Có dấu hiệu “ghìm giá” chứng khoán?
(Dân trí) - Một đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho biết: Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu mua “ghìm giá” của một số tổ chức lớn, đặc biệt là có “bàn tay” của tổ chức nước ngoài. Còn theo quan điểm các công ty chứng khoán, việc này rất khó.
Thị trường lao dốc không phanh khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các chuyên gia, các nhà phát triển thị trường một lần nữa lại ngồi cùng nhau đưa ra các giải pháp kích cầu thị trường vào sáng 22/1.
Tại đây, một đại diện của UBCKNN cho rằng, những diễn biến hiện nay cho thấy nhà đầu tư do lo sợ thị trường còn sụt giảm hơn nữa nên đã rút tiền ra để chờ thời cơ. Còn trên thị trường, hiện có những dấu hiệu giao dịch mua “ghìm giá” của một số tổ chức lớn, đặc biệt là tổ chức nước ngoài.
Trao đổi thêm với Dân trí, vị đại diện này cho biết: “Đã có những dấu hiệu về việc giao dịch “ghìm giá” trên thị trường, nhưng cần có thời gian theo dõi, chứ chưa thể coi đó là luận cứ”.
Còn với quan điểm của một số công ty chứng khoán, việc các tổ chức lớn, tổ chức nước ngoài “ghìm giá” trong thời điểm hiện nay là rất khó xảy ra.
Đại diện Chứng khoán Bảo Việt cho rằng: Hành vi ghìm giá thường biểu hiện qua việc nhà đầu tư bán ra, còn giao dịch trên thị trường hiện nay cho thấy khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tranh thủ lúc giá xuống để mua vào: “Nhà đầu tư nước ngoài tuỳ theo đặc điểm của thị trường để giải ngân, họ thấy thị trường chưa tốt, chưa có triển vọng tăng giá nên chưa giải ngân cũng là một điều bình thường”.
Ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Tân Việt bày tỏ: “Tôi cho rằng, nói nhà đầu tư nước ngoài có vai trò dẫn dắt thị trường là không đúng. Nhóm nhà đầu tư này khi giá cổ phiếu rẻ thì họ mua vào, đắt lại bán ra, còn nhà đầu tư trong nước không phải lúc nào cũng nắm bắt được cơ hội đó”.
Cũng theo ông Quyến, sở dĩ thị trường liên tục đi xuống là do nhà đầu tư vẫn còn tâm lý hoài nghi, nên nhiều người rút dần vốn sang đầu tư bất động sản và vàng. “Vấn đề của thị trường hiện nay là cung tiền, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh cho vay đầu tư cho vay chứng khoán, nhưng phải hạn chế cho vay bất động sản”.
Cùng với quan điểm của đại diện các công ty chứng khoán trên, ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng: Thị trường chứng khoán thế giới đang sụt giảm mạnh, việc thị trường Việt Nam “đìu hiu” cũng là lẽ thường.
“Không ai có mưu đồ ghìm giá thị trường cả. Việc Nhà nước cần làm là ra các chính sách nhất quán, không thể nay đổi, mai thêm được”- ông Hưng nhấn mạnh.
Nhằm kích cầu thị trường, theo ý kiến của PGS. TS Nguyễn Thị Mùi, Học viện Tài chính, lúc này chưa cần mở “room” đối với nhà đầu tư nước ngoài, vì “tăng room chưa hẳn tăng sức cầu như nhiều nhà đầu tư mong đợi”.
Bà Mùi lý giải: Nếu mở room đồng loạt chỉ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào những lĩnh vực có sức hấp dẫn cao: tài chính, ngân hàng, xây dựng, bất động sản…
Theo bà, các nhà quản lý cần có cái nhìn sâu hơn về trung và dài hạn thay vì chỉ ngắn hạn cho tiến trình phát triển thị trường như hiện nay: giãn IPO, hạn chế phát hành thêm…
Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long, ông Lê Đình Ngọc nhìn nhận: cần phải nói chính xác hơn là TTCK ngày càng có phản ứng nhanh hơn, chính xác hơn với các diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước.
Ông Ngọc đề xuất cần kích thích nhóm đầu tư “ngoại” thông qua việc mua ngoại tệ, bán cổ phiếu bằng ngoại tệ cho đối tác chiến lược gắn với thời gian hạn chế chuyển nhượng”.
Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Chứng khoán Sài Gòn (SSIAM), bà Đặng Thị Hồng Phương lại cho rằng: Biện pháp đầu tiên mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán phải làm là “nên cân nhắc tới chính sách thuế thu nhập áp dụng cho hoạt động quản lý quỹ đầu tư.
Để khuyến khích phát triển cầu ổn định cho thị trường chứng khoán, các nhà hoạch định chính sách nên có một mặt bằng cân xứng giữa thuế thu nhập chứng khoán cho cá nhân đầu tư, các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước, qua đó kích thích sự phát triển của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, đóng vai trò nền tảng cho lực lượng cầu trên thị trường”…
An Hạ