1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Hải Phòng:

Chuyện về nơi ở của 70 cư dân ăn mày

Từ khi lập xóm đến nay, đã 30 năm rồi, “xóm ăn mày” vẫn “không điện, không nước, không đường, không trường, không trạm”. Và còn rất nhiều con số không tròn trĩnh nữa. 13 nóc nhà với 70 cư dân “xóm ăn mày” vẫn sống hoang dại như cây như cỏ...

“Xóm ăn mày” giữa “bãi ma”

 

7h sáng, tôi và nhà báo Phạm Việt Hòa (báo Hải Phòng) chạy qua cầu Lạc Long vào trung tâm TP Hải Phòng ăn sáng, thấy một hình ảnh khá ấn tượng: Bà già cao lênh khênh, gầy như cây sậy, với vết lõm như cái bát trên trán, dẫn một người đàn ông mù nhỏ thó quắt queo lên cầu Lạc Long. Khi người đàn ông ngồi lọt thỏm vào khe phân luồng nằm giữa cầu thì người đàn bà lại lững đi mất.

 


Chuyện về nơi ở của 70 cư dân ăn mày - 1

Bất kể nắng mưa, ngày nào ông già mù này cũng ngồi trên cầu Lạc Long ăn mày.

 

Nhà báo Phạm Việt Hòa bảo, sáng nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đến 7h sáng, khi người dân vào trung tâm TP Hải Phòng làm việc, lại thấy bà già dắt ông già mù lên cầu ăn xin. Chiều tối, sau khi người dân rời trung tâm thành phố thì bà già lại lên cầu dắt ông già ăn mày về.

 

Cả ngày hôm đó, tôi ngồi trên thành cầu Lạc Long quan sát ông già ăn xin mù này. Trong cái nắng nóng 38 độ C (với mặt cầu thì phải 40 độ C), ông già mù vẫn kiên trì gõ chiếc gậy tre xuống mặt cầu chan chát để gây chú ý, một tay giơ ra trước mặt những mong người qua cầu biết rằng ông là kẻ ăn mày.

 

Những người qua cầu đều phóng xe vội vã trốn cái nắng gay gắt, nên lâu lắm mới thấy có người dừng lại dúi vào tay ông 500 đồng hoặc một ngàn lẻ, rồi lại rồ ga phóng đi thật nhanh.

 

Đúng 6h chiều, khi mặt trời đã rơi xuống phía sau những ngôi nhà cao tầng, hoàng hôn đỏ rực hắt lên từ sông Cấm, bà già cao lênh khênh, gầy còm như cây sậy xuất hiện dắt ông già mù ăn xin đi về phía phà Bính. Tôi lững thững đi theo quan sát.

 

Qua phà, họ dắt nhau đi dọc con đê sông Cấm vào địa phận xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Người đàn bà đi trước, ông già ăn xin mù bám gậy theo sau, bóng họ đổ dài dưới triền đê.

 

Lúc này, tôi mới quan sát rõ, trên con đê hoang vắng, cỏ mọc lút gối, có những bóng người đội nón rách lúp xúp đi về. Ai cũng gầy gò, kham khổ và đeo cái bị hoặc cái túi vải rách cáu bẩn trên vai, sau lưng.

 

Chuyện về nơi ở của 70 cư dân ăn mày - 2
Chiều xuống, cư dân lại rồng rắn trên con đê sông Cấm để trở về "xóm ăn mày".

 

Mấy cậu choai choai, mấy em bé gái cũng nhảy chân sáo đi về “xóm ăn mày”. Chúng là những đứa bé đã quá tuổi để người đời thương hại móc ví cho tiền, nên trai thì đi đánh giày, nhặt rác, gái đi rửa bát thuê, bán báo dạo… kiếm sống.

 

Cứ đến chiều tối, bầy đoàn già trẻ, lớn bé lại dắt nhau về những căn lều nát, vá chằng vá đụp giữa cánh đồng hoang, ngay chân đê sông Cấm. Những căn lều tụ vào một khu đất hoang rộng ngút tầm mắt, chỉ có cỏ cao lút gối, vũng lầy trâu đằm hôi thối...

 

Trong “xóm ăn mày”, nhà nào cũng giống nhau với cột tre, tường trát đất trộn rơm, mái lợp rạ và được bọc bởi những tấm bạt rách tơi tả. Điều lạ là nhà nào cũng xiêu vẹo sang một bên. Theo lý giải của họ thì mấy tháng trước có một cơn giông tràn qua, làm đổ chổng vó những nhà yếu, làm vẹo vọ những ngôi nhà vững hơn.

 

Mấy năm trước, một cơn bão tràn qua, đã thổi bay hầu hết nhà cửa của cư dân “xóm ăn mày”. Cư dân phải chui vào ngôi đền nhỏ giữa cánh đồng trú mưa. Hôm sau, cán bộ xã Tân Dương cho xe tải chở các cư dân này vào trường tiểu học xã trú tạm, cấp thực phẩm cho ăn mấy ngày liền.

 

Trong nhà của cư dân “xóm ăn mày” không có vật dụng gì đáng giá, chỉ là những thứ bãi thải của người thành phố, được họ khuân về dùng.

 

Từ khi lập xóm đến nay, đã 30 năm rồi, “xóm ăn mày” vẫn “không điện, không nước, không đường, không trường, không trạm”. Và còn rất nhiều con số không tròn trĩnh nữa. 13 nóc nhà với 70 cư dân “xóm ăn mày” vẫn sống hoang dại như cây như cỏ... Là xóm của những người ăn mày, song cư dân quanh vùng lại gọi cái xóm nhỏ kỳ dị này là “xóm ma”.

 

Thấy có xe máy và người lạ vào xóm, đám trẻ con nháo nhác chạy theo. Người lớn cũng nhấc cánh cửa ọp ẹp ló đầu ra ngoài nhòm. Họ tưởng có vị mạnh thường quân vào xóm làm từ thiện, hoặc ít ra cũng là người giàu trong thành phố tìm đến phát đồ bãi thải. Việc đó đã khá quen thuộc với cư dân “xóm ăn mày” rồi.

 

Tình vợ chồng ở “xóm ăn mày”

 

Ông già ngồi trên cầu Lạc Long xin ăn bất kể nắng mưa là ông Hoàng Ngọc Khải và người đàn bà mắt sáng mắt dắt ông đi về chính là vợ ông Khải. Ông Khải nói vui, ông và bà Lõm sống… bất hợp pháp mấy chục năm nay, vì không có đăng ký kết hôn.

 

Vợ ông Khải sinh năm 1930, năm nay đã 80 tuổi, ông Khải không rõ năm sinh của mình, nhưng ông kém vợ chừng 10 tuổi, do đó, ông khoảng 70 tuổi. Không ai biết tên thật của vợ ông là gì, bản thân vợ ông cũng chả biết tên mình. Mọi người đều quen miệng gọi là bà Lõm, vì trán bà có một vết lõm to tướng.

 

Bà Lõm không nhớ quê quán cụ thể ở đâu. Chỉ biết ở Hải Hưng. “Năm 15 tuổi, bố mẹ, anh em tôi chết sạch trong trận đói 1945. Không còn chỗ nương thân, Lõm lang thang xin ăn”, bà kể.

 

Hồi đi ăn mày qua phố Khâm Thiên (Hà Nội), đúng lúc máy bay B52 của Mỹ rải thảm, bà bị trúng bom. Mảnh bom đã phạt mất một miếng xương to  gần bằng lòng bàn tay ở trán, xé toạc cả da đầu. Bà Lõm vạch đầu cho tôi xem và bảo: “Vẫn còn hai mảnh bom ở trong đầu, nên hôm nào trái gió trở trời, đầu đau như búa bổ, cô lại nổi cơn tam bành đập phá chửi bới linh tinh…”.
 
Chuyện về nơi ở của 70 cư dân ăn mày - 3
Vợ chồng ông Khải, bà Lõm bên "căn nhà" rách nát.

 

Bị trúng bom, được bộ đội đưa vào Bệnh viện Việt Đức và phải nằm viện 15 tháng trời mới khỏi. Lúc tỉnh dậy, thần kinh không ổn định, bà không nhớ mình tên họ là gì. Mọi người thấy cái đầu lõm kỳ dị, thì gọi luôn là chị Lõm, giờ già thì gọi là bà Lõm.

 

Ông Hoàng Ngọc Khải, chồng bà Lõm, quê ở xã Quang Thành, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố mẹ mất sớm, ông là con cả trong gia đình có 8 anh chị em.

 

Lên 4 tuổi, ông bị mù. Sau khi bố mẹ mất, anh em tan tác khắp nơi. Người đi ở, người đi làm con nuôi, người lưu lạc ăn xin. Đến giờ ông vẫn không rõ các em của ông còn sống hay đã chết.

 

12 tuổi, cậu bé Khải đã nhảy lên tàu lưu lạc vào tận Sài Gòn kiếm sống. Khải cứ lang thang một mình xin ăn. Ăn no thì lăn ra vỉa hè, gốc cây, ghế đá, thậm chí chui cả vào nhà vệ sinh công cộng ngủ tránh mưa gió.

 

Năm 1968, khi lang thang xin ăn ra phía Bắc, gặp bà Lõm ở ga Hải Dương, thế là hai người thành vợ thành chồng.

 

Không đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới, đôi uyên ương cũng không có nốt phòng cưới, giường ngủ. Bà Lõm kể: “Cô cứ nhớ mãi hôm cưới chồng, khách mời toàn là dân ăn xin ở ga Hải Dương, chỉ có mấy cái kẹo lạc mà nên vợ chồng. Cưới xong, đám ăn xin rước vợ chồng cô ra bờ ruộng, ở đó có căn lều bằng cành tre, lợp lá chuối do đám ăn mày dựng tạm. Nhưng nửa đêm mưa gió ầm ĩ, thổi đổ lều xuống mương, thế là vợ chồng lại dắt nhau vào ga ngủ chung với đám ăn mày”.

 

Lấy nhau, lang thang xin ăn suốt 10 năm trời dọc các ga tàu Hải Phòng - Hà Nội, bến đỗ cuối cùng của cặp vợ chồng ăn mày này là “bãi ma” ngoài đê sông Cấm. Những người ăn mày cùng kéo nhau về đây bởi ở đây không bị xua đuổi, và hơn nữa họ tìm thấy ở nhau sự thông cảm, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ.

 

10 năm trước, chính quyền “giải tán” những hộ dân lấn chiếm trái phép đất ngoài đê, “xóm ăn mày” lại gỡ nhà dựng vào phía trong đê. Từ ngày ở trong đê, cuộc sống ổn định hơn vì đỡ phải chịu cảnh lụt lội mỗi khi nước sông Cấm dâng cao trong mùa lũ, hoặc thủy triều lên chảy ngược vào sông.

 

Sống với nhau 40 năm nay, song vợ chồng ông Khải, bà Lõm cũng không có được mụn con. Ông Khải bảo: “Chả bao giờ có tiền, nên chả đến bệnh viện, nên chả biết vì sao không đẻ được”. Bà Lõm thêm lời: “Cũng may mà không đẻ được, chứ có đẻ ra cũng lại thêm một đứa ăn mày. Bố mẹ ăn mày, thì con cũng ăn mày thôi, không khá hơn được đâu”.

 

Vì suy nghĩ đó, nên ông Khải, bà Lõm chẳng muốn xin một đứa con nuôi. Vợ chồng cứ dắt díu xin ăn kiếm sống, khi nào chết thì nhờ mấy người trong xóm đào hố chôn là xong, chẳng cần quan tài với đám ma linh đình như người đời.

 

Sống bằng nghề ăn xin, nên mọi thứ trong nhà đều là xin được. Từ cây tre mục làm cột, bạt rách làm mái, cửa sổ gỗ vỡ nham nhở, đến cái giường không chân cũng là đồ xin được.

 

Trong nhà ông Khải thứ mới mẻ nhất mà tôi nhìn thấy là cái bàn thờ, đẹp, to và hoành tráng. Bà Lõm kể, thi thoảng, hết củi đun, bà lại ra bờ sông Cấm vớt củi. Mới hôm trước, bà vớt được cái bàn thờ này, do người dân vứt xuống. Thấy chiếc bàn thờ còn mới, nên bà đội về dùng. Cứ đến ngày rằm, ông bà lại thắp hương cúng vái...

 

Cuộc sống của vợ chồng ông Khải chỉ là đắp đổi qua ngày, xin được ngày nào thì ăn ngày đó, ốm đau nằm một chỗ thì cũng nhịn ăn luôn. Khốn khổ ở chỗ, ngày nào xin được ít tiền thì có miếng ăn, xin được nhiều có khi mất trắng với mấy thằng nghiện.
 
Chuyện về nơi ở của 70 cư dân ăn mày - 4
"Xóm ăn mày" gồm những mái nhà xác xơ.

 

Ông Khải ngồi giữa cái nắng chang chang trên cầu Lạc Long để người đời thương hại bố thí, còn bọn nghiện thì ngồi hóng mát dưới gầm cầu chích choác. Ông thì mù, người đời cho bao nhiêu tiền cũng chả rõ, nhưng bọn nghiện thì thằng nào cũng mắt sáng tai thính. Thấy khách sộp, cho nhiều tiền là chúng xông ra trấn lột của ông.

 

Tôi hỏi ông Khải: “Điều mong mỏi lớn nhất của ông là gì?”. Mong ước của ông già ăn mày thật lạ: “Tôi chỉ mong mình chết sau vợ!”. Ông giải thích, dù ít hơn vợ 10 tuổi, song ông ốm yếu hơn vợ nhiều. Vợ ông tuy còn khỏe, nhưng mỗi lúc trái gió trở trời, vết thương trên đầu lại hành hạ, khiến bà lên cơn điên khùng, khổ thân lắm. Ông lo mai này chết trước, không biết ai sẽ chăm sóc cho vợ ông mỗi khi bà bị mảnh bom trong đầu hành hạ.

 

Theo Phạm Ngọc Dương

 VTC News