1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện về những người làm công việc “đoán ý trời”

(Dân trí) - Mặc dù đang trong những ngày Tết Nguyên đán nhưng những cán bộ khí tượng thủy văn vẫn phải làm việc trong rừng sâu, núi thẳm và xa trung tâm để “trực chiến” thu thập số liệu nhằm “đoán ý trời” phục vụ nhân dân.

“Ba cánh hồng” nơi góc trời Sa Pa

Nằm nép mình trên đỉnh núi, cách biệt hẳn với sự nhộn nhịp của khu du lịch, Trạm khí tượng Sa pa (huyện Sa Pa - Lào Cai) là nơi làm việc của 3 người phụ nữ. Giờ đây chỗ các chị làm việc không còn cảnh phải đi bộ, trèo đèo, lội suối, phải chặt cây chặn đường để gặp người như ngày trước nữa. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có phần cô quạnh bởi thiếu vắng tiếng người. Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Liên, Trạm trưởng xúc động rồi vồn vã bảo: “Vào nhà cho đỡ lạnh đi các em. Lâu lắm mới có người đến thăm, chị vui lắm”.

 

Chị Lê Thị Liên, Trạm khí tượng thủy văn Sa Pa, Lạng Sơn kể về những kỷ niệm với nghề đặc biệt.

Chị Lê Thị Liên, Trạm khí tượng thủy văn Sa Pa, Lạng Sơn kể về những kỷ niệm với nghề đặc biệt.

Kể về công việc của mình, chị Liên chỉ thở dài và nói rằng “cũng bình thường”. Bởi đã hơn 20 năm trong nghề, ngày nào cũng vậy, kể cả ngày lễ tết, các chị có 4 “ốp” phải báo cáo số liệu về trung tâm: 1h đêm, 7h sáng, 13h và 19h.

Đây là quy định bắt buộc mang tính quốc tế của ngành dự báo, còn những hôm có gió bão, mưa lũ thì các chị phải báo ốp liên tục 1 tiếng/lần. Yêu cầu tính chính xác của công việc dự báo thời tiết được đề cao tối đa. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Chị Liên chia sẻ: “Mình luôn phải nhắc nhở bản thân rằng nếu thông số chuyển về Trung tâm mà sai có thể phải trả giá bằng hàng trăm sinh mạng con người nên không bao giờ dám lơ là. Làm việc phải cẩn trọng từng chi tiết để đưa ra số liệu chính xác nhất và thao tác nhanh nhất. Sở dĩ cần phải thực hiện nghiêm ngặt như vậy là bởi đơn giản như việc thay giản đồ nắng chỉ được phép diễn ra trong 30 giây, vì nếu lâu hơn, nắng chiếu sẽ làm sai lệch chỉ số. Việc quan trắc đầy đủ các hiện tượng mây, mưa, gió... đọc hết các số liệu, đánh dấu các máy cũng chỉ được diễn ra trong vỏn vẹn 10 phút. Sau thời gian 10 phút ấy, các chị có thêm 5 phút để gửi bản tin về Đài Khí tượng Việt Bắc. Nếu sau thời gian ấy, dù chỉ chậm 1 phút mà không có bản tin sẽ bị coi là bỏ ốp.

 

 

Chị Lê Thị Liên, Trạm khí tượng thủy văn Sa Pa, Lạng Sơn kể về những kỷ niệm với nghề đặc biệt.

Ngoài chăm lo công việc, những cán bộ khí tượng thủy văn còn biết tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn.

Trên trạm Sa Pa, còn có thêm nỗi sợ băng tuyết. Cứ đúng 1h đêm, thân gái một mình, các chị lại xách đèn pin ra vườn. Có những hôm mưa gió, các chị vẫn phải mặc áo mưa dò dẫm từng bước ra vườn làm nhiệm vụ. Có lần, chị Liên bước ra đến lều đo mưa, chưa kịp giở sổ thì bị trượt ngã. Sau đó chị mới biết rằng băng đã đóng trên bậc thang một lớp dày nên không thể trèo lên được. Chị buộc phải chạy vội vào lấy phích nước nóng ra dội cho tan băng, kịp ghi sổ đúng giờ.

Khổ nhất là mùa mưa bão về, người dân quanh vùng sơ tán hết, mấy chị em vẫn quyết bám trụ để có số liệu kịp thời. Đó chỉ là một trong hàng vạn những kỷ niệm “không có gì để nhớ” mà chị và các đồng nghiệp của mình phải trải qua. Bởi, theo chị, nếu kể về những sự cố, kỷ niệm khi làm nghề thì mấy ngày cũng chẳng hết. Đặc biệt là có quá nhiều điều ấn tượng, cảm xúc, nên chẳng biết bắt đầu từ đâu.

“Ba chàng ngự lâm” trên đỉnh Mẫu Sơn

Đến trạm khí tượng thủy văn Mẫu Sơn, một vùng núi cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình. Đây là vùng núi cao của tỉnh, có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800-1.000m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn - nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt - Trung), đỉnh Pia Mê cao 1.520m.

Đối nghịch hẳn với trạm khí tượng Sapa, cán bộ nơi đây lại toàn là nam với tên gọi “ba chàng ngự lâm”. Sở dĩ như vậy, bởi ở mãi trên đỉnh núi Mẫu Sơn quanh năm mây mù, tuyết phủ này chỉ có 3 chàng trai, người nhiều tuổi nhất mới chỉ sinh năm 1983, còn người trẻ sinh năm 1988.

 

Chị Lê Thị Liên, Trạm khí tượng thủy văn Sa Pa, Lạng Sơn kể về những kỷ niệm với nghề đặc biệt.

Anh Hoàng Văn Huy, cán bộ đài khí tượng thủy văn Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Anh Hoàng Quốc Huy, cán bộ Trạm Khí tượng Thủy văn Mẫu Sơn chia sẻ: “Đang tuổi thanh niên, chúng tôi cũng muốn bay nhảy, yêu đương, tìm bạn đời lắm chứ. Nhưng cái “nghiệp” đã “ám” vào người rồi nên chẳng thể nào dứt ra được. Nhiều lúc cũng buồn và thèm “tiếng người” đến ghê gớm. Gặp hôm mây mù giang lối, chợ không xuống được đành sử dụng mì tôm. Riêng dùng nước cũng là điều phải suy nghĩ nhiều bởi nguồn nước ở đây dựa máy bơm vào các bể chứa dự trữ để phục vụ sinh hoạt”.

Anh Hoàng Xuân Thái - cán bộ trẻ nhất của Trạm kể: “Làm cán bộ khí tượng thường xuyên phải xa nhà, không có cơ hội tìm hiểu cô gái nào nên đến giờ này cả ba anh em chưa có ai lập gia đình. Ngày trước, cán bộ khí tượng thiếu lắm, mỗi trạm chỉ có một đến hai người, đường sá thì không có nên muốn về nhà thì chỉ còn cách băng rừng, vượt suối cả tuần mới đến được với... thế giới bên ngoài. Đi đi về cũng mất gần nửa tháng. Vậy nên có khi cả năm mới về thăm gia đình được một lần. Giờ điều kiện đường xá tốt hơn nên anh em cũng đỡ vất vả”.

“Buồn thì nói vậy thôi nhưng mỗi khi cảm nhận được những thông tin của mình chuyển về để phục vụ cho những bản tin thời tiết chính xác cho người dân trong lòng cũng thấy vui vì việc của mình làm đã có ý nghĩa”, Thái nói. Những suy nghĩ giản dị đó là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp cán bộ Trạm khí tượng Mẫu Sơn có thêm nguồn động viên để đo và chuyển chính xác các thông số về thời tiết.

Rồi những lúc “tủi nghiệp” khi ốm đau, bệnh tật giữa núi trời lộng gió. Những “càng ngự lâm” trạm khí tượng thủy văn phải thức đêm vừa “trực chiến” vừa chăm nhau. Họ kể, lúc ốm đau vẫn phải làm, vẫn phải tập hợp số liệu để báo cáo về Trung tâm, có được nghỉ đâu. Có khi ốm cả tuần cũng chẳng ai biết. Nửa đêm, trong khi mọi người đang yên giấc thì những cán bộ khí tượng phải thức trắng đêm để làm nhiệm vụ.

Có người hạnh phúc vì mình giàu sang phú quý, có người hạnh phúc vì có một gia đình yên ấm. Thế nhưng, với những cán bộ khí tượng thủy văn thì họ xem chuyện “đo mây, đếm gió” là hạnh phúc của mình. Quả thật chúng tôi không nghĩ rằng phía sau những bản tin thời tiết ngắn ngủi hàng ngày lại có biết bao câu chuyện như thế. Gian nan, vất vả, thiếu thốn về cơ sở vật chất đã đành, vậy mà người đàn ông này còn chấp nhận hy sinh cả mái ấm gia đình của mình để sống với nghề đến ngày hôm nay...

Bà Lê Thu Hạnh (Phòng Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền - Văn phòng Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia) chia sẻ: Do đặc thù công việc của cán bộ khí tượng thủy văn tại Mẫu Sơn, Lạng Sơn vất vả nên chế độ lương của họ đã được ưu đãi hơn so với cán bộ ở vùng thấp. Ngoài hưởng 30% phụ cấp ưu đãi nghề, các cán bộ nơi đây còn được hưởng phụ cấp thu hút 70% lương cơ bản; phụ cấp khu vực 0.7. Hiểu và chia sẻ với công việc của họ, các cấp lãnh đạo cũng thường ngành thường xuyên thăm hỏi, động viên. Đặc biệt vừa qua trạm khí tượng Mẫu Sơn được Công đoàn viên chức Việt nam lên thăm và tặng quà.

Tuân Cường