Chuyến tàu cuối cùng rời ga Sài Gòn trước thời khắc giao thừa
(Dân trí) - 21h55 đêm 30 Tết, tàu SE2 - chuyến tàu cuối cùng rời ga Sài Gòn đưa hơn 100 hành khách từ TPHCM về Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Các hành khách sẽ đón giao thừa trên tàu và đến Hà Nội lúc 5h sáng mùng 2 Tết.
Tối 30 Tết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể đã đếm thăm cán bộ ngành đường sắt TPHCM và người dân tại ga Sài Gòn. Bộ trưởng chúc mừng những nỗ lực ngành đường sắt TPHCM đã đạt được trong năm 2019 và mong ngành đường sắt phát triển hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Khoảng 19h30, các hành khách trên tuyến tàu SE2, chuyến cuối cùng xuất phát từ ga Sài Gòn đưa khách về các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã lỉnh kỉnh đồ đạc để có mặt tại ga. Nhiều người bồn chồn, thường xuyên coi đồng hồ để coi giờ lên tàu.
Không gian tại ga Sài Gòn lúc này cũng khá tĩnh lặng, không còn cảnh xô lấn như những ngày trước đó. Mỗi hành khách đều chọn cho mình một chỗ ngồi để nghỉ ngơi chờ đợi thời gian lên tàu. Nhiều người đến sớm cũng tìm cho mình một vị trí thích hợp để chợp mắt trước khi trở về quê hương.
Mỗi người lên chuyến tàu cuối cùng của năm đều là một câu chuyện, một hoàn cảnh. Người thì bận bịu với công việc làm thêm, nhiều người vì gia đình có việc gấp nên đành chấp nhận đón giao thừa trên chuyến tàu này. Tuy vậy, họ đều có một tâm trạng chung trước khi tàu lăn bánh là mong ngóng thật sớm có thể trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình ngày Tết.
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng mà ai cũng muốn quây quần bên người thân và gia đình. Tuy vậy, đối với nhiều người một cái Tết được sum vầy cùng gia đình ăn bánh mứt, uống ngụm trà, kể nhau nghe những buồn vui cả năm qua đã là hạnh phúc.
"Mình là công nhân nhưng mấy ngày Tết đi bán hoa thêm kiếm ít kinh phí về cho gia đình. Giờ lên tàu thì sáng mùng 2 mới về tới. Về đến mùng 5 mình lại lên tàu vào Sài Gòn để mùng 8 đi làm. Hơi mệt chút nhưng mà vui vì dù sao Tết cũng được ở nhà, gặp gỡ anh em, họ hàng. Mình chưa đón giao thừa trên tàu bao giờ, nhưng mình nghĩ chắc buồn lắm. Từ chiều giờ mẹ với vợ ở quê cứ gọi liên tục để hỏi lên tàu chưa, khi nào về. Mình về hơi muộn nhưng cũng vui, nhiều người còn không thể về quê chắc sẽ buồn lắm", anh Thắng (quê Hưng Yên) chia sẻ.
Cùng tâm trạng như anh Thắng, cô Nguyễn Thanh Phương (58 tuổi, quê Quy Nhơn) chia sẻ: "Mình tính không về nhưng gia đình có việc gấp nên đành ra ga có chuyến nào đi chuyến đó. Khoảng chiều mai là mình về tới Bình Định để đón Tết cùng gia đình. Mình chưa từng đón giao thừa trên tàu bao giờ, hôm nay thử trải nghiệm coi cảm giác ra sao. Con cháu mình về từ mấy ngày trước để chuẩn bị Tết rồi, giờ mình về sau. Vào Sài Gòn lâu rồi, có năm về có năm không nhưng ở lại thì buồn lắm".
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, trong các ngày nghỉ Tết, công ty vẫn tổ chức chạy thêm một số đôi tàu phục vụ người dân. Cụ thể, các đoàn chạy thêm gồm các tuyến: Sài Gòn - Huế, Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Tam Kỳ, Sài Gòn - Quảng Ngãi và Sài Gòn - Nha Trang. Trong 10 ngày cao điểm trước Tết Canh Tý 2020, mỗi ngày ga Sài Gòn có 20 - 21 đoàn tàu xuất phát, chở 15.000-17.000 hành khách về quê ăn Tết.
Xuân Hinh