Có đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trong gia đình mình
(Dân trí) - Có nhà bố say rượu đánh con, đêm bắt con phục vụ việc cờ bạc. Hay mẹ suốt ngày làm đẹp, đến đêm đẩy con gái ra đường “bán hoa”. Còn có gia đình rất giàu, bố mẹ cho con tiền tha hồ chơi bời nhưng không dành thời gian quan tâm, giáo dục con…
Đó là ý kiến của bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam xung quanh các vụ bạo hành trẻ em đang diễn ra liên tục thời gian gần đây với mức độ nghiêm trọng
Hiện trẻ em Việt Nam đang được bảo vệ bởi Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em; Chính phủ cũng ban hành luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng trong vài năm trở lại đây tình trạng các vụ việc hành hạ trẻ em nói chung và làm nhục trẻ em nói riêng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong khi dó, trong bộ máy hành chính có cả trăm công chức ăn lương để thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Dường như họ chưa làm đủ trách nhiệm của mình? Ý kiến của bà về vấn đề này?
Theo tôi, bên cạnh các cơ quan chuyên trách, Nhà nước phải có những chính sách động viên các tổ chức xã hội và mọi người dân đều phải tham gia vào việc này.
Bà có cho rằng qua những vụ việc hành hạ trẻ em có thể nhận thấy, dường như người lớn đang lơ là, thậm chí thờ ơ trước những cảnh trẻ em bị bạo hành?
Đi nhiều, tiếp xúc nhiều tôi nhận thấy dường như ở các thành phố lớn, sự thờ ơ thiếu quan tâm đến nhau ngày một nặng nề. Không ít người thành phố có quan điểm nếu không phải động vào con em mình thì thôi, không cần quan tâm. Như vậy, những đứa trẻ phải sống xa cha mẹ, thiếu sự quan tâm của gia đình sẽ là đối tượng dễ bị hành hạ nhất. Tôi đã đi đến những bản làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo. Ở đó còn có cảnh trẻ nghèo có lúc gặp đói, rét, thậm chí không được tiếp cận với văn minh, nhưng chưa chắc đứa trẻ đã bị đối xử tàn tệ. Bởi ở đó cả làng bản cùng nghèo. Nhưng khi một đứa trẻ bị mất cha mẹ, nó sẽ được bao bọc. Những người dân nghèo quan niệm, để một đứa trẻ lang thang là điều xấu hổ của cả một dòng họ. Do đó, đứa trẻ mồi côi sẽ được cả dòng họ, cộng đồng cưu mang.
Nhưng ngược lại tại một số địa phương, có những gia đình không hề nghèo đói nhưng vẫn bắt con nghỉ học, đẩy ra ngoài đường ăn xin. Bởi quan điểm ở cộng đồng đó cho rằng, đó là chuyện bình thường. Tôi vừa lên Lai Châu, đến với đồng bào dân tộc vùng hẻo lánh và rất nghèo khó. Họ làm lụng rất vất vả để nuôi con. Có gia đình 5 con nhưng nhà đó chưa từng đánh con bao giờ. Trong khi đó, dưới xuôi, ngay tại những gia đình sinh sống trong thành phố vẫn diễn ra cảnh bố say rượu đánh con, thậm chí đêm đêm bắt con phục vụ việc cờ bạc. Hay cảnh mẹ suốt ngày làm đẹp, đến đêm đẩy con gái ra đường “bán hoa”.
Còn có gia đình rất giàu có, bố mẹ sẵn tiền thuê người ở phục vụ, cho con tiền tha hồ chơi bời, mua sắm nhưng không dành thời gian quan tâm, giáo dục con. Những đứa trẻ đó cũng là những đối tượng bị thiệt thòi, không được quan tâm và dễ sa ngã...
Trân trọng cảm ơn bà!
Bà Khuất Thu Hồng cho rằng, hiện nay công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta còn thiếu tính thực tế, chưa gắn với cộng đồng. Trong khi bạo hành trẻ em đanh diễn ra bằng nhiều hình thức. Thực tế hiện nay trẻ em chưa được giáo dục để hiểu được quyền của các em và cha mẹ cũng chưa hiểu hết trách nhiệm của mình đối với trẻ em. “Phải tuyền truyền để cả xã hội hiểu và chấp nhận, nếu trẻ em có gọi điện cho cơ quan chức năng tố cáo bị bạo hành thì đó là chuyện bình thường, chứ không phải đó là hành động bất hiếu, láo lếu” - Bà Hồng nói. Bà Hồng cũng cho rằng cần xã hội hóa các tổ chức bảo vệ trẻ em một cách thực chất. Theo đó, bên cạnh các cơ quan bảo vệ trẻ em, cần có thêm các tổ chức hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em do cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra giám sát, cấp giấy phép, tránh trình trạng tràn lan, thiếu kiểm soát. |
Phạm Thanh