1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk:

“Cò” bán cơm vào bệnh viện đe dọa bác sĩ, “ép” bệnh nhân

(Dân trí) - Chuyện xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk từ nhiều tuần qua, khi một nhóm đối tượng lạ mặt ngang nhiên mang cơm vào bán cho người bệnh, bất chấp quy định cấm bán hàng rong trong bệnh viện.

“Cò” bán cơm vào bệnh viện đe dọa bác sĩ, “ép” bệnh nhân

Mặc dù bệnh viện không đồng ý cho bán cơm ở trong khuôn viên khám chữa bệnh, một đối tượng vẫn đưa cơm vào khoa Nhi rao bán.

Mặc dù bảo vệ bệnh viện, công an phường đã có động thái can thiệp nhưng tình hình vẫn tái diễn. Thậm chí các đối tượng còn tuyên bố sẽ “đánh gãy chân” cán bộ bảo vệ bệnh viện, y bác sỹ… nếu cản trở việc bán cơm.
 
Trước thực trạng này, ngày 4/12, bác sỹ Y Bliu Arul - Phó Giám đốc Bệnh viện - đã ký văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an TP Buôn Ma Thuột… đề nghị các đơn vị này vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc để trả lại môi trường khám chữa bệnh lành mạnh cho bệnh viện.

Lộng hành

11h30 ngày 4/12, trong vai người nhà bệnh nhân vào thăm nuôi người bệnh tại khoa Nhi, chúng tôi dò hỏi một số người nhà bệnh nhân về việc “mua cơm” thì vẻ mặt ai cũng né tránh. Một người đàn ông trạc tuổi 38, có người nhà nằm điều trị tại khoa Nhi có vẻ sợ sệt nói: “Tôi mua cơm rồi, mua ở ngoài cổng bệnh viện, giờ tôi không mua nữa đâu…”. Cách đó không xa có khoảng 5 đến 6 thanh niên xăm trổ đầy mình túc trực trước tiền sảnh Khoa Nhi (ở tầng 1) để “tiếp viện” cơm cho một nhóm đối tượng khác đang hoạt động ở tầng 3. Trong số này có một người đàn ông ngoài 40 tuổi, mặc áo khoác đen, tay cầm một miếng giấy ghi chép số lượng người mua, thành phần thức ăn… để chỉ đạo “đàn em” mang cơm vào giao.

10h30 ngày 5/12, tại tầng 3 của khoa Nhi, các đối tượng vận chuyển hàng chục suất cơm hộp để sẵn bên hành lang rồi “tuồn” vào trong giường phòng rao bán cho bệnh nhân. Bên ngoài hành lang có một đối tượng ngoài 20 tuổi làm nhiệm vụ “tiếp ứng”, bên trong cánh cửa (cửa 2 lá) 2 đối tượng khác nhận cơm rồi mang đi giao. Sau khi cơm được bán hết, 2 đối tượng bên trong lại đi ra cánh cửa yêu cầu đối tượng bên ngoài “tuồn” thêm cơm vào. Một trong 2 đối tượng vẻ mặt bặm trợn, mắt lăm le ngang dọc, còn tay liên tục kiểm đếm tiền.

Anh H., một cán bộ bảo vệ bệnh viện cho biết, các đối tượng thường đến từng giường hỏi tên người bệnh, thức ăn… rồi vào một tờ giấy. “Cơm được bán với giá từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/suất. Đa số những người khi được hỏi cũng sợ nó gây sự nên buộc phải mua cơm. Một số người mua cơm bảo rằng không thích mua nhưng vì sợ lắm…”, anh H. kể.

Anh H., cho biết thêm: “Trưa ngày 3/12, khi đó khoa Nhi rất phức tạp, chúng tôi lên thì các đối tượng chửi bới, đe dọa nhân viên, bảo vệ. Đến chiều có một đối tượng quá khích tuyên bố nếu bảo vệ bước ra khỏi bệnh viện sẽ bị đánh gãy chân nên chúng tôi đưa vào phòng làm việc để xử lý. Nhưng sau đó chưa kịp làm việc thì có hơn 20 người lạ mặt kéo đến la lối, chửi bới chúng tôi và xông vào phòng bảo vệ kéo đối tượng này ra ngoài”.

Một điểm tập kết cơm của các đối tượng.
Một điểm "tập kết" cơm của các đối tượng.

Đe dọa

Một bảo vệ khác của bệnh viện cho biết, mặc dù bệnh viện có quy định cấm bán hàng rong ở trong phòng bệnh nhưng các đối tượng vẫn xách cơm vào khoa Nhi rao bán cho bệnh nhân. “Quy định là vậy nhưng các bác sỹ, điều dưỡng ở khoa Nhi cũng không dám nói vì sợ nó hù họa ra đường sẽ đánh”, bảo vệ này nói.

Tiếp xúc với phóng viên, một bác sỹ khoa Nhi kể: “Ở đây các y bác sỹ trong khoa toàn là phụ nữ nên không làm gì được, bệnh viện cũng vì sợ ảnh hưởng đến chị em nên không giao cho khoa nữa mà giao cho lực lượng bảo vệ và công an giải quyết. Mấy hôm trước một chị điều dưỡng do cản trở việc bán cơm nên bị các đối tượng dọa ra đường đánh, chị đó không dám dùng xe máy đi làm mà đi nhờ xe ô tô của người khác”. Vị bác sỹ này cho biết thêm, do tính chất côn đồ của nhóm đối tượng này nên mọi việc được báo cáo lên lãnh đạo bệnh viện xử lý.

Bác sỹ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, phân trần: “Trong bệnh viện có căng-tin, khoa dinh dưỡng, và được cơ quan chức năng kiểm tra về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn bên ngoài mang cơm vào bán, chúng tôi không quản lý được, mà người nhà hoặc bệnh nhân ăn nhằm thức ăn không an toàn lỡ có ngộ độc, bệnh viện làm sao chịu trách nhiệm được…”.

Bác sỹ Y Bliu Arul cũng cho biết, trước thực trạng này, lực lượng bảo vệ đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, can thiệp nhưng các đối tượng không chấp hành mà còn lôi kéo một số người quá khích đe dọa, gây áp lực cho nhân viên bệnh viện, gây hoang mang cho người nhà bệnh nhân. “Một cán bộ của bệnh viện còn bị đe dọa, nếu can thiệp thì sẽ bị đâm. Chúng tôi mời công an phường Tân Thành hỗ trợ can thiệp nhưng sự việc vẫn còn tiếp diễn”, bác sỹ Y Bliu Arul bức xúc nói.

Sáng ngày 5/12, phóng viên đã đến trụ sở Công an phường Tân Thành để nắm thêm thông tin về thực trạng trên. Tiếp phóng viên, Trung tá Nguyễn Minh Trinh - Phó Công an phường Tân Thành - nói, theo quy chế của ngành, chưa có ý kiến của cấp trên nên chưa phát ngôn.

Thủy Nguyên 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm