Quảng Bình:
Chuyện về thiếu nữ dùng đòn gánh đả hổ cứu bạn
“Thấy con hổ chồm lên rồi dùng hai chân trước đè hai vai, miệng ngoạm vào trán kéo hết cả lớp da trên đầu anh Quốc ra, tôi thấy kinh hồn bạt vía...”.
Người dân xóm Đồn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn vô cùng hào hứng khi chúng tôi hỏi về câu chuyện người con gái 15 tuổi dùng đòn gánh đánh hổ cứu bạn, mặc dù câu chuyện cách đây ngót nghét 54 năm trời.
Đánh hổ dữ bằng... đòn gánh
Ngôi nhà của bà Ngô Thị Kỷ (SN 1945) nằm ngay đầu xóm Đồn, người con gái bé nhỏ ngày nào giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, con cháu đề huề. Khi được hỏi về câu chuyện “khó tin nhưng có thật” xảy ra cách đây 54 năm, bà chỉ cười hiền lành.
Bà bảo, chuyện đánh hổ thì lâu lắm rồi nhưng đến giờ nghĩ lại bà vẫn thấy nhớ như in buổi sáng kinh hoàng đó.
Rót nước mời khách, bà nhớ lại: “Khoảng tháng 5 năm 1960, lúc đó tôi chỉ mới 15 tuổi, vì trời rất nắng nên chúng tôi phải ra đồng nhổ mạ thật sớm để kịp về cấy, cùng đi với tôi trong buổi sáng đó là anh Bùi Minh Quốc (SN 1944) ở cùng thôn.
Bà Kỷ và cánh đồng nơi bà dùng đòn gánh đánh hổ.
Hai anh em đang đi thì thấy một con vật to lớn ngồi lù lù trên cánh đồng, lúc đầu chúng tôi còn tưởng con nghé nhà ai bị lạc, khi còn cách con vật khoảng 50m, anh Quốc lấy một hòn đất ném về phía nó”.
Mới kể đến đây bà bỗng dừng lại, hồi tưởng giây phút con vật quay đầu lại rồi nhanh như chớp đã lao thẳng về phía anh em bà. Cũng lúc đó cả bà và ông Quốc mới tá hỏa vì đó là một con hổ dữ, nặng tầm 70 kg.
“Con hổ chồm lại, dùng hai chân trước đè hai vai anh Quốc xuống đất, miệng ngoạm lấy đầu anh ấy rồi kéo nguyên mảng da trên đầu anh ấy xuống, tôi đứng như trời trồng một lúc. Tiếng kêu cứu của anh Quốc làm tôi bừng tỉnh” - bà Kỷ kể.
Trong lúc con hổ và anh Quốc vật lộn với nhau, bà cũng kịp định thần lại, sẵn đòn gánh trên tay bà lao đến rồi dùng hết sức lực đánh ba cái vào đầu con hổ, vừa đánh vừa hét thật to.
“Bị đánh bất ngờ, con hổ thả anh Quốc ra, anh ấy bỏ chạy được một đoạn, tôi lại dùng đòn gánh đánh tiếp vào đầu con hổ, bị đau nên con hổ gầm lên rồi bỏ chạy theo hướng làng để lên rừng, tôi và anh Quốc thì chạy hướng ngược lại vào làng”, bà kể tiếp.
Được Bác Hồ tặng huy hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”
Biết hai anh em bà bị hổ vồ, hai người thanh niên trong làng, một người cũng tên là Quốc và người còn lại tên là Mãnh đã đi tìm nó để giết.
“Khi tìm được hổ, thấy nó to quá anh Quốc sợ nên bỏ chạy, chỉ còn mình anh Mãnh, không biết làm thế nào anh ấy đành đưa tay ra để con hổ cắn và khỏi cắn lên bộ phận khác trong khi chờ người làng tới cứu.
Con hổ cắn nát một cánh tay của anh Mãnh cũng là lúc ông Minh làm thợ lò gạch gần đó phát hiện ra, ông và người dân đã lấy rựa chém con hổ chết, người đàn ông tên Mãnh mới được cứu sống”, bà nhớ lại.
Sau khi nằm điều trị ngót hai tháng trời, ông Quốc mới hồi phục rồi đi học sư phạm về làm ông giáo trường làng.
Còn bà Kỷ thì ở nhà làm công tác đoàn, đội trưởng đội sản xuất và lập gia đình vào năm 1968.
“Thời đó, câu chuyện đánh hổ của tôi lan ra với tốc độ chóng mặt, tôi đã được Huyện đoàn, Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen.
Nhưng điều tôi nhớ nhất là sau khi nghe được câu chuyện của tôi, Bác Hồ đã viết thư khen ngợi và gửi tặng tôi huy hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ””, bà tự hào nói.
Bà không ngờ, một việc nhỏ như thế mà Bác vẫn quan tâm, trong khi Bác còn bao nhiêu chuyện lớn của đất nước phải lo nghĩ. Bà và gia đình đã coi tấm huy hiệu đó như báu vật, nhưng trong một lần giặc ném bom, nhà bà bị sập và tấm huy hiệu đó cũng bị chôn vùi.
Không chỉ trong nước, tấm gương đánh hổ cứu bạn của bà con lan ra nhiều nước trên thế giới, bạn bè quốc tế ở Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô...đã gửi thư chúc mừng làm bà rất cảm động.
Bà có 7 người con, hiện nay các con đã thanh đạt và lập gia đình, ông bà hiện nay ở cùng với người con gái út. Thỉnh thoảng bà vẫn được các trường, các buổi họp đoàn mời đến kể chuyện đánh hổ như một cách tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng dũng cảm. Đối với bà, đó là niềm vui lớn trong cuộc sống.
Theo Hải Sâm
VietNamnet