêu biểu được tặng huy hiệu TPHCM (Ảnh: Hải Long).

"Khi mạch của bệnh nhân yếu dần, ca trực chúng tôi đã rất hoảng sợ, cảm xúc lúc đó rất khó tả. Cả 3 lao vào cấp cứu, ép tim cho bệnh nhân", Nguyễn Chí Kiên thuật lại.

Cuối cùng, bệnh nhân đã duy trì lại nhịp tim bình thường trước khi xe cứu thương tới. Anh Kiên cho biết, sau khi hồi phục, bệnh nhân trên đã liên lạc lại và cảm ơn ca trực rất nhiều.

Kiên xúc động kể lại, khi biết tin bệnh nhân hôm đó được cứu sống, anh và đồng đội cùng ca trực rất xúc động. Kỷ niệm về ca trực đêm hôm đó chắc chắn anh sẽ không thể quên.

Sự chia lìa

Vũ Kim Khánh (22 tuổi, Học viện Quân Y Hà Nội) tâm sự, đợt chi viện này cũng là lần đầu cô tới TPHCM. Điều cô luyến tiếc, là chưa kịp chứng kiến không khí nhộn nhịp của thành phố trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành.

"Kỷ niệm của tôi trải dài từ những ngày đầu tiên được đón tiếp khi vào chi viện đến nay. Từ những sự hỗ trợ của người dân đến tình đoàn kết của đồng đội, từ những lúc vất vả đến khi có thời gian để cười đùa, mọi thứ luôn hiển hiện rõ nét khi nhớ lại", nữ chiến sĩ hồi tưởng.

Cô gái Quân y chi viện TPHCM: Tôi chưa được thấy cảnh náo nhiệt của TP - 4

Vũ Kim Khánh trong ngày TPHCM tổ chức lễ tri ân lực lượng hỗ trợ (Ảnh: Hải Long).

Vũ Kim Khánh kể, đoàn công tác của cô phụ trách việc tổ chức các trạm quân y lưu động. Ban ngày, cô cùng đồng đội, đồng nghiệp, các tình nguyện viên, y, bác sĩ tham gia lấy mẫu cộng đồng, buổi chiều tối đi khám, phát thuốc cho bệnh nhân, ban đêm cả đơn vị sẽ chia ca trực cấp cứu.

"Có những đêm, chúng tôi vừa đặt lưng xuống thì bệnh nhân thông báo có dấu hiệu bất thường. Những lúc ấy, thời tiết thế nào cũng phải đi, và cũng vì vậy tôi mới biết thế nào là mùa mưa của Sài Gòn", nữ chiến sĩ cười.

Không giống Kiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất của Khánh trong quãng thời gian hỗ trợ TPHCM là một câu chuyện buồn. 

"Bệnh nhân ấy còn rất trẻ, sinh năm 1997 nhưng mắc bệnh nền nặng. Khi phát hiện mắc Covid-19 thì cũng đang trong giai đoạn điều trị ung thư", Khánh nghẹn ngào.

Cô kể lại, khi bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính đi kèm với một số triệu chứng, gia đình muốn điều trị tại nhà vì bệnh nhân có bệnh nền rất nặng. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, tình trạng của bệnh nhân diễn tiến rất nhanh.

"Chỉ một ngày sau, chúng tôi nhận được tin báo bệnh nhân nguy kịch. Khi đến nơi thì tim đã ngừng. Dù đã cố gắng hết sức, nhưng chúng tôi đành bất lực", Vũ Kim Khánh rưng rưng.

Cô gái của Học viện Quân y khẳng định, chắc chắn trong tương lai, cô sẽ còn quay lại TPHCM. Cô tin rằng lúc đó thành phố chắc chắn đã hồi phục và trở lại nhịp sống năng động vốn có.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm