1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện thầy giáo đi tìm mộ đồng đội

(Dân trí) - Chiến tranh kết thúc hàng chục năm trời, thầy giáo Long vẫn canh cánh trong lòng lời hứa với người đồng đội năm xưa đã nằm lại ở chiến trường. Nghỉ hưu, thầy giáo già lại mang ba lô bắt đầu cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ - thầy giáo Nguyễn Tiến Bộ.

Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp trồng người, chỉ hơn 3 năm khoác áo lính nhưng về hưu, thầy Nguyễn Hạ Long (SN 1944, TP Vinh, Nghệ An) vẫn “đóng” bộ quân phục màu xanh. Thầy bảo, màu xanh quân phục đã gắn với những năm tháng tuổi trẻ, gắn với những ký ức rất đỗi tự hào và cũng nhiều nỗi đau.

Nhập ngũ trong đợt “vét” cuối cùng của Ty Giáo dục Nghệ An năm 1972 nhằm bổ sung lực lượng cho chiến trường, thầy giáo Nguyễn Hạ Long (khi đó đang là giáo viên dạy văn tại Trường Cấp 2 Thanh Chi, Thanh Chương, Nghệ An) lên đường nhập ngũ, phiên chế vào đơn vị pháo cao xạ của đoàn 559. Đơn vị của thầy Long có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Cùng đơn vị của thầy Long có nhiều giáo viên cấp 2, cấp 3 và cán bộ Ty Giáo dục Nghệ An, trong đó có thầy giáo Nguyễn Tiến Bộ (quê xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).

“Hai anh em cùng một khẩu pháo, cùng một hầm trú ẩn. Tình đồng nghiệp, đồng chí nên lại càng thân thiết hơn. Những phút bình yên hiếm hoi sau trận đánh, hai anh em lại tâm sự chuyện gia đình, chuyện trường, chuyện lớp. Hai người thống nhất, chiến tranh kết thúc, nếu người còn, người mất thì người còn lại sẽ có trách nhiệm tìm về tận quê thông tin cho gia đình người hy sinh”, thầy Long ngậm ngùi.

Trong một trận chiến đấu ngăn chặn địch chi viện cho đồn Cộng Hòa (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), thầy Bộ bị trúng mảnh bom của địch và bị thương nặng. “Tôi khi đó là pháo thủ số hai, thấy anh Bộ ngã xuống, máu loang cả vạt áo trước ngực. Anh ấy bị thương nặng lắm. Tôi lấy tấm vải dù băng bó để cầm máu nhưng không được. Anh Bộ hi sinh ngay sau đó”, thầy Long nhớ lại.

Chuyện thầy giáo đi tìm mộ đồng đội
Dưới hầm trú ẩn, hai anh em hứa với nhau, kết thúc chiến tranh, người còn sống sẽ phải đến tận nhà người hi sinh để báo tin"

Bị cuốn vào cuộc chiến đấu, đơn vị thầy Long phải tiếp tục di chuyển vào Nam. Thi thể thầy Bộ được giao lại cho địa phương và giao liên chôn cất. Thầy Long cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh rồi di chuyển ra Lạng Sơn tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1977, thầy Nguyễn Hạ Long xuất ngũ, được phân công về công tác tại một trường cấp 2 ở TP Vinh.

Lúc này, thầy Long mới có dịp tìm về nhà thầy Bộ để thực hiện di nguyện của bạn. Bố mẹ thầy Bộ đã qua đời, người em trai cũng mới mất vì bệnh hiểm nghèo. Trò chuyện với gia đình, thầy Long được biết, hiện tại gia đình vẫn chưa đưa được hài cốt thầy Bộ về quê hương. Thầy Long kể: “Đứng trước bàn thờ, tôi hứa sẽ đưa anh về với gia đình, với quê hương. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là vào cất bốc và đưa hài cốt thầy Bộ về chứ không nghĩ đến mộ đã bị thất lạc. Bởi vậy phải đến hơn 15 năm sau tôi mới tìm được anh ấy”.

Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người thì có đến 20 năm thầy Nguyễn Hạ Long làm công tác quản lý. Sau 20 năm làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sơ Hưng Bình. Năm 2001, thầy được thuyên chuyển giức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Lê Mao. Năm 2005, thầy Long nghỉ hưu theo chế độ. Hai người anh trai của thầy Long là liệt sĩ chống Pháp, bản thân thầy là thương binh 4/4. Cụ thân sinh của thầy Long vừa được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trở về từ gia đình liệt sĩ Bộ, thầy Long bàn với vợ sẽ vào chiến trường xưa để đưa hài cốt đồng đội về. Được vợ ủng hộ, thầy Long xin nghỉ dạy, mang theo số tiền lương vừa nhận lên đường vào Quảng Ngãi. Cảnh cũ đã đổi thay quá nhiều, tìm theo địa chỉ ghi trong giấy báo tử nhưng không có, thầy Long lang thang đi khắp 4 nghĩa trang liệt sĩ của huyện Nghĩa Hành đều không tìm thấy ngôi mộ nào ghi tên Nguyễn Tiến Bộ. Thất vọng, thầy Long quay về.

Lời hứa với người đồng nghiệp – đồng đội năm xưa luôn canh cánh trong lòng. Năm 2005, thầy Long nghỉ hưu, tiếp tục thực hiện lời hứa trước bàn thờ của thầy Bộ. Từ nhiều thông tin chắp nối thầy Long tìm về Nghĩa trang liệt sỹ xã Nghĩa Tín (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Bao nhiên tiền lương hưu gom góp được thầy Long dắt lưng làm lộ phí đi tìm đồng đội cũ. Lần này có người cháu ruột, gọi thầy Bộ bằng bác, đi cùng.

Lời hứa với thầy Bộ năm xưa tôi đã hoàn thành, dẫu có nhắm mắt cũng thấy lòng thanh thản.
"Lời hứa với thầy Bộ năm xưa tôi đã hoàn thành, dẫu có nhắm mắt cũng thấy lòng thanh thản".

“Tìm hiểu qua chính quyền xã, ông Chủ tịch cho biết, phần mộ liệt sĩ đó được quy tập trong vườn nhà má Liên. Tìm đến nhà má Liên, con trai má cho biết, trong số mấy ngôi mộ liệt sĩ được chôn cất trong vườn nhà, khi cất bốc để đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã có ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Tiến Bộ, có đơn vị và địa chỉ như chúng tôi hỏi. Tuy nhiên, không hiểu sao khi các ngôi mộ được đưa ra nghĩa trang thì lại không còn tên. Bằng linh cảm của người lính, tôi tin rằng người nằm dưới mộ kia là thầy Bộ”, thầy Long cho biết.

Thầy Long và người cháu của liệt sĩ Bộ xin phép các cơ quan chức năng làm thủ tục gắn tên cho mộ liệt sĩ được tìm thấy. Sau khi bàn bạc, thống nhất với các thành viên trong gia đình liệt sĩ Nguyễn Tiến Bộ, mọi người quyết định để thầy Bộ ở lại cùng các đồng đội, hàng năm vào ngày giỗ chạp lại vào thăm. “Năm 2011, tôi cũng có dịp đi thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồn Cộng Hòa, thăm anh Bộ. Lời hứa với anh năm xưa tôi đã hoàn thành, dẫu có nhắm mắt xuôi tay cũng thấy lòng thanh thản”, thầy Long tâm sự.

Hoàng Lam