1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Có động lực thì mới thay đổi hành vi bạo lực gia đình

(Dân trí) - Bạo lực gia đình làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khoẻ và tâm lý của người bị bạo lực. Theo một cuộc khảo sát gần đây, tỷ lệ gia đình có biểu hiện bao lực chiếm tới 1/5. Do đó, bạo lực gia đình đang là vấn đề khá “hot” ở Việt Nam.

Vụ trưởng vụ gia đình (Bộ Văn hoá thể thao - Du lịch) Lê Đỗ Ngọc đã có cuộc trao đổi về vấn đề này trong dịp Hội thảo khu vực Asean về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, được tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 10/2008.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam?

Bạo lực gia đình ở Việt Nam đang là vấn đề khá “nóng” do người ta vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện riêng trong mỗi gia đình. Nhiều người coi bạo lực gia đình là quyền đương nhiên, kể cả nam hay nữ, ai nắm quyền lực thì cho mình có quyền dạy bảo người khác bằng bạo lực hoặc bằng sự xúc phạm.

Ở đây vai trò của báo chí hết sức quan trọng, càng đưa nhiều vụ việc lên càng tốt vì nó làm thức tỉnh nhận thức của từng thành viên trong gia đình. Để đưa ra một nhận định chính xác nhất về thực trạng bạo lực gia đình thì cần phải có một cuộc điều tra toàn quốc.

Nhưng theo một cuộc điều tra mới đây do chúng tôi thực hiện, tuy mới chỉ dừng lại ở một số biểu hiện của bạo lực gia đình như đánh đập, bạo lực về tình dục, mắng chửi… đã cho thấy, cứ 5 gia đình thì có một gia đình có biểu hiện bạo lực, chiếm tỷ lệ 1/5, như vậy là khá trầm trọng.

Những gia đình nào có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, trong đó rượu chè, nghiện hút chiếm tỷ lệ tương đối lớn (tới 60%). Những người nghiện rượu dễ có những hành vi gây bạo lực bởi trong đầu họ đã có nhận thức đó rồi (về bạo lực gia đình - PV) và khi uống rượu dễ bột phát hành vi, chẳng hạn như đánh đập. Xảy ra bạo lực gia đình cũng có thể liên quan đến vấn đề kinh tế hoặc do vấn đề ngoại tình, ghen tuông... Song nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là nhận thức, nếu cải thiện được nhận thức thì các hành vi bạo lực sẽ bớt đi.

Nhưng để thay đổi được nhận thức là vấn đề không đơn giản…!

Giải quyết vấn đề trong gia đình không chỉ có bạo lực mà còn là vấn đề kinh tế, thu nhập, giáo dục con cái, quan hệ láng giềng… Bộ Văn hoá thể thao - du lịch đang tiến hành dự án mô hình về phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó, lấy cộng đồng làm cơ sở, xây dựng những CLB gia đình tại các thôn, bản, khuyến khích các gia đình có biểu hiện bạo lực tham gia bằng cách hỗ trợ vốn cho những gia đình khó khăn, trợ giúp trong việc dạy dỗ con cái.

Chẳng hạn như khi chúng tôi triển khai về công tác chống bạo lực gia đình tại Tây Ninh, Bình Phước. Có những người đàn ông nghiện rượu, đánh vợ liên tục, nhưng khi mình giúp cho họ làm ăn kinh tế thì họ bỏ rượu và không còn đánh vợ nữa. Cần phải giúp họ có động lực thì mới có thể thay đổi hành vi.

Nhưng tại sao khi xã hội ngày càng phát triển, Luật phòng chống bạo lực gia đình thì đã có hiệu lực từ 1/7/2008, tình trạng bạo lực gia đình vẫn tăng?

Đối tượng trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, nam giới cũng có. Nếu người phụ nữ bị bạo lực, họ sẽ cảm thấy rất xấu hổ khi nói đến điều đó, thậm chí nam giới còn xấu hổ hơn.

Những năm đầu triển khai luật, chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện nhiều vụ việc bạo lực gia đình hơn vì khi đó những người trong gia đình nhận thức được hành vi bạo lực và sẽ nói ra.

Chế tài xử phạt đối với những vụ bạo lực gia đình hiện nay như thế nào, thưa ông?

Chính phủ đang xem xét việc ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bạo lực gia đình. Trong đó, chúng tôi đã liệt kê được khoảng 126 hành vi cả trực tiếp và gián tiếp bị coi là bạo lực gia đình với mức tiền từ 100.000 đồng trở lên.

Ở đây có một vấn đề là khi phạt tiền, người ta nghi ngờ đó là tiền chung, nếu phạt chồng có khi vợ lại rút tiền ra trả, vì thế sẽ không tố cáo. Do vậy, nguyên tắc phòng ngừa, răn đe là chính.

Nhưng như vậy thì nó không đủ sức răn đe cho những ai có ý định gây bạo lực trong các gia đình?

Thực tế, mức độ xử phạt về bạo lực gia đình của mình nhẹ hơn so với các nước khác. Như ở Campuchia, nếu đối tượng có hành vi bạo lực gia đình nghiêm trọng thì sẽ bị tù. Còn ở Việt Nam thì chủ tịch UBND xã phường ra quyết định và mức độ nhẹ hơn so với các nước. Nhưng do mỗi một quốc gia nó có một văn hoá, tập tục riêng và mình cần phải dựa vào những cái đó để xây dựng các quy định pháp luật. Tôi vẫn nói rằng quan trọng là cần phải thay đổi nhận thức.

Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thay đổi nhận thức?

Không thể coi bạo lực gia đình chỉ là chuyện của riêng mỗi gia đình mà nó là vấn đề xã hội. Phải tăng cường truyền thông giáo dục để mỗi thành viên trong các gia đình hiểu rằng không phải ai kiếm được nhiều tiền thì có quyền đánh đập, mắng chửi người khác.

Những trường hợp nạn nhân cảm thấy xấu hổ, không dám nói ra chuyện mình bị hành hạ thì hàng xóm láng giềng trong cộng đồng cần phải biết để giúp họ hiểu được rằng đây là hành vi sai phạm và cần phải tố giác. Thêm nữa, vấn đề giáo dục không chỉ cần đối với những người gây bạo lực gia đình mà cả những nạn nhân cũng cần được giáo dục.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương