Vĩnh Phúc:

Có biểu hiện buông lỏng, đùn đẩy trong xử lý vi phạm đê điều

Thế Kha

(Dân trí) - Việc xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều của các cấp, ngành, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, có biểu hiện buông lỏng quản lý.

Ông Nguyễn Văn Khước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn.

Chỉ thị đánh giá, công tác quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều trong thời gian qua ở Vĩnh Phúc còn nhiều tồn tại dẫn đến các vi phạm ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi hầu khắp trên địa bàn tỉnh.

Có biểu hiện buông lỏng, đùn đẩy trong xử lý vi phạm đê điều - 1

Ông Nguyễn Văn Khước - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: VP).

Ngoài nguyên nhân các công trình thủy lợi, đê điều trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc, do nhiều đơn vị quản lý khác nhau, các quy định pháp luật về thủy lợi, đê điều còn chưa đầy đủ, chồng chéo, chưa rõ ràng thì sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, đùn đẩy trách nhiệm.

"Công tác xử lý vi phạm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, có biểu hiện buông lỏng quản lý", chỉ thị nhấn mạnh.

Xử nghiêm các trường hợp khai thác cát sỏi trái phép

Vĩnh Phúc giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phát sinh mới theo thẩm quyền, đúng quy định. Thường xuyên thống kê, phân loại vi phạm tồn đọng, kiến nghị UBND các huyện, thành phố xử lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi khu vực bãi sông, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý trong các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền.

"Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra, rà soát các hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã hết hạn, những giấy phép còn thời hạn nhưng trong quá trình hoạt động khai thác có vi phạm pháp luật", chỉ thị của Vĩnh Phúc nêu rõ.

Vĩnh Phúc giao Công an tỉnh kiểm soát, xử lý các trường hợp khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông, nhất là khu vực có đê sát sông, kè bảo vệ bờ, khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận.

Đặc biệt, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, đề xuất xử lý theo đúng quy định của pháp luật khi được UBND tỉnh giao.

Có biểu hiện buông lỏng, đùn đẩy trong xử lý vi phạm đê điều - 2

Khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô từng gây bức xúc dư luận thời gian dài (Ảnh: TNMT).

Giải tỏa ngay tình trạng trồng rau, màu, cỏ voi trên thân, mái đê

UBND các huyện, thành phố ở Vĩnh Phúc có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn.

Kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các phòng chức năng của huyện, Công an huyện và UBND các xã, thị trấn có đê, hồ đập và công trình thủy lợi khác, phối hợp chặt chẽ với các Hạt Quản lý đê, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ vi phạm vào thân đê, kè, cống, đập, công trình thủy lợi và vùng phụ cận...

"Giải tỏa ngay tình trạng trồng rau, màu, cỏ voi... trên thân, mái đê thuộc tất cả các tuyến đê tả Hồng, hữu sông Phó Đáy và tả Lô, nghiêm trọng nhất trên tuyến đê tả Lô và tả Hồng", chỉ thị nhấn mạnh.

Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm.

Lãnh đạo các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc chậm xử lý, hoặc không xử lý các hành vi vi phạm, đùn đẩy trách nhiệm thuộc thẩm quyền xử lý, làm cho vi phạm, tái vi phạm gia tăng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, đê điều.