1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai:

Chuyện "trời đánh" và hủ tục cúng Yàng bằng lễ vật trắng - đen

(Dân trí) - Với người J’rai ở xã Ia Mơr (Chư Prông), sét đánh chính là sự báo hiệu của tai họa và phải làm lễ hóa giải với các lễ vật cúng Yàng như: một cặp trâu đen - trắng; cặp gà đen - trắng và cặp heo đen- trắng.

Nằm ở vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia, Ia Mơr là một trong những xã vẫn còn tồn tại và “phát huy” một hệ thống hủ tục đầy kì bí. Trong đó, tục cúng Yàng (Trời) mỗi khi bị sét đánh để hóa giải điềm xui thành may là tục còn phát triển thịnh vượng và bền chặt nhất.

Già làng Rơ Lan Miêng, làng Klar, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho biết, nhiều năm qua, trong làng xuất hiện rất nhiều những trận sấm sét. Tuy chưa đánh trúng vào bất kì người nào nhưng nó lại đánh trực tiếp vào nương rẫy, chòi, nhà của người dân trong làng, khiến mọi người hoang mang, vì họ cho rằng đó là Yàng phạt. Đặc biệt, gia đình nhà nào bị sét đánh chắc chắn gia đình đó đang gặp hạn xui, nếu không cúng hóa giải thì tai họa sẽ ập đến với gia chủ, còn nếu cúng theo phong tục thì tình thế sẽ được đảo ngược.

Tuy nhiên, với đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn và lạc hậu thì việc có đủ lễ vật để cúng Yàng không phải là chuyện dễ với người dân nơi đây. Không chỉ vậy, theo quy định đã có từ xa xưa, những lễ vật bắt buộc phải có này cũng thuộc dạng khó tìm như: Một cặp trâu đen - trâu trắng; một cặp heo đen - heo trắng và một cặp gà đen - trắng. Không chỉ là những con vật trái ngược nhau về màu sắc, mà kích thước của từng cặp cũng phải tương đương nhau. Và tất nhiên, một thứ không thể thiếu trong bất kì lễ cúng nào và trong cuộc sống hàng ngày của người J’rai đó chính là những ghè rượu cần thơm ngon, được những người phụ nữ đảm đang tự tay làm.

“Mỗi một cặp động vật thì phải chọn một con đen và một con trắng, màu sắc phải trắng toàn thân hoặc đen toàn thân, không được có bất kì một màu nào khác. Vì theo quan niệm của người J’rai nơi đây, màu trắng là tượng trưng cho bầu trời, màu đen tượng trưng cho mặt đất. Khi làm bất kì chuyện gì cũng vậy, trời đất phải giao hòa với nhau thì dân làng mới có một mùa rẫy thuận lợi, gia đình đầm ấm và phát triển. Nếu thiếu một trong hai thì dân làng sẽ bị Yàng phạt, cuộc sống không bình yên, và nhất là gia đình bị sét đánh sẽ gặp nhiều tai họa lớn”, già Miêng lý giải.

Gi
Già Miêng say sưa kể chuyện về tục cúng Yàng hóa giải việc trời đánh

Chính vì quy định khắt khe về lễ vật, khiến gia chủ không chỉ tốn một khoản tiền lớn, mà để có đầy đủ những cặp động vật tượng trưng cho trời - đất thì họ cũng phải tốn khá nhiều công sức để đi tìm mua. Có khó khăn đến mấy, nhưng do sợ bị Yàng phạt, nên những gia đình bị sét đánh trúng cũng phải cố gắng vay mượn khắp nơi để có tiền sắm đủ lễ vật.
 
Chỉ khi nào lễ vật đầy đủ và cúng Yàng xong thì họ mới tin rằng mình đã thoát nạn, những điềm gở sẽ hóa thành điềm lành, may mắn sẽ tìm tới họ.
 
Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, tất cả dân làng sẽ cùng nhau mang lễ ra chính chỗ sét đánh để làm làm lễ cúng linh thiêng. Già làng sẽ là người “chủ trì” toàn bộ buổi lễ. Tất cả những con vật đều bị giết để lấy tim, gan bỏ vào ghè rượu mang cúng Yàng. Khi phần lễ kết thúc, toàn bộ người dân trong làng cùng gia chủ đều ở lại tại chỗ cúng để cùng nhau uống rượu, ăn thịt và nhảy múa từ ngày này qua ngày khác cho đến khi không còn một chút thức ăn nào mới được về.
 
Tuy là đồ ăn miễn phí (do khổ chủ chuẩn bị) nhưng tuyệt đối không ai được mang bất kì một thứ gì về nhà, kể cả gia chủ. Nếu người nào mang hoặc giữ đồ ăn lại cho mình, người dân nơi đây tin rằng người đó đã tự rước họa cho bản thân và sẽ bị Yàng phạt vạ vì tính tham lam.
 
Vẫn chưa biết xoay đâu ra tiền để trả món nợ hơn 30 triệu đồng mới vay hơn một tháng, anh Kpă Bin ở làng Klar cho biết, cách đây hơn một tháng khu rẫy nhà anh bị sét đánh trúng. Để có thể tiếp tục canh tác ở đám rẫy này và hóa giải sự trừng phạt của Yàng, vợ chồng anh Bin phải đến từng nhà họ hàng để vay thêm được 30 triệu đồng, rồi đi khắp các xã lân cận để tìm mua lễ vật về cúng Yàng.
 
Và khi lễ cúng đã xong, hàng trăm người dân từ già đến trẻ của làng Klar đã được ăn bữa tiệc miễn phí kéo dài cả nửa tuần mới hết. “Mình phải giết 2 con trâu to, 2 con heo to và 2 con gà to, cùng hàng chục ghè rượu cần để cùng Yàng. Dân làng mình ăn uống hơn 3 ngày mới hết, nếu không có dân làng đến chung vui thì chẳng biết đến khi nào gia đình mình mới được về nhà”, anh Bin bày tỏ.

Cũng từ khi làm lễ cúng Yàng hóa giải "thần sét" xong đến nay, tuy chưa biết đến khi nào mới trả hết được món nợ trên, nhưng tư tưởng của gia đình anh Bin đã khá thoải mái. Bởi anh tin rằng, từ nay trở đi cuộc sống của gia đình anh sẽ tốt đẹp hơn, giàu có hơn và may mắn hơn: “Mình có cúng thì mới dám tiếp tục trồng mì ở đám rẫy này được, và từ nay gia đình mình không còn phải sợ hãi hay gặp tai họa nữa. Sắp tới gia đình mình sẽ gặp may hơn, kiếm được nhiều tiền hơn”, anh Bin khẳng định.

Thiên Thư