1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế

(Dân trí) - Trong vỏ bọc của một ông trùm thầu khoán, Mai Hồng Quế đã được tự do lái chiếc xe Volkwagen ra vào các nơi đầu não của Mỹ - Ngụy để nghiên cứu, trinh sát tình hình. Chiếc xe này cũng đưa các lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Gia Định vào nội thành Sài Gòn để nghiên cứu, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Vào năm 2017, gia đình bà Đặng Thị Tuyết Mai (tức Đặng Thị Thiệp) là vợ của anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm Lai và Năm Usom) nhân vật Tư Chung, chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim Biệt Động Sài Gòn nổi tiếng, đã tặng lại cho bảo tàng Thái Bình chiếc xe Volkwagen, mang biển số EL-6899 của Đức.

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 1

Chiếc xe olkwagen, mang biển số EL-6899 của Đức - nhân chứng lịch sử trong thời kỳ hoạt động cách mạng của anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm Lai, Năm Usom)

Ít ai biết được rằng, chiếc xe Volkwagen là nhân chứng lịch sử trong thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật của chiến sỹ tình báo Mai Hồng Quế trong đội 159 Biệt động Sài Gòn.

Trần Văn Lai (1920 – 2002) xuất thân trong một gia đình nghèo ở Kiến Xương, Thái Bình và sớm được giác ngộ cách mạng. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Trần Văn Lai được Đảng giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn hoạt động. Trong vỏ bọc của một nhà thầu khoán có tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ, ông được chính quyền Sài Gòn cấp giấy phép tự do ra vào Dinh Độc lập để sửa chữa, thiết kế những công trình kiến trúc nội thất trong dinh.

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 2

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (ảnh do bảo tàng Thái Bình cung cấp)

Từ lợi thế này, ông đã nắm vững được cách bố trí và sơ đồ di chuyển trong Dinh Độc lập và thu thập tin tức, vẽ sơ đồ, bản đồ các địa bàn chiến lược của địch báo về vùng giải phóng để lên kế hoạch chuyển vũ khí vào nội thành Sài Gòn, chuẩn bị cho trận đánh vào nơi này trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Theo bà Đặng Thị Tuyết Mai, vợ của Anh hùng Trần Văn Lai thì chiếc xe Volkwagen đã hiến tặng bảo tàng Thái Bình được ông Trần Văn Lai mua trước năm 1968 để sử dụng ra vào nội thành hoạt động bí mật.

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 3

Căn hầm chứa vũ khí tại căn nhà số 287 Trần Quý Cáp (ảnh gia đình bà Đặng Thị Tuyết Mai cung cấp)

Trong vỏ bọc của một nhà thầu khoán, ông Năm Lai thường lái chiếc xe này ra vào các nơi đầu não của Mỹ - Ngụy để nghiên cứu, trinh sát tình hình. Đây cũng là chiếc xe trực tiếp chở các lãnh đạo quân khu Sài Gòn - Gia Định như Tư Qùy (Nguyễn Ngọc Lộc), Ba Đen (Thủ trưởng đơn vị biệt động 159, trực tiếp đánh Toà Đại sứ Mỹ), Hai Trí (đơn vị bảo đảm A20), vào nội thành Sài Gòn để điều nghiên, chỉ đạo tổng công kích, tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân năm 1968.

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 4

Trong vỏ bọc của một ông trùm thầu khoán, Mai Hồng Quế đã được tự do lái chiếc xe Volkwagen ra vào các nơi đầu não của Mỹ - Ngụy để nghiên cứu, trinh sát tình hình. Chiếc xe này cũng đưa các lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Gia Định vào nội thành Sài Gòn để nghiên cứu, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 5

Giấy phép lái xe của ông Lai trong thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật trong vỏ bọc ông "trùm" thầu khoán

Cũng chính dưới tấm nệm và trong lốp dự phòng của chiếc xe này, nhiều bản đồ chiến lược đã được chuyển ra vùng giải phóng, không chỉ phục vụ chiến dịch Mậu Thân 68 mà cả chiến dịch Hồ Chí Minh sau này.

Để chuẩn bị cho trận đánh lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông Trần Văn Lai đã mua 7 căn nhà gần những mục tiêu ta sẽ tấn công như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh... Đặc biệt là mua căn nhà số 287 Trần Quý Cáp, gồm 3 căn liền nhau 68, 70, 72 để đào thành một căn hầm chứa vũ khí, rồi sau đó tự lái ba chuyến ôtô chở vũ khí (tổng cộng trên 2,5 tấn). Số vũ khí này đã được sử dụng đánh Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ...

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 6

Cũng chính dưới tấm nệm và trong lốp dự phòng của chiếc xe này, nhiều bản đồ chiến lược đã được chuyển ra vùng giải phóng, không chỉ phục vụ chiến dịch Mậu Thân 68 mà cả chiến dịch Hồ Chí Minh sau này.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cơ sở của Trần Văn Lai bị lộ. Ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa truy bắt gắt gao và treo thưởng 1 triệu đồng cho những ai bắt được ông. Phần lớn tài sản bị địch tịch thu, ông được tổ chức thu xếp phải tạm lánh về quê vợ ở Quảng Ngãi nương náu. Đến năm 1970 và 1972, ông hai lần bị địch bắt giam ở Quảng Ngãi. Nhưng với tên giả là Phạm Sửu, chúng vẫn không biết được hoạt động trước đây của ông ở Sài Gòn.

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 7

Bộ đồ nghề gồm kéo, kìm mỏ quạ được ông Lai sử dụng sửa chữa, trang trí nội thất trong Dinh Độc Lập

Chuyện về chiếc xe Volkwagen của ông “trùm” thầu khoán Mai Hồng Quế - 8

Chiếc lon Guy gô được các chiến sỹ Biệt đội giải phóng Sài Gòn dùng để giấu tiền, tài liệu tại nhà ông Lai để cất giấu trước khi chuyển ra Quân khu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 

Theo ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình cho biết: “Chiếc xe Volkwagen được gia đình bà Đặng Thị Tuyết Mai tặng lại bảo tàng Thái Bình vào tháng ngày 28/4/2017. Từ ngày trưng bày chiếc xe, nhiều người Thái Bình mới biết rằng Tư Chung, nhân vật tình báo tài ba trong phim Biệt động Sài Gòn chính là ông Trần Văn Lai, một người con của quê hương Thái Bình”.

Đức Văn