1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chuyện tình của Công tử Bạc Liêu (phần 2)

Người vợ đầu tiên của Ba Huy được cưới hỏi đàng hoàng tên Ngô Thị Đen, con của một ông bá hộ giàu có trong vùng. Biết tính chồng phong lưu, đào hoa, bà Đen âm thầm chịu đựng…

Vợ chồng Công tử Bạc Liêu

Vợ chồng Công tử Bạc Liêu
 
Những người vợ được cưới hỏi

 

Bà Đen về làm dâu gia tộc Trần Trinh năm 1934, ba năm sau mới sinh được một người con gái đặt tên là Trần Thị Lưỡng.

 

Có thể do số bà hiếm con, cũng có thể do Công tử Bạc Liêu chồng bà quá “dọc đường gió bụi” mà bà Đen chỉ có với Ba Huy một đứa con duy nhất. Bà Đen sống âm thầm, tự làm cái bóng mờ bên cạnh người chồng lúc nào cũng nổi đình nổi đám. Bà dồn hết thời gian, tâm trí để lo cho đứa con gái. Nhờ đó mà cô Lưỡng đã ăn học đàng hoàng, chứ không ăn chơi lêu lổng như những đứa con khác của Công tử Bạc Liêu.

 

Cô Hai Lưỡng được đưa lên học trường trung học Couvent des Oiseaux (Chim Non) ở Đà Lạt, nơi được giới giàu có, quan chức khắp Nam Kỳ đưa con tới học. Tại Đà Lạt, cô nữ sinh Trần Thị Lưỡng đã gặp và phải lòng anh sinh viên trường Yersin tên Trần Duy Quang, người mà sau khi tốt nghiệp đại học đã được Vua Bảo Đại chọn làm thư ký riêng. Thế nhưng, cuộc hôn nhân với thư ký của Vua Bảo Đại không kéo dài được lâu, cô Hai Lưỡng đi tiếp bước nữa với một viên chức người Pháp và cô theo chồng về định cư bên Pháp cho tới cuối đời.

 

Từ khoảng năm 1955, khi đã quá chán ngán cái cảnh “chồng chung” bởi Công tử Bạc Liêu có hết bà vợ này tới bà vợ khác, bà Ngô Thị Đen đã rời bỏ Bạc Liêu để qua Pháp sống với con gái Trần Thị Lưỡng. Từ đó cho tới khi qua đời vào năm 1972, bà Đen chỉ về Bạc Liêu vài ba lần vào các ngày đám tang của cha mẹ hai bên. Bà Đen mất tại Thụy Sĩ và được chàng rể Pháp thuê máy bay Dacota chở quan tài về Sài Gòn, rồi đưa về an táng ở Bạc Liêu trong khu mộ của gia tộc Trần Trinh.

 

Người đàn bà thứ hai được Ba Huy cưới hỏi là một cô gái đẹp trên Sài Gòn (không rõ họ tên của bà). Bà có với Ba Huy hai đứa con (một trai, một gái), đặt tên là Hiếu và Thảo. Cô Thảo giống mẹ, xinh đẹp và dịu dàng, khi lớn lên đã lập gia đình với một người đàn ông trí thức, về sau là Chánh án Tòa án Biên Hòa.

 

Một người vợ được cưới hỏi tiếp theo của Ba Huy gốc người Mỹ Tho, tên Trần Thị Hai. Bà Hai ở với Công tử Bạc Liêu sinh được 2 người con trai, đặt tên là Trần Trinh Nhơn và Trần Trinh Đức. Anh Trần Trinh Đức là hậu duệ duy nhất của Công tử Bạc Liêu hiện nay đang sống ở quê nhà Bạc Liêu, nhưng sống nghèo khó, vừa mới được trao “nhà tình thương”.

 

Người vợ cuối cùng

 

Người vợ cuối cùng được Ba Huy cưới hỏi đàng hoàng nhỏ hơn ông tới 40 tuổi. Bà tên Nguyễn Thị Ba, xuất thân trong gia đình nghèo, sống bằng nghề gánh nước mướn ở cạnh công viên Tao Đàn - Sài Gòn.

 

Công tử Bạc Liêu cưới bà Ba lúc ông đã ngoài 60 tuổi, bà Ba mới ngoài hai mươi. Đó là vào khoảng năm 1961, Ba Huy sống một mình trong căn biệt thự ở đường Taberd (Nguyễn Du ngày nay) Sài Gòn. Một buổi chiều, khi đứng trên bao lơn ngôi biệt thự hóng gió, bỗng Ba Huy nhìn thấy một cô gái gánh nước dưới đường.

 

Khuôn mặt xinh xắn, vóc dáng khỏe mạnh, đôi ngực phập phồng, đôi mắt đen láy, mái tóc mượt đen của cô gái đã hớp hồn cụ già đa tình đang sống cô đơn. Công tử Bạc Liêu đêm về không ngủ được, cứ nhớ đến hình dáng của cô gái gánh nước mướn.

 

Ba Huy lân la tìm hiểu và biết cô gái gánh nước mướn là con của ông già sửa xe đạp trước cổng công viên Tao Đàn. Ba Huy bước thẳng tới căn chòi vừa làm chỗ sửa xe, vừa làm chỗ ở của gia đình ông già, đặt thẳng vấn đề với người thợ sửa xe: “Con gái của ông đẹp quá! Người đẹp như vậy phải được sống trong giàu sang nhung lụa, chứ không thể sống nghèo nàn, gánh nước mướn như vầy. Tôi có thể làm cho cha con ông sống sung sướng nếu ông chịu gả con gái ông cho tôi. Sau khi con ông về làm vợ tôi, tôi sẽ tặng ông căn phố lầu để gia đình ông sống đàng hoàng”. Trước khi chia tay ông già sửa xe đạp, Ba Huy để lại danh thiếp và một số tiền “trà nước” tương đương cả lượng vàng.

 

Hai hôm sau Ba Huy quay trở lại, lúc ấy cô gái gánh nước mướn đã đứng lấp ló phía phòng trong, chỉ đợi cha kêu là bước ra chào khách. Một tháng sau đám cưới diễn ra ở một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn. Ba Huy giữ đúng lời hứa, tặng cho cha vợ cả ngôi phố lầu ở trung tâm Sài Gòn có giá trị cả ngàn lượng vàng (khoảng 50kg). Ba Huy sống với bà Ba hơn 10 năm cuối đời khi sức đã tàn, lực đã kiệt (Công tử Bạc Liêu mất năm 73 tuổi), nhưng cũng còn đủ sức để có với bà 4 người con, được đặt tên rất kêu là Hoàng - Toàn - Trinh - Nữ.

 

Đó là những người vợ được Ba Huy cưới hỏi đàng hoàng, được gia tộc Trần Trinh thừa nhận, những đứa trẻ ra đời từ cuộc hôn nhân giữa họ với Công tử Bạc Liêu đều được đưa về Nhà Lớn để ra mắt họ hàng. Ba Huy còn có những mối tình để lại hậu quả, tức người phụ nữ có con với ông, nhưng vì không cưới hỏi chính thức, nên không được gia tộc Trần Trinh thừa nhận. Những giọt máu rơi ấy của Công tử Bạc Liêu không được bước chân về Nhà Lớn, không được ông bà Hội đồng Trạch nhận làm cháu nội.

 

 

Một lần, sau khi cô đầm Marie và cậu con trai Richard bỏ về Pháp, Ba Huy cảm thấy hụt hẫng, nên cưỡi ngựa vô ruộng điền ở vùng Cổ Cò tiêu khiển.

Khi Ba Huy đang cưỡi ngựa đi trên bờ đê, bất ngờ một ông tá điền đã lớn tuổi dẫn một đứa bé trai tới cúi chào Ba Huy: “Bẩm cậu Ba, con dẫn cháu ngoại con tới ra mắt cậu Ba”. Công tử Bạc Liêu hỏi ông già: “Thằng nhỏ con ai mà coi bộ mặt mày sáng sủa quá vậy?”. “Bẩm, nó chính là con của cậu Ba” - ông già trả lời.

Ba Huy không chút bất ngờ trước lời nói của ông tá điền già, mà đưa tay lên bóp trán như cố nhớ mình đã từng “mây mưa” với ai ở vùng này. Ông già nhắc giúp Ba Huy: “Cách đây 3 năm, cậu Ba đi cúng đình ở Cổ Cò, có ghé nhà con ở mé sông Hòa Tú để nghỉ chân. Con gái con bưng trà lên dâng cho cậu, cậu thấy ưng ý, nên nói nếu con chịu cho con gái làm vợ lẽ cho cậu thì cậu xóa hết nợ cho con. Vì thương cha nên con gái con đồng ý ăn ở với cậu, cậu giữ đúng lời hứa xé hết giấy nợ cho con, còn cho con thêm mấy trăm giạ lúa. Cậu ở với con gái con chừng một tháng rồi không thấy cậu quay lại nữa. Sau đó con gái con có bầu và sinh ra thằng nhỏ này”.

Bấy giờ Ba Huy mới nhìn kỹ thằng nhỏ, rồi gật gù công nhận nó có nhiều nét giống mình. Sau đó Ba Huy cho xuất cả ngàn giạ lúa biếu ông tá điền già và cho thằng bé thật nhiều tiền để mua quần áo, bánh kẹo. Chỉ có vậy thôi, Ba Huy sau đó không một lần quay lại thăm con, cũng không cho nó bén mảng tới cửa Nhà Lớn.

 

 

Theo Thanh Thủy
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm