Có cảng cá 90 tỷ đồng, ngư dân vẫn đội mưa vá lưới
(Dân trí) - Cảng cá Hòa Lộc được đầu tư, xây dựng với mục đích sớm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đồng thời góp phần hình thành, phát triển cụm kinh tế phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, mục đích của cảng cá này đã bị thay đổi…
Cảng cá Hòa Lộc được đầu tư xây dựng tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc có năng lực tiếp nhận sản lượng thủy sản từ 10.000 đến 15.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng.
Sau một thời gian đầu tư, Cảng đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, kết cấu hạ tầng khá hiện đại, đồng bộ. Các công trình của cảng gồm: 2 bến cầu tàu dài 270m, trong đó có bến dành cho tàu có công suất trên 400 CV trở lên dài 120m, bến dành cho tàu có công suất dưới 135 CV dài 150m; kè bảo vệ bờ; hệ thống phao báo hiệu, tháp hải đăng...
Bên cạnh có còn các công trình kiến trúc, với nhiều hạng mục đã hoàn thành, như: Nhà văn phòng, nhà để xe, thiết bị, nhà bảo vệ, trạm điện... Các công trình hạ tầng kỹ thuật, như đường giao thông vào cảng; đường nội bộ cảng; sân bãi trong cảng rộng hơn 10.000 m2... được xây dựng đúng thiết kế, đúng quy hoạch, đáp ứng cho từ 200 đến 300 tàu thuyền với công suất đến 400 CV ra vào, neo đậu.
Vị trí trung tâm của cảng được thiết kế thành nhà phân loại cá khi tàu thuyền của ngư dân đi biển về. Hai đầu cảng là thiết kế để làm kho đông lạnh. Khi đi vào hoạt động, cảng cá sẽ tạo điều kiện để có nơi neo đậu tàu thuyền, phân loại hải sản, tu sửa ngư lưới cụ… của ngư dân địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết những vị trí này đã được một số hộ kinh doanh cá thể thuê để xây dựng kiên cố làm nơi kinh doanh buôn bán.
Theo phản ánh của nhiều ngư dân địa phương cho biết, có những thời điểm thuyền về nhiều không còn nơi để bà con ngư dân hoạt động. Công trình đã được đầu tư phục vụ ngư dân nhưng có những hôm trời mưa, bà con phải ở ngoài trời để vá ngư lưới cụ.
Ông Lê Văn Thăng - Giám đốc Ban quản lý cảng cá Hòa Lộc cho biết, việc cho thuê mặt bằng tại vị trí trung tâm của cảng là do huyện Hậu Lộc, còn Ban quản lý không hề có quyền cho thuê.
Theo hợp đồng cho thuê mặ bằng tại cảng do ông Thăng cung cấp, trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Văn Cường và ông Phạm Văn Dũng có cùng một số hợp đồng và được ngày ký 21/5/2013.
Nội dung hợp đồng thể hiện, đại diện bên A là ông Nguyễn Văn Hoằng - Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc. Bên B chỉ được xây dựng và sản xuất kinh doanh xưởng cấp đông. Tuyệt đối không được phá vỡ mặt bằng quy hoạch xây dựng của nhà phân loại.
Tuy nhiên, trên thực tế, tại khu vực trung tâm cảng mọc lên một số gian nhà được xây kiên cố để kinh doanh buôn bán sai mục đích sử dụng. Trong khi số tiền thu được từ việc cho thuê mặt bằng không đáng là bao. Còn hàng trăm hộ ngư dân bị lại không có nơi hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hoằng - Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: “Vị trí mà huyện cho các hộ thuê đó là chợ phân loại cá và nơi làm kho lạnh, khi cá của ngư dân chưa bán được thì có nơi để bảo quản khỏi bị hư hỏng, bên cạnh đó cũng không bị các lái buôn ép giá…".
Trước thực tế một số hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng không có trong quy hoạch của cảng như: quán cơm, quán nước giải khát… theo ông Hoằng lý giải, khu vực này lâu nay cũng để không, huyện mới muốn cho các hộ thuê tận dụng cho khỏi lãng phí. Thứ hai là để góp phần cho cảng sôi động phát triển hơn đồng thời có thêm nguồn thu nhập cho ngân sách.
Trần Lê