1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cô dâu 13 tuổi và những “lời ru buồn”

(Dân trí) - Đang học lớp 8, Zơrâm Thị V. bất ngờ bỏ học về nhà “bắt” chồng. Chuyện trẻ 13-14 tuổi nghỉ học lấy chồng ở Đông Giang không còn là chuyện lạ. Hình ảnh những “bé gái” già trước tuổi, quay quắt địu con, làm nương rẫy từ sáng tới tối cũng không còn hiếm gặp.

Lấy chồng từ thuở 13

 

Cô dâu 13 tuổi và những “lời ru buồn” - 1

Một đám cưới truyền thống của người Cơtu ở xã Sông Kôn
 
Vài năm trở lại đây, tình trạng trẻ em bỏ học lấy vợ/chồng trở thành vấn đề “nóng” ở huyện vùng cao Đông Giang (Quảng Nam). Có đôi vì lỡ “ăn trái cấm” sớm mà phải cưới nhau; có em nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ; lại có em buộc phải lấy chồng vì vấn nạn “đặt cọc” giữa 2 bên gia đình, hay nợ của hồi môn từ đời trước,…

 

Chỉ  riêng xã Sông Kôn, theo báo cáo của ngành Tư pháp  địa phương, trong khoảng 10 năm trở lại đây, toàn xã có đến hàng chục trường hợp thanh thiếu niên lấy vợ chồng sớm.

 

Năm 2008, em Alăng Thị O. (13 tuổi) bỏ học lấy chồng khi vừa tròn 13 tuổi. Đám cưới cô dâu nhí khá linh đình, được tổ chức theo đúng nghi lễ đám cưới lớn của người Cơtu nhưng cô dâu thì khóc sướt mướt. O. bảo “cái bụng mình không ưng thằng đó”, nhưng ngặt nỗi nghe đâu đời trước, cha cô “ăn” của cưới của nhà người ta nên đến đời cô phải trả.

 

Không chỉ riêng các xã Sông Kôn và Jơ Ngây, tình trạng tảo hôn đang lan tràn ở khắp các bản làng của đồng bào Cơtu ở huyện Đông Giang. Tình trạng này vẫn diễn ra công khai nhưng không thấy ngành chức năng nào can thiệp.

Gia đình chồng của Alăng Thị O. không phải ai xa lạ mà chính là cô dượng ruột của O. Theo tập tục của người Cơtu, con gái của người em trai có thể lấy con trai của người em hoặc chị gái. Do vậy mà chuyện lấy người cùng huyết thống cứ diễn ra trong hôn nhân của đồng bào Cơtu.

 

Trường hợp Zơrâm Thị V. (13 tuổi) bỏ học nửa chừng để lấy chồng cũng khiến nhiều người sửng sốt. Cách đây hơn 2 tháng, Zơrâm Thị V. đột nhiên bỏ học không lý do, rồi bất ngờ cưới một cậu thanh niên 16 tuổi ở xã khác. Gia đình, bạn bè muốn phản đối cũng không được vì “cái bụng 2 đứa đã ưng nhau rồi”.

 

Ngày Zơrâm Thị V. về nhà chồng, mẹ em - chị Alăng Thị R. - khóc hết nước mắt, thương cô con gái nhỏ sau này làm sao nuôi sống được cả gia đình chồng, làm sao biết nuôi con…
 
Cô dâu 13 tuổi và những “lời ru buồn” - 2
Những vấn nạn của đói nghèo và lạc hậu ở huyện vùng cao Đông Giang 

 

Những “lời ru buồn”

 

Ngay tại thời điểm chúng tôi đang viết dở bài này thì một đám cưới tảo hôn khác cũng đang được tổ chức ở Đông Giang. Cô dâu vừa tròn 16 tuổi, vai gùi, tay xách mang “đồ cưới” của nhà gái đến nhà chú rể. Nhìn cảnh ấy, một người bạn làm trong ngành văn hoá địa phương trăn trở: “Mới học xong lớp 10 đã vội lấy chồng. Không biết rồi đây cuộc sống của họ sẽ ra sao?”.

 

Hệ lụy của những đám cưới tảo hôn luôn luôn là sự nghèo đói và lạc hậu. Những người vợ, người mẹ trẻ già hơn rất nhiều so với tuổi, ngày ngày lên nương làm việc cật lực kiếm cái ăn cho cả gia đình chồng; tối về lại quay quắt với đàn con nheo nhóc.

 

Nói như già làng Bh’riu Prăm: các em tự lo cho mình còn chưa xong, làm sao lo cho người khác?

 

Đến thăm những “gia đình trẻ con” tại một bản làng người Cơtu ở xã Sông Kôn, chúng tôi gặp em Alăng Thị E. vừa lo nấu cơm chiều trong căn bếp tuềnh toàng vừa chạy vội lên nhà trên để cho đứa con nhỏ bú. Căn nhà trống tuyềnh trống toàng và hiu quạnh. Hỏi: Vợ chồng không có việc làm ổn định, lấy tiền đâu nuôi con nhỏ? Alăng Thị E. nghẹn ngào: “Tụi mình ăn gì thì cho hắn ăn thứ đó thôi”.
 
Cô dâu 13 tuổi và những “lời ru buồn” - 3
Khi về nhà chồng, phụ nữ Cơtu thường phải vất vả làm lụng để “trả” của nợ hồi môn

 

Chiều muộn, những đứa trẻ Cơtu trần truồng, lấm lem chơi lang thang trước nhà. Người Cơtu hình như vẫn còn tin vào quan niệm: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”.

 

Phụ nữ Cơtu - gánh nặng của nợ hồi môn

 

Theo một số già làng Cơtu, từ xa xưa, người Cơtu thường có tập tục “đòi” nhiều của từ gia đình nhà trai cho nhà gái. Chính tập tục này đã để lại nhiều lo âu và gánh nặng cho số phận và tương lai của người con gái khi về phục vụ nhà chồng.

 

Trong đám cưới, nếu gia đình nhà cô dâu đòi hỏi lượng của cải lớn bao nhiêu thì khi về nhà chồng, chính cô dâu đó phải vất vả làm lụng để “trả nợ hồi môn” bấy nhiêu. Do vậy, người phụ nữ Cơtu khi về nhà chồng thường rất nặng gánh lo toan. Với những em gái 13-14 tuổi, món nợ đó không biết các em làm cách nào để trả!?

 

Vương Hoàng