1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện tình của đôi vợ chồng 70 năm tuổi Đảng

(Dân trí) - Vì yêu nhau, vì say mê hoạt động và cũng vì “thi đua” với chàng trai Phạm Mạnh Cương mà cô thôn nữ Trần Thị Ngân quyết tâm đứng vào hàng ngũ của Đảng. 70 năm trôi qua, họ vẫn trung trinh với Đảng bởi trong tình yêu lớn ấy luôn cháy bỏng tình yêu lứa đôi, dẫu nay họ đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”.

Hai vợ chồng 70 năm theo Đảng

Trong căn hộ nhỏ ở chung cư cũ kỹ ở phường Quang Trung (TP Vinh, Nghệ An), một người đàn ông tóc bạc gần hết và một người phụ nữ tai đã lãng ngày ngày rì rầm với nhau những câu chuyện xưa cũ, về những đứa con, đứa cháu đã phương trưởng của mình. Dường như cuộc sống sôi động của thành phố Vinh chẳng mấy tác động đến sự bình yên của ngôi nhà này.

Vợ chồng ông Phạm Mạnh Cương, bà Trần Thị Ngân cùng nhau xem lại những tấm huy hiệu đánh dấu từng chặng đường theo Đảng
Vợ chồng ông Phạm Mạnh Cương, bà Trần Thị Ngân cùng nhau xem lại những tấm huy hiệu đánh dấu từng chặng đường theo Đảng

Năm nay, ông Phạm Mạnh Cương (SN 1928) và bà Trần Thị Ngân (SN 1931) tròn 70 tuổi Đảng và cũng ngần ấy thời gian họ sát cánh bên nhau, cùng nhau bước qua những thời khắc quan trọng nhất của đất nước. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, họ vẫn nắm tay, vẫn nhìn nhau bằng ánh mắt âu yếm và tin tưởng bởi trong tình yêu đôi lứa, ông bà có tình yêu chung với Đảng, với Tổ quốc thân yêu.

Xuất thân từ một gia đình nhà Nho ở tổng Phù Long (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay), chàng trai trẻ Phạm Mạnh Cương sớm tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 8/1945, Phạm Mạnh Cương có mặt trong đoàn người tổng Phù Long cướp chính quyền từ tay sai phong kiến.

Ông Phạm Mạnh Cương - lão thành cách mạng, nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần
Ông Phạm Mạnh Cương - lão thành cách mạng, nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần

Trong quá trình hoạt động, ông cảm mến em gái của một người đồng chí của mình - thôn nữ Trần Thị Ngân, lúc đó chưa đầy 17 tuổi. Trước khí thế cách mạng lên cao, lan rộng mạnh mẽ ở các làng quê, dưới sự dìu dắt của anh trai, cô Ngân cũng bị cuốn vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc.

Với hoạt động năng nổ, sớm thể hiện bản lĩnh, mưu trí, ngày 10/1/1949, chàng thanh niên Phạm Mạnh Cương chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời điểm này tình yêu giữa hai người cũng bắt đầu chớm nở. Trong lời hẹn ước lứa đôi là những đợt thi đua trong công tác, là quyết tâm đứng cùng hàng ngũ với nhau. Năm tháng sau (23/5/1949), Trần Thị Ngân chính thức trở thành đồng chí của người mình yêu.

18 tuổi, cô thôn nữ Trần Thị Ngân chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành đồng chí của người mình yêu
18 tuổi, cô thôn nữ Trần Thị Ngân chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành đồng chí của người mình yêu

Phạm Mạnh Cương vào quân ngũ, Trần Thị Ngân được điều sang hoạt động trong ngành giáo dục. Tình yêu được nối dài bằng những tin tưởng, bằng những dòng thư thấm đẫm tình cảm. Một năm sau, anh lính trẻ đón cô giáo về làm vợ. “Thời đó còn khó khăn lắm nhưng bố mẹ cho mổ con lợn to nhất làm cỗ cưới”, ông hóm hỉnh kể.

"Dù tuổi đã lớn, sức khỏe có giảm sút nhưng ông Phạm Mạnh Cương, bà Trần Thị Ngân luôn nêu cao tinh thần cách mạng, đóng góp nhiều ý kiến cho Cấp ủy, hăng hái trong mọi phong trào của Chi bộ, luôn mẫu mực trong đời thường. Hai cụ là tấm gương sáng cho các Đảng viên trong Chi bộ, đặc biệt là các Đảng viên trẻ", ông Nguyễn Lê Hà - Bí thư Chi bộ khối 5, phường Quang Trung, TP Vinh nói.

Cưới nhau về, họ tiếp tục yêu xa khi ông biền biệt vắng nhà theo sự phân công của quân đội. Những đứa con được hoài thai trong những lần ít ỏi ông về phép. Bà Ngân chuyển công tác ra Hải Phòng, phụ trách lớp học của con em miền Nam tập kết ra Bắc.

Thân gái dặm trường, một nách 2 con nhỏ, rồi nhiệm vụ của tổ chức phân công, có lẽ, điều giúp bà vượt qua được những khó khăn thời điểm ấy là những lá thư thấm đẫm yêu thương và động viên, tâm tình của chồng, tình yêu và lòng tin với Đảng, với tổ chức.

Vì nhiệm vụ công tác Đảng và tổ chức phân công, họ phải sống xa nhau trong thời gian dài. Những xa cách, thiếu thốn tình cảm được hàn gắn bằng những cánh thư thấm đẫm yêu thương
Vì nhiệm vụ công tác Đảng và tổ chức phân công, họ phải sống xa nhau trong thời gian dài. Những xa cách, thiếu thốn tình cảm được hàn gắn bằng những cánh thư thấm đẫm yêu thương

Ông Phạm Mạnh Cương được điều ra Tổng cục Hậu cần công tác, rồi phân công sang Trung Quốc học tập… Có những thời điểm họ cách biệt hơn chục năm trời. Khó thể nói hết những vất vả, gian truân mà cô giáo Ngân phải trải qua, nhất là cứ đều đặn 1 năm, cô giáo trẻ mang theo con nhỏ di chuyển theo lớp học từ nơi này sang nơi khác khắp Hải Phòng.

Bom Mỹ mở rộng phá hoại miền Bắc, bà buộc phải gửi đứa con trai thứ 2 về quê nhà nhờ bố mẹ chồng nuôi giúp. “Lúc đó không phải vì không lo nổi cho con mà lo lỡ bom đạn có dội xuống, nhà vẫn còn người sống sót. Chiến tranh không nói trước được điều gì”, bà giáo Ngân nói.

Những tấm huy hiệu đánh dấu từng chặng đường hai vợ chồng đi theo cách mạng, đi theo Đảng
Những tấm huy hiệu đánh dấu từng chặng đường hai vợ chồng đi theo cách mạng, đi theo Đảng

Chiến tranh đi qua, hằn lên cơ thể ông Cương những vết đạn bom nhưng may mắn, cả gia đình vẫn vẹn nguyên. Năm 1970, bà Ngân chuyển về Nghệ An công tác, tiếp tục thay chồng phụng dưỡng bố mẹ già, chăm lo cho 4 đứa con. Hai vợ chồng chỉ thực sự được gần nhau là khi ông về hưu, các con đã khôn lớn.

Trải qua nhiều thử thách dâu bể, họ vẫn bên nhau vui vầy cùng con cháu. Không ai tránh được tuổi già nhưng 70 năm bên nhau với bao ân nghĩa, họ vẫn dành cho nhau sự chăm sóc trìu mến, quan tâm, lo lắng và yêu thương.

70 năm theo Đảng cũng là ngần ấy thời gian họ gắn bó, chia sẻ với nhau. Trong tình yêu đôi lứa vẫn luôn vẹn tròn tình yêu với Đảng
70 năm theo Đảng cũng là ngần ấy thời gian họ gắn bó, chia sẻ với nhau. Trong tình yêu đôi lứa vẫn luôn vẹn tròn tình yêu với Đảng

“Tôi về làm dâu mấy mươi năm chưa bao giờ nghe hai cụ to tiếng với nhau. Trong cuộc sống tránh sao khỏi chuyện này chuyện nọ nhưng ông bà đều có cách xử lý êm thấm, nhẹ nhàng. Chúng tôi học được ở ông bà nhiều lắm, từ cách nói năng, đi đứng, cách ứng xử trong nhà đến ngoài xã hội”, cô con dâu Võ Thị Thanh Thảo luôn dành những điều tốt đẹp khi nói về bố mẹ chồng của mình.

Ngày 29/5 vừa qua, ông Phạm Mạnh Cương và bà Trần Thị Ngân chính thức được đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Có lẽ, ít có cặp vợ chồng nào vinh dự được như thế. Hai mái đầu bạc chụm vào nhau, cùng ngắm nghĩa những chiếc huy hiệu đánh dấu từng chặng đường theo Đảng với nguyên vẹn tin yêu…

Hoàng Lam