Hà Nam:

Chuyện tình cảm động của cặp đôi “đũa lệch”

(Dân trí) - Đang ở cái tuổi xuân thì, không thiếu trai làng theo đuổi, chị Bích bất ngờ thông báo sẽ lấy người đàn ông hơn mình... 43 tuổi. Chuyện tình của họ nhận được không ít lời bàn ra tán vào nhưng sau 4 năm chung sống, tình cảm yêu thương giữa họ đã khiến nhiều người phải ganh tỵ với hạnh phúc “có một không hai” của cặp vợ chồng “bác - cháu” này.

Đó là câu chuyện tình cảm động, khiến nhiều người tò mò cũng gánh không ít dị nghị, lời ong tiếng ve của gia đình ông Ngô Thanh Học (SN 1940) và chị Nguyễn Thị Bích (SN 1983), ở làng Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Duyên phận “tiền định”...!

Xưa nay, người ta chẳng lạ gì những đám cưới cô dâu mới tròn đôi mươi lấy những chú rể đã “gần đất xa trời”. Đó có thể là những câu chuyện mang đầy mầu sắc “kim tiền, danh vọng”. Nhưng ở một vùng quê nghèo đồng bằng chiêm trũng, có một đám cưới của cặp vợ trẻ, chồng già lại mang sắc màu cổ tích tình yêu khiến cả huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đâu đâu cũng đồn thổi, nể phục tình yêu chân thành của cặp đôi “đũa lệch”.

Mới 33 tuổi, ấy vậy mà quá nửa người dân trong cái làng Ngô Khê đều phải gọi chị Nguyễn Thị Bích là “bà”. “Được vậy” vì chồng chị Bích năm nay đã gần tuổi “bát tuần”. Hơn nữa, chồng chị Bích lại là người có vai vế trong họ tộc. Nhưng được lên chức “bà” sớm trước tuổi đôi lúc cũng ngại, chị bảo âu cũng là cái duyên, cái số, cũng là do “tình yêu” dành cho người chồng hơn vợ đến 43 tuổi.

Chị Bích cho biết, chị đến với ông Học vì chữ duyên
Chị Bích cho biết, chị đến với ông Học vì chữ duyên

Ngồi trông 2 con - kết quả của cuộc hôn nhân giữa chị Bích và ông Học - hai vợ chồng "đũa lệch" kể lại mối lương duyên “tiền định” khiến người phụ nữ trẻ quyết định lấy người đàn ông hơn cả tuổi bố mình trong sự ngỡ ngàng của người dân làng Ngô Khê.

Năm ông Học 20 tuổi, đất nước đang trong thời ký kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng như bao thanh niên khác, ông lên đường nhập ngũ. Ông theo đơn vị vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, nơi bom lửa ác liệt chiến đấu. Trong những ngày cận kề sinh tử, ông vẫn luôn mong có ngày trở về đoàn tụ với mẹ già. Được vài năm sau ngày ông nhập ngũ, ở quê nhà, mẹ ông nhận tin dữ từ tờ giấy báo tử của con trai. Thương con, bà cụ lâm bệnh và qua đời.

Bẵng đi 20 năm, bỗng nhiên ông Học trở về quê nhà trong trạng thái “nửa tỉnh, nửa mê”. Người thân trong họ hàng ông cũng nhớ mơ hồ. 10 năm sau, ông Học dần hồi phục trí nhớ, nhận ra anh em họ hàng, rồi ông tự mình kiếm sống bằng nghề thu mua phế liệu. Thời điểm ấy, ông đã ngót 60 tuổi, đã an phận, không nghĩ đến việc sẽ lấy vợ, sinh con, yên bề gia thất.

Cứ nghĩ vậy mà sống, ông chỉ mong làm việc đủ kiếm miếng ăn qua ngày. Nhưng hạnh phúc không bỏ rơi ông, mà nó đến với ông Học quá đỗi bất ngờ, vào năm 2010.

Số là, ở nhà bên có cô bé hàng xóm tên Bích, năm đó 29 tuổi vẫn chưa lấy chồng. Nhan sắc cô Bích thuộc hàng trung bình, không xinh đẹp nhưng chẳng ai chê xấu xí. Dù không ít mối mai đưa tiếng, nhưng cô Bích chẳng nhận lời đám nào, lại hay lân la qua thăm ông cựu binh già nua, nghèo nàn. Rồi đám cưới diễn ra trong sự kinh ngạc của người dân trong làng.

Chị Bích cười: "Tôi nghĩ chuyện tôi lấy bác Học là duyên phận. Thời điểm đấy, tôi đến nhà bác ấy chơi, là hàng xóm nên đến thăm nhau bình thường thôi. Tôi thấy bác ấy khổ quá, cơm nước chẳng tự nấu được mà toàn ăn uống linh tinh. Tôi nảy lòng thương nên thỉnh thoảng qua giúp đỡ bác ấy đôi chút chứ không nghĩ gì đến chuyện tình cảm trai gái. Bác ấy còn nhiều hơn tuổi của bố tôi ấy. Được cái, bác ấy là người hiền lành, dễ tính và chăm chỉ".

Hai vợ chồng ông Học, chị Bích
Hai vợ chồng ông Học, chị Bích

"Cái duyên cái số, không thể giải thích được. Thú thực, tôi bắt đầu để ý bác ấy từ hôm bác ấy trổ tài xem tướng. Khi xem đường tình duyên, bác ấy bảo rằng tôi sắp gặp được người gắn bó với mình cả đời. Lúc đó, tôi chợt nghĩ thôi chẳng tìm đâu xa nữa, chi bằng tìm ngay người bên cạnh. Hồi bấy giờ, tuy tôi đã 29 tuổi, nhưng không phải là không có người theo. Nhưng, số tôi lận đận, tình duyên mỗi lúc tưởng như sắp thành lại tan vỡ. Thế nên, tôi mới để ý đến bác Học. Mọi chuyện là do tôi chủ động hết cả" - chị Bích kể.

Khi quyết định lấy ông Học, nhiều người bắt đầu dị nghị là ông già thế kia còn đòi lấy vợ, rồi chị Bích có đui què mẻ sứt gì đâu mà lấy ông lão, rồi họ hàng cũng phản đối ghê lắm. Cháu của ông Học là bạn học cùng chị Bích, suốt mấy năm sau đám cưới còn không thèm nói chuyện với chị Bích.

Mặc kệ thiên hạ người ta đồn thổi, chị vẫn quyết định lấy ông Học. Hạnh phúc với chị nó bình dị lắm, chẳng cần điều gì cao sang, miễn sao thấy thoải mái, vợ chồng yêu thương nhau, hiểu nhau mà sống.

“Một túp lều tranh, hai quả tim vàng”

Hồi mới biết nhau, ông Học hiền lắm, nhưng, bây giờ, nhiều áp lực, tiền bạc, con cái, họ hàng nên đôi khi ông Học sinh ra cáu bẳn trong khi chị Bích còn trẻ nên đôi lúc 2 vợ chồng cũng có va chạm. Nhưng cũng nhờ 2 đứa con sinh đôi một trai, một gá là bé Ngô Thanh Tiên và Ngô Thanh Thu (SN 2012) là niềm động lực để hai vợ chồng hàn gắn những rạn nứt khi nảy sinh mâu thuẫn.

Bên cạnh ngôi nhà cũ rách như xơ mướp, chị Bích xoay xở vay mượn để dựng mấy gian nhà cấp 4 lợp mái tôn đỏ. Đối với người ta, tài sản đó là bình thường, đối với vợ chồng ông Học, đấy là niềm sung sướng vô bờ. Từ nay, họ sẽ không phải hứng nước mưa chảy ồ ồ xuống giường mỗi khi trời đất trở tính trở nết. Quan trọng hơn, dưới một mái nhà mới, họ đang xây một tổ ấm.

Hai vợ chồng vẫn thường cười đùa nhau khi nhắc lại câu chuyện chị Bích tỏ tình với ông Học.Cái ngày đấy có lẽ hai vợ chồng ông không bao giờ quên. Lúc đấy chị Bích bẽn lẽn nói với ông Học: “Hay là bác lấy em”. Đáp lại lời tỏ tình của “đứa cháu”, ông Học thất thần vài ba phút, rồi ông mỉm cười: “Vậy bác và cháu lấy nhau”.


 Kết quả của mối tình hạnh phúc này là hai bé sinh đôi một trai, một gái vào năm 2012

Kết quả của mối tình hạnh phúc này là hai bé sinh đôi một trai, một gái vào năm 2012

Hôm vợ chồng ông Học lên xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, người làm thủ tục nhìn họ với ánh mắt nghi ngờ. Và khi biết được chuyện tình này là thật thì tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên, trêu chọc vợ chồng ông Học. Cho đến tận bây giờ, ông Học vẫn không thể tin được mình có thể lấy được vợ. Một người vừa nghèo, lại vừa già lấy được cô vợ trẻ, quả đúng là điều hiếm có.

Cuộc sống của họ vẫn khó khăn, song họ có nhau là chỗ dựa. Ông Học cười xoà: “Đời tôi, đến năm 70 tuổi cũng chưa từng nghĩ đến chuyện lấy vợ. Thế mà, vợ tự đến với mình. Rồi lại có 2 đứa con kháu khỉnh nữa. Kệ thiên hạ người ta đồn, tôi cũng chẳng bận tâm, chỉ hi vọng mình còn sức khẻo để lo cho vợ, cho con, nhìn chúng nó trưởng thành. Còn niềm vui nào hơn thế…!”

Đức Văn