1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện tình “cổ tích” vượt 1/3 thế kỷ của cặp đôi đồng tính nữ

(Dân trí) - Tình cảm cùng giới nảy sinh từ tình bạn lúc họ còn là hai cô nhóc 13, 14 tuổi nhưng cho đến tận ngày hôm nay (20/2/2016), khi đã là những người phụ nữ bước sang dốc bên kia cuộc đời, chị Kim Mỹ và chị Tuệ Châu mới chính thức được ở bên nhau.

Cuộc tình éo le

Cả hai sinh ra ở Sài Gòn, đều nghèo, nhà chung con hẻm nhỏ ở đường Cô Giang, Q.1. Tình bạn thiếu thời từ năm 1983, hai cô bé sau những giờ phụ mẹ bán hàng, lại chơi đùa thân thiết với nhau. Lúc đó, họ còn quá nhỏ để có thể gọi tên cảm xúc của mình dành cho người kia, chỉ biết rằng thân nhau lắm. Tình cảm bắt đầu gắn bó cũng là lúc Kim Mỹ theo gia đình sang Canada định cư. Khi đó, họ nghĩ rằng khoảng cách cùng thời gian, họ sẽ quên nhau nhưng ngược lại, đó là lúc cả hai cùng nhận ra tình cảm đặc biệt dành cho nhau trong sự xa cách, nhớ nhung.

Hàng chục năm trời, họ liên lạc với nhau qua hàng trăm cánh thư tay, hàng ngàn cuộc điện thoại cho đến lúc cả hai cùng phải giật mình vì tốn nhiều tiền quá. Và rồi, chị Mỹ nghĩ ra một cách vừa tiết kiệm vừa… ấm áp: mua máy ghi âm, hàng đêm chị thủ thỉ tâm sự của mình rồi gửi về cho cho chị Châu. Chị Châu quý những cuốn băng này hơn cả vàng, đêm nào cũng phải lôi một cuốn băng ra nghe mới có thể chợp mắt.

Những cuốn băng ghi âm tâm sự của chị Mỹ gửi về cho chị Châu khi yêu trong xa cách
Những cuốn băng ghi âm tâm sự của chị Mỹ gửi về cho chị Châu khi yêu trong xa cách

Gia đình của hai ngờ ngợ về con gái và tìm cách ép buộc họ quen với bạn trai. Không thể khước từ, cả hai người từng cố làm vui lòng bố mẹ bằng cách đi lại với đàn ông. “Lý trí mách bảo chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc đời mới – cuộc đời như số đông mọi người – nhưng trong sâu thẳm không ai điều khiển được con tim mình. Quen với người khác giới chỉ làm cả hai thêm thổn thức, khổ sở và thấy thương nhau nhiều hơn mà thôi”, chị Mỹ nhớ lại.

Sau những giằng xé tột cùng giữa trách nhiệm làm con và tình yêu của cuộc đời mình, cuối cùng cả hai làm liều… thông báo cho gia đình. Sống ở nước ngoài, chị Mỹ không quá bị áp lực từ gia đình. Còn chị Châu, đến năm 2006, chị thừa nhận với bố mẹ 23 năm qua mình… yêu một người phụ nữ.

Sau lời tuyên bố "kinh hoàng" đó, chị Châu phải đối diện với đủ mọi tâm trạng hoảng sợ, đau đớn, giận dữ, tuyệt vọng… của mẹ.

Tình yêu bên bờ… cái chết

Bị chị Châu đẩy đến cùng cực nỗi đau, mẹ chị ngày ngày giày vò tinh thần con gái, luôn miệng nói hai đứa không phải là con người, là một lũ thần kinh, đồi bại, vô đạo đức... Bà hành hạ cả mình lẫn con gái, đẩy chị Châu đến chỗ bế tắc. Chị chỉ biết nhẫn nhịn và chờ đợi thời gian sẽ làm dịu nỗi đau của mẹ để bà có thể thừa nhận con người thật của mình.

Trong nỗi đau ấy, chị Châu buộc lòng phải từ chối ý định bảo lãnh sang Canada từ chị Mỹ. Dù mẹ có đối xử với chị thế nào, chị vẫn muốn ở bên cạnh chăm sóc bà khi bà con sống.

Nhiều năm trời sống trong sự đày đọa tinh thần của mẹ, chị Châu bị trầm cảm nặng và nhiều lần có ý định tự sát. Không thể chờ đợi thêm nữa, chị Mỹ bay về Việt Nam vào dịp Giáng sinh năm 2008. Giây phút gặp nhau là đỉnh điểm của nỗi nhớ nhung lẫn nước mắt.


Hạnh phúc của hai người phụ nữ đơm hoa sau 33 năm với bao thăng trầm, nước mắt. Trong ảnh: Cặp đôi hạnh phúc trong ngày cưới tại Việt Nam hồi tháng 2/2015 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Hạnh phúc của hai người phụ nữ đơm hoa sau 33 năm với bao thăng trầm, nước mắt. Trong ảnh: Cặp đôi hạnh phúc trong ngày cưới tại Việt Nam hồi tháng 2/2015 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Chị Mỹ đã van xin mẹ bạn gái hãy chấp nhận tình cảm của hai người. "Bà không trả lời, chỉ yêu cầu chúng tôi phải giữ bí mật tuyệt đối nếu không bà không còn mặt mũi nào để sống. Cứ tưởng rằng bà sẽ nguôi ngoai, nhưng không, càng ngày bà càng cực đoan không hiểu sao con gái có thể coi thứ tình cảm đó là lẽ sống, là hạnh phúc. Thậm chí bà nói rằng, Châu nên chết đi còn hơn là sống", chị Mỹ kể.

Đau đớn đến tột cùng nhưng nghĩ lại, cả hai đều không trách bà. Bởi bà quan niệm đồng tính là tội lỗi, là một căn bệnh tâm thần như bao người khác trong xã hội.

Chị Châu chảy nước mắt nhớ lại, năm 2010, sau hàng năm trời bị mẹ hành hạ, chị đã nghĩ rằng mình chỉ có chết mới được yên thân. Khi đó, chị khóc nói với mẹ: “Má, nếu con ở trong nhà vẫn khiến má buồn bực, nhục nhã, ảnh hưởng đến sức khỏe của má và nếu má muốn con ra khỏi nhà để bớt tức giận, thấy thanh thản hơn thì con chấp nhận ra khỏi nhà. Còn không, má chỉ cần tha thứ cho con, chấp nhận con chứ đừng đối xử với con như vậy nữa má ơi. Vì con của má sắp không thể chịu đựng nổi nữa rồi”.

Người mẹ già bật khóc. Dù bà vẫn lạnh lùng với chị nhưng chị Châu đã thấy tình cảm hai mẹ con được cải thiện phần nào. Nhờ vậy, chị mới có thể tiếp tục sống.

“Cho đến khi má trút hơi thở cuối cùng, tôi vẫn không biết liệu má đã tha thứ và chấp nhận con gái má, chấp nhận tình yêu của tôi hay không. Dù thế nào đi chăng nữa, sự thừa nhận của má vẫn là một niềm hạnh phúc trong tâm can”, chị Châu bộc bạch.

Quen nhau từ lúc còn là hai cô nhóc, khi đã chuẩn bị bước sang tuổi ngấp nghé 50, hai người phụ nữ ấy mới có thể ở bên nhau. 33 năm trời, 1/3 thế kỷ trôi qua với bao thăng trầm, mệt mỏi, có thể chọn cái chết nhưng chưa lúc nào một trong hai người có ý định buông tay, từ bỏ tình cảm của mình.

Trong bộ hồ sơ bảo lãnh định cư gửi cơ quan Di trú Canada, lá thư cứu xét của chị Mỹ cũng kết lại chi tiết về chuyện tình kỳ diệu của hai người phụ nữ dành cho nhau. Ngày hôm nay, 20/2/2016, là ngày vui nhất của cuộc đời họ sau những đau khổ tột cùng – họ sẽ cùng nhau sang Canada để bắt đầu một cuộc sống mới – cuộc sống có nhau.

Và 1/3 thế kỷ dằng dặc chỉ mới là chặng đường đầu tiên trong câu chuyện tình "cổ tích" của họ.

Hoài Nam
`(Hoainam@dantri.com.vn)