Chuyện về giảng viên xin điện thoại cũ, sửa xuyên đêm tặng học trò nghèo

Hương Thảo

(Dân trí) - Chỉ trong vòng hơn một tuần, anh Ngọc Dũng đã sửa chữa, nâng cấp và quyên góp, mua tặng điện thoại cho hơn 20 học sinh khó khăn trong xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đi xin điện thoại cũ, thức đêm sửa chữa để tặng học trò nghèo

2 giờ đêm, trong ánh sáng chập chờn, anh Nguyễn Ngọc Dũng (42 tuổi, giảng viên thỉnh giảng khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Phương Đông, trú tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và anh Nguyễn Văn Tiến (Bí thư Chi đoàn thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn cặm cụi sửa chữa, cài đặt những chiếc điện thoại cũ. Công việc thầm lặng của hai anh chỉ có tâm niệm là nhanh chóng gửi tới học sinh nghèo trong xã để các em có thiết bị học online trong mùa dịch.

Trong một buổi họp phụ huynh cho con diễn ra hồi cuối tháng 8, anh Dũng biết nhiều học sinh nghèo không thể học trực tuyến, vì gia đình thiếu thiết bị công nghệ.

Sau một đêm trăn trở, anh quyết định lên mạng xã hội, khởi xướng chương trình "Tiếp sức em thơ, giúp em học online" cho học sinh nơi đang sinh sống gồm Trường Mầm non Phù Đổng, Trường Tiểu học Phù Đổng, Trường THCS Phù Đổng.

Chuyện về giảng viên xin điện thoại cũ, sửa xuyên đêm tặng học trò nghèo - 1
Anh Dũng và anh Tiến thức đêm sửa chữa, cài đặt điện thoại cũ. (Ảnh: NVCC)

Chỉ trong một tuần, anh Dũng nhận được 13 triệu đồng cùng khoảng 30 điện thoại cũ từ bạn bè, người thân và các nhà hảo tâm. Trừ những chiếc quá cũ, không thể khôi phục, số còn lại đều được anh mày mò sửa chữa, thay màn hình, cài đặt phần mềm, ứng dụng phục vụ học trực tuyến.

"Trước đây, mình thường tự học sửa chữa điện dân dụng, thiết bị điện tử của gia đình. Do đó, mình có thể xử lý những khâu không quá phức tạp. Bên cạnh đó, mình có sự trợ giúp nhiệt tình từ người bạn thân là anh Tiến - Bí thư Chi đoàn thôn Phù Đổng 2. Có điều gì không biết, hai anh em lên mạng tìm hiểu, học cách khắc phục", anh Dũng chia sẻ.

"Thời điểm đó mình đang trực chốt phòng chống dịch nên anh em bàn nhau tranh thủ sửa chữa, cài đặt điện thoại mọi người gửi về để hỗ trợ các em học sinh khó khăn. Lâu nay, mình vẫn làm công việc sửa chữa điện thoại, nên khi nghe kế hoạch của anh Dũng, mình ủng hộ và tham gia ngay", anh Tiến Bí thư Chi đoàn thôn Phù Đổng 2 chia sẻ.

Từ số tiền của các nhà hảo tâm, cộng thêm số tiền quỹ từ Fanpage và 2 triệu đồng tiền túi, anh Dũng mua 5 điện thoại mới tặng các học sinh. Đến ngày 4/9 - ngay trước thềm năm học mới, anh đã trao tặng hơn 20 chiếc điện thoại cho các trường. Tất cả những chiếc điện thoại cũ, mới đều được nâng cấp trước khi tới tay các em học sinh. Ngoài ra, anh Dũng còn hỗ trợ đăng ký sim và trả tiền mạng cho những học sinh quá khó khăn.

Số điện thoại này được anh trao trực tiếp cho nhà trường. Sau khi tiếp nhận, nhà trường sẽ lựa chọn và cho các em học sinh khó khăn mượn điện thoại để học trực tiếp. Ở năm học tiếp theo, khi cha mẹ có thể sắm thiết bị mới, chiếc điện thoại sẽ được nhà trường giữ lại để cho học sinh có hoàn cảnh khác sử dụng.

Chuyện về giảng viên xin điện thoại cũ, sửa xuyên đêm tặng học trò nghèo - 2
Anh Dũng trao tặng điện thoại cho các nhà trường (Ảnh: Trường Hùng)

"Với mỗi chiếc điện thoại, mình đều cài sẵn phần mềm học trực tuyến, Zalo và hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách sử dụng, quản lý, giữ gìn. Phía sau điện thoại có dán số điện thoại của mình để phụ huynh tiện liên lạc khi cần sửa chữa", anh Dũng chia sẻ.

Nói về lý do tặng điện thoại cho các em, anh Dũng cho rằng, điện thoại sẽ dễ sử dụng và dễ tiếp cận hơn laptop. "Nhiều gia đình khó khăn phải đi ở trọ hay không có điều kiện kinh tế để lắp mạng Internet thì việc dùng laptop sẽ khó khăn", anh nói thêm.

Trong quá trình cùng lãnh đạo trường đến tặng điện thoại cho học sinh, nếu gặp hoàn cảnh khó khăn, anh Dũng lại ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt.

"Tôi còn nhớ, có gia đình của một em học sinh 5 tuổi đã khóc không nói thành lời khi nhận được quà và điện thoại. Bản thân tôi chứng kiến cảnh tượng đó cũng xúc động. Sau khi nói lời cảm ơn anh Dũng, chia sẻ với gia đình học trò mà tôi cũng rơi nước mắt", cô Hoàng Thị Ánh Tuyết - hiệu trưởng trường mầm non Phù Đổng chia sẻ.

Còn cô Vương Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng cho hay, những chiếc điện thoại của anh Dũng đã góp phần giúp đỡ các em học sinh khó khăn được học online đầy đủ. Hành động nhân văn tốt đẹp này khiến cô Quyên cũng như nhà trường rất xúc động.

Vượt bạo bệnh và khó khăn để làm thiện nguyện

Chia sẻ với báo Dân trí, anh Dũng cho biết, dịch Covid-19 ập tới, ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình. Cha mẹ anh đã cao tuổi, sức khỏe không tốt. Sau nhiều năm chạy chữa vô sinh, rồi nuôi con vất vả, nhiễm bệnh sởi, vợ anh bị đau vận mạch não, sức khỏe kém, chỉ làm được những việc nhẹ nhàng. Còn anh Dũng cũng phải chống chọi với bệnh viêm tụy cấp.

Tháng 2/2020, anh trải qua một lần "thập tử nhất sinh" do nhồi máu cơ tim và viêm tụy cấp. Thật may mắn, với sự kiên cường của bản thân, anh Dũng đã vượt qua cơn bạo bệnh.

Sau khi ra viện, vì là trụ cột của gia đình nên anh làm đủ mọi việc: giảng viên thỉnh giảng, cộng tác viên cho cơ quan báo chí, cố vấn kinh tế, marketing cho một số doanh nghiệp. "Dịch Covid-19 khiến nguồn thu nhập của mình kém hơn, không ổn định. Tuy nhiên, mình vẫn cố gắng dành một phần cho các hoạt động thiện nguyện", anh tâm tự.

Chuyện về giảng viên xin điện thoại cũ, sửa xuyên đêm tặng học trò nghèo - 3
Anh Dũng cẩn thận gói ghém từng chiếc điện thoại. (Ảnh: Trường Hùng)

"Bản thân gia đình mình có hai bé, một bé học lớp 7, một bé học lớp 3 đang học trực tuyến. Theo sát quá trình học tập của các con, mình nhận thấy việc học online gặp không ít khó khăn, dễ gặp trục trặc như nghẽn mạng, sự cố về thiết bị. Đó cũng là lý do khiến mình quyết tâm thực hiện chương trình hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh trong địa phương", anh cho biết.

Hàng năm, anh Dũng đều dành tiền cá nhân để giúp đỡ bệnh nhân ở bệnh viện K và bệnh viện Nhi Trung ương. Trong 2 năm qua, khi dịch Covid-9 diễn biến phức tạp, dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng anh vẫn thường kêu gọi các mạnh thường quân và những người con của xã Phù Đổng thành đạt hỗ trợ người có hoàn cảnh kém may mắn trên địa bàn. Thậm chí, khi chưa có ai tài trợ, anh Dũng sẵn sàng bỏ tiền túi, chạy về nhà lấy gạo để giúp người nghèo.

Anh Nguyễn Văn Tiến (Bí thư Chi đoàn thôn Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) bộc bạch: "Trong những lúc khó khăn nhất, bệnh tật, kinh tế eo hẹp, anh Dũng vẫn cố gắng làm thiện nguyện, luôn muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn. Bản thân gia đình anh không mấy dư dả, các con vẫn học bằng chiếc máy tính cũ của bố, nhưng anh vẫn cố gắng giúp cho các em học sinh khác có cơ hội được học tập".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm