Chuyện tình cổ tích của cô gái nghèo "nên duyên" với ân nhân

Thảo Trinh

(Dân trí) - Được anh Dinh Chi Tomas giúp đỡ khi ngất xỉu trong lúc làm việc, chị Tuyết Vân không ngờ lần đầu gặp vị ân nhân ấy chính là "định mệnh" kết nối 2 con người xa lạ thành bạn đời của nhau.

Cuộc gặp gỡ "định mệnh"

Chị Lê Thị Tuyết Vân (36 tuổi) là người con gái thứ 10 sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Long An. Tháng 5/2005, cô gái có vóc người nhỏ nhắn, da sạm đen từ quê lên Sài Gòn ở nhờ nhà người chị họ làm kinh doanh nhà hàng để chữa bệnh đau cột sống.

Một lần, nhà hàng đông khách, Vân được nhờ mang hóa đơn thanh toán cho một bàn có 5 vị khách nam. Chưa kịp nhận tiền hay nói bất kỳ câu gì, cô gái 19 tuổi đã ngã sõng soài ra đất, ngất xỉu. Còn những vị khách chứng kiến cảnh tượng ấy được phen tá hỏa vì không hiểu chuyện gì xảy ra.

Tình huống bất ngờ khiến ai nấy lúng túng nhưng anh Chi Tomas - vị khách ở bàn ăn 5 người ấy đã kịp định thần lại, nhanh chóng cùng chủ quán đưa Vân vào phòng. Sau khi nắm được bệnh tình, lý do ngất xỉu của cô gái trẻ, người đàn ông Việt kiều Đức nhờ những người trong nhóm kết nối các mối quan hệ để tìm bác sĩ chữa cột sống cho cô.

Tuy chỉ là hai người xa lạ chưa hề quen biết, lần đầu gặp đã rơi vào tình huống trớ trêu nhưng sau sự việc hôm đó, anh Chi Tomas cứ nhớ mãi hình ảnh cô gái ốm nhom, có đôi mắt thâm quầng với căn bệnh quái ác.

Chuyện tình cổ tích của cô gái nghèo nên duyên với ân nhân - 1
Chị Tuyết Vân từng bị trêu là "trúng sét ái tình" khi ngất xỉu trước mặt anh Dinh Chi Tomas ngay lần đầu tiên gặp gỡ. Cả hai không ngờ đó là "định mệnh" đưa họ trở thành bạn đời của nhau.

Ấn tượng ban đầu và niềm thương cảm trước tình cảnh bệnh tật của cô gái trẻ thôi thúc vị Việt kiều Đức "phải làm gì đó". Hai ngày sau, anh lục lại hóa đơn tính tiền, tìm kiếm số điện thoại nhà hàng để gọi hỏi thăm rồi trực tiếp đưa Tuyết Vân đến bệnh viện khám.

Nghe bác sĩ chẩn đoán, Vân mới biết ban đầu mình mắc chứng cơ phát triển không kịp với xương ở tuổi dậy thì. Đáng lẽ chỉ cần thể dục, ăn uống điều độ là có thể phục hồi, nhưng Vân lại uống thuốc của thầy lang ở quê nên bệnh tình trở nặng. Bên cạnh đó, cô còn sử dụng các loại thuốc của phòng khám tư mà không biết rằng đó đều là các dược phẩm có chứa chất gây nghiện.

Về phía anh Chi Tomas, chuyến công tác với phái đoàn Đức về Việt Nam lần này để lại trong lòng anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trước khi trở lại Đức, anh mua tặng Vân một chiếc máy massage với hy vọng cô gái xa lạ có thể vượt qua bệnh tật và mau chóng khỏe mạnh, vực dậy tinh thần. Thậm chí, khi đã về trời Tây, dù cách nhau cả 10.000 cây số nhưng người đàn ông này vẫn thường nhắn tin hỏi thăm sức khỏe cô.

Chuyện tình cổ tích của cô gái nghèo nên duyên với ân nhân - 2
Anh Chi Tomas chính là vị ân nhân "cứu vớt" cuộc đời cô gái nghèo quê Long An.

Thời gian đầu, cuộc trò chuyện của cô gái Long An không biết ngoại ngữ với chàng Việt kiều 30 năm sống ở nước ngoài cũng chẳng rành tiếng Việt chỉ là những lời hỏi thăm qua loa, ngắt quãng: "Em còn đau không?", "Vẫn đau".

Dần dần, những câu chuyện hàng ngày đều đặn và kéo dài hơn rồi cả hai nảy sinh tình cảm từ lúc nào không hay. Dù được anh Chi Tomas giúp đỡ nhưng Vân luôn giữ sự trân quý và trò chuyện có chừng mực, không bao giờ lợi dụng lòng tốt của người đàn ông Việt kiều.

Có lần gặp lại, anh mời Tuyết Vân đi ăn. Cô vừa cho thức ăn vào miệng đã nôn thốc, ướt hết vai áo và cánh tay người ngồi cạnh. Di chứng của căn bệnh cũ khiến cô không chịu nổi mùi hành và các loại gia vị của món ăn. Trái với sự lo lắng hiện hữu trên mặt Vân, anh Chi Tomas không hề khó chịu mà còn động viên cô cố gắng ăn thêm cho lại sức.

Vì bị bệnh, ăn uống khó khăn nên cơ thể Vân cứ gầy gò, ốm nhách. Những lần xa cách, anh không quên gọi điện, nhắn tin nhắc cô gái ăn uống đầy đủ để giữ gìn sức khỏe bản thân. Mỗi lời hỏi thăm dù chẳng hoa mỹ, câu nệ như "mỗi lần em ăn cơm, hãy nghĩ về anh và nhớ ăn giùm cho anh một chén nữa nhé" nhưng lại khiến Vân vô cùng xúc động và càng thêm yêu mến vị ân nhân đời mình.

Chuyện tình cổ tích của cô gái nghèo với ân nhân

Khi tình cảm tiến triển tốt đẹp, những dòng tin nhắn không còn đủ để thể hiện yêu thương, cả hai chuyển sang gọi điện. Anh Chi Tomas còn chăm chỉ bổ túc lại tiếng Việt để trò chuyện với chị Vân dễ dàng hơn. Mỗi năm, anh về Việt Nam công tác vài lần. Ngoài lúc bận rộn với công việc, anh luôn dành riêng vài ngày cho chị để cả hai có thời gian gặp gỡ và gắn kết hơn.

Mùa hè năm 2007, tại Sài Gòn, cặp đôi chính thức bắt đầu chuyện tình yêu cổ tích với nụ hôn má nồng nàn, đầy cảm xúc. Chị đưa anh về quê nhà ở Long An thăm gia đình. Thấy bố mẹ phải bán ruộng, vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho chị, anh không ngần ngại chuộc lại ruộng, trả nợ giúp gia đình cô. Tạm bớt gánh nặng, chị Vân cũng lấy lại tinh thần, bệnh tình nhờ thế thuyên giảm.

"Khi biết tin không thể có con do bệnh tình lúc trẻ, mình hụt hẫng, xuống tinh thần và khóc suốt ngày đêm. Lúc đó, anh luôn là người an ủi, động viên mình vượt qua cú sốc lớn trong cuộc đời. Anh bảo rằng, con cái là duyên trời định nên không thể có cũng đừng buồn và anh sẽ bù đắp khoảng trống ấy bằng bất cứ thứ gì mình muốn", chị Vân nhớ lại.

Chuyện tình cổ tích của cô gái nghèo nên duyên với ân nhân - 3
Mối lương duyên đặc biệt gắn kết hai con người xa lạ, cách nhau cả 10.000 cây số "về chung một nhà".

Để khẳng định tình cảm, anh Chi Tomas cũng dẫn chị Vân lại nhà bố mẹ ở Sài Gòn để ra mắt gia đình nhưng chỉ nhận lại những ánh nhìn dè chừng, nghi hoặc. Sự chênh lệch về tuổi tác và gia cảnh, lại thêm bệnh tật nên cô gái Long An không nhận được sự ủng hộ từ gia đình bạn trai. Ai nấy trong nhà đều nghĩ rằng chị chỉ đang lợi dụng anh mà thôi.

Chuyện tưởng chỉ có trên phim nay lại xảy ra với chính mình khiến chị Vân cảm thấy mặc cảm mỗi khi cùng anh về nhà. Nhưng nhờ sự động viên, an ủi của người đàn ông từng trải với lời nói chắc nịch "chỉ cần biết tôi yêu em là đủ", cô gái trẻ lấy lại tự tin và thể hiện thật tốt tấm chân tình của mình với gia đình anh.

Khi anh Chi tất bật với công việc ở Đức, chị Vân ở quê nhà tìm mọi cách để gắn kết với gia đình bạn trai. Vào dịp giỗ Tết, chị mua hoa quả, thịt gà ở quê lên cùng người nhà anh lo cỗ bàn tươm tất.

Thời gian mẹ anh phải vào viện phẫu thuật vì bị bệnh, chị cũng túc trực chăm sóc bất kể ngày đêm. Cô gái có dáng người nhỏ nhắn chẳng nề hà việc gì, săn sóc mẹ bạn trai tận tâm khiến mọi người thấu hiểu hơn và dần chấp nhận, coi cô như một thành viên trong gia đình. Sau 3 năm, cả hai chính thức tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc từ hai bên gia đình.

Chuyện tình cổ tích của cô gái nghèo nên duyên với ân nhân - 4
Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, chị Vân ngày càng xinh đẹp và hạnh phúc bên người chồng Việt Kiều ở trời Tây.

Năm 2016, sau khi hoàn tất thủ tục kết hôn, anh đón chị sang Đức đoàn tụ. Chị đã trau dồi tiếng Đức nhiều năm, học nấu ăn dự định mở nhà hàng nhưng sức khỏe không cho phép nên đành ở nhà lo nội trợ, vun vén tổ ấm.

Tính đến nay, kể từ khi cặp đôi quen biết nhau đã tròn 16 năm. Cô gái nghèo quê Long An ngày nào giờ đã trở thành người phụ nữ xinh đẹp, rạng ngời bên người chồng Việt kiều, tận hưởng cuộc sống sung túc ở trời Tây.

Suốt quãng thời gian từ lúc mới quen đến khi "về chung một nhà", anh Chi Tomas luôn giữ đúng lời hứa và dành những điều tốt đẹp nhất cho vợ.

Tuy cuộc sống vợ chồng đôi lúc có xảy ra cãi vã, mâu thuẫn nhưng anh Chi luôn là người nhẫn nhịn, lặng lẽ rời đi chỗ khác, chờ vợ "hạ hỏa" rồi lại kiếm cớ làm lành. Suốt một năm nay phải làm việc tại nhà vì dịch, anh cũng không ngần ngại vào bếp nấu nướng, hỗ trợ vợ chăm lo nhà cửa. Bất cứ điều gì vợ muốn, anh đều sẵn sàng làm mà không kêu ca nửa lời.

Chuyện tình cổ tích của cô gái nghèo nên duyên với ân nhân - 5
Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh chị thường dành thời gian đi du lịch cùng nhau.

Trải qua quãng thời gian thơ ấu nhiều buồn tủi, mệt mỏi vì bệnh tật, chị Vân giờ đã được đền đáp xứng đáng với cuộc sống hạnh phúc bên người chồng "có một không hai".

"Đôi khi hạnh phúc bắt nguồn từ những điều bình dị xung quanh và ao ước cũng đơn thuần đến lạ. Ngẫm nghĩ lại chặng đường đã qua trong cuộc đời phù phiếm khi được khi mất, tới giờ tôi chỉ cần có anh và sự chăm sóc chu đáo, ân cần của anh đến cuối cuộc đời là đã mãn nguyện.

Từ khi có anh, tôi không còn cảm thấy có điều gì bất hạnh. Tôi giống như một khúc gỗ mục quăng bên đường, không ai thèm nhìn nhưng anh dám nhặt về, chùi rửa, nâng niu mỗi ngày để trở thành gỗ quý của anh", chị bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm