1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chuyện rùng rợn, đau khổ đến tận cùng tại ngôi làng của những người điên

Những câu chuyện “rùng rợn” và đáng sợ kiểu như mẹ và con tranh nhau ăn thịt có giòi; hai chị em nhổ tóc đến trọc đầu; nửa đời người mẹ giam con trong chuồng lợn… Tưởng đó là chuyện bịa, nhưng đó lại là những chuyện có thật ở một ngôi làng mà ở đó là thế giới của những người điên…

 
Đường về “xóm tận khổ”

Đường về “xóm tận khổ”

Trong cái rét căm căm những ngày cuối năm, men theo quốc lộ 21 chúng tôi tìm về xóm 4, 5, 6 thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Thú thật là chỉ cách Hà Nội khoảng 60km nhưng cảnh vật ảm đạm bao trùm lên ngôi làng ngay cạnh chân núi Mác càng làm cho câu chuyện chúng tôi được nghe qua trở nên ám ảnh. Người ta đồn rằng xóm này sợ lắm, có đến hàng chục người bị điên, các gia đình ở liền kề nhau, có khi ở một nhà có đến hai thế hệ gồm cả mẹ và con gái cùng bị điên. Câu chuyện mở đầu của chúng tôi là tiếng thở dài than vãn đầy buồn bã của ông Nguyễn Văn Bình, người ở xóm 5: “Xóm này người điên thì nhiều. Có khi ra đường là bắt gặp người điên ngay ấy chứ. Thật tội nghiệp, nhiều gia đình có đến 3, 4 người điên, cuộc sống của họ đắng cay, cơ cực lắm”. 

Nằm ngay cạnh dưới chân núi Mác, ngôi nhà của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hà luôn im lìm chặt cửa đề phòng cô con gái Bùi Thị Thảo (SN 1992) có thể lao bạt mạng ra đường bất cứ lúc nào. Bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ: “Thảo là đứa con gái út của tôi, từ nhỏ tới lớn cháu học rất giỏi. Nhưng không hiểu sao, năm lên lớp 10, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, cháu bắt đầu có triệu chứng không bình thường”. Nói rồi bà bật khóc, đứa con gái thì ngây ngây, ngô ngô hết cười rồi lại la hét làm cho câu chuyện giữa chúng tôi và bà Hà bị đứt quãng. Ngay sát nhà bà Hà là trường hợp mẹ con bà Nguyễn Thị Loan. Người dân ở đây cho biết mẹ con bà Loan đều dở dở điên điên, cuộc sống cũng đắng cay trăm bề. Trong ngôi nhà xập xệ, đứa con gái Dương Thị Nụ bị cách ly, liên tục đi lại, hỏi gì cũng không nói, thi thoảng lại nhảy múa rồi tự vỗ tay. Một lúc sau, bất ngờ một người đàn bà đứng tuổi đi ở ngoài vườn vào chửi bới rồi đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, hỏi ra mới biết đó là bà Loan. Chuyện là sau một thời gian cô con gái Dương Thị Nụ của bà bị điên bà cũng trở nên dữ dằn, cứ nhìn thấy người lạ vào nhà là bà chửi bới rồi đuổi ra khỏi nhà. Một lần bà lang thang ra chợ, có người thương tình cho vài lạng thịt, bà không nấu, cứ để trong nồi, một tuần sau bà mang ra hai mẹ con cùng ăn, người con trai cả phát hiện ra xoong thịt toàn là giòi bọ. “Xóm tận khổ” có nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh éo le, cơ cực như nhà ông Êm, nhà ông Tý, nhà bà Loan… Có người nghi hoặc rằng, chắc tại ở làng này trước đây có nhiều người chết nên bây giờ xóm này mới bị “ám”.

Những câu chuyện rùng rợn

Đây là xóm mới thành lập, hầu hết đều là người tứ xứ về khu nông trường Ba Sao để xây dựng khu kinh tế mới. Khổ tâm nhất là gia đình bà Bình có tới 3 đứa con điên, họ điên đến thảm khốc. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở xóm 5, người mẹ già gần tuổi thất thập ứa nước mắt khi nhắc đến 3 đứa con ngây dại của mình. Bà Bình kể lại: “Tôi lập gia đình ở trên Thái Nguyên, khi đang mang bầu tôi vẫn phải ngày đeo bình thuốc lên vai, phun mấy mẫu chè, đêm đến lại vò chè đến tận khuya mới được nghỉ. Khi sinh đứa con gái đầu lòng ra bụ bẫm, khỏe mạnh, nhưng càng lớn đứa con gái cả càng có biểu hiện về căn bệnh thần kinh. Mấy năm sau hai vợ chồng tôi sinh đứa con thứ hai nhưng số phận đau đớn một lần nữa lại đổ ập xuống gia đình tôi. Khi được 3 tuổi, đứa con gái thứ hai cứ ngây ngô, ngồi một chỗ, ăn nói không bình thường. Vì lúc đó khó khăn mọi bề nên tôi cũng không đủ điều kiện đưa con đi khám chữa bệnh. Cuộc sống cứ thế dần trôi đi khi cô con gái út sinh ra không có biểu hiện như hai cô chị nhưng quanh năm ốm yếu, quặt quẹo không làm được việc gì, thi thoảng lại trốn nhà đi biệt tăm hàng tuần mới chịu về nhà.

Bà Bình ngồi trò chuyện với chúng tôi mà mắt không lúc nào rời khỏi cô con gái cả của bà cứ ngồi một chỗ, hết cười lại khóc; đứa thứ hai thi thoảng cào cấu đầu tóc, lăn ra đất, xé quần áo rồi lại vơ đống vải vụn cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Đứa thứ ba thì chẳng nhớ nổi bao lần trốn nhà biệt tăm, vất vả vào núi tìm mãi mới thấy. Bà Bình khổ sở với những đứa con điên dại ấy, ngày trông con, đêm lại ngồi khóc và tự vấn lương tâm rằng không biết kiếp trước ăn ở thế nào mà kiếp này giời đày 3 đứa con của bà bi thương đến thế (?) Bà Bình nhớ lại: “Năm 1996, chồng tôi ốm đau rồi qua đời, để lại tôi với 3 đứa con bị điên đáng thương của mình. Mỗi lần đi làm đồi là tôi phải đóng chặt cửa không để chúng chạy ra đường, nhưng khi về đến nhà thì đứa nào đứa nấy đều trần như nhộng, từ đầu đến chân mặt mũi bẩn thỉu, người toàn mùi xú uế. Thương con tôi lại cõng từng đứa ra giếng tắm rửa, thay đồ rồi lại lo cho ba đứa ăn. Nhiều lúc buồn hỏi chuyện con cho vui mà chúng cứ ngây dại nhìn tôi trân trân như nhìn một hành tinh xa lạ rồi lại cười khà khà. Cuộc đời tôi là những đêm không ngủ vì 3 đứa không chịu ngủ, dỗ dành chán chúng mới chịu đi nằm, vừa chợp mắt được một lúc thì lại choàng dậy vì những tiếng xoong, chảo va vào nhau. Xuống đến nơi vừa can được hai đứa ra thì cô con gái cả choang cả cái chảo vào đầu, khiến tôi ngã xấp mặt xuống đất. Đánh nhau chán rồi chúng lại lấy gương ra soi mặt để nhổ lông mày, có lần hai chị em chúng nó nhổ tóc cho nhau hói cả đầu rồi lại cười ha hả như ma nhập... Nhưng những lần như thế chưa thấm tháp gì. Sợ nhất là những lần đang bón cơm cho con thì một trong ba đứa cầm ghế gỗ đập vào đầu khiến tôi tứa cả máu mặt ra. Cho đến giờ tôi vẫn thấy run khi nhớ lại những lần bị con đánh. Một lần tôi đang lúi húi nấu cơm trong bếp thì đứa con gái cả cầm kéo lao vào tay cầm tóc lôi tôi xềnh xệch từ bếp ra sân, tay kia cầm kéo đâm vài ba nhát vào lưng, tôi đau đớn kêu cứu, may mà có người hàng xóm phát hiện ra nếu không thì…”. Kể đến đây bà Bình lặng đi, thương xót cô con gái cả rụng hết cả hàm răng vì tự dưng lao đầu vào tường. Nhìn con vừa giận vừa thương, không biết làm gì hơn ngoài việc than trách số phận.

Mẹ “giam giữ” con trong chuồng lợn
 
Đường về “xóm tận khổ”


Trong số những người bị điên ở thị trấn Ba Sao thì hoàn cảnh gia đình bà Phạm Thị Nhẫn khiến ai biết chuyện cũng xót xa. Bà Nhẫn có một người con trai tên là Vũ Xuân Việt, đang khỏe mạnh bỗng dưng có những biểu hiện bất thường dù gia đình đã chạy chữa nhưng bệnh tình của Việt không những không giảm mà còn nặng hơn. Việt càng ngày càng trở nên “hung dữ” và bạo lực. Cũng chính đứa con trai ấy đã từng bóp cổ bà Nhẫn, đấm đá vào mặt chị gái như kẻ thù và cầm dao truy lùng bố đẻ mình. Bà Nhẫn vẫn bàng hoàng khi nhớ lại: “Khi tôi đang phơi ngô ngoài sân thì thằng Việt đi từ đâu về, mặt hằm hằm, chưa kịp phản kháng gì thì nó lao vào tôi rồi bóp cổ. Tôi hốt hoảng kêu cứu thì nó đẩy tôi xuống đất, dùng hết sức bóp mạnh hơn… Khi tôi gần như không thể thở được nữa thì hàng xóm láng giềng chạy sang đẩy nó ra, đỡ tôi dậy. Nó bị đẩy xuống đất ngã dúi dụi, liền cầm gậy lao vào tấn công hàng xóm. Cũng may có nhiều trai tráng khỏe mạnh ôm nó, nếu không thì…”. Kể đến đây bà chỉ tay ra phía hiên nhà: “Cũng từ ngày ấy gia đình tôi nhốt nó vào đấy, nhỡ đâu nó ra ngoài hại người thì khổ lắm”.

Theo bà Nhẫn ra nơi anh Việt bị “giam giữ”, gần đến nơi đã thấy xộc lên thứ mùi thối khẳn. Nơi Việt ở nằm ngay sát giếng, cạnh chuồng gà, nơi ông bà Nhẫn xây lên với mục đích để nuôi lợn, nhưng vì không có nơi đảm bảo cho Việt không thoát ra ngoài nên bà Nhẫn sử dụng luôn cái “chuồng” rộng khoảng 6m2, trong đó được dựng nên một cái bục bằng xi-măng đủ để cho Việt nằm ngủ. Cửa chuồng được làm bằng sắt to, đan ô vuông vững chắc. Việt mặc mỗi chiếc áo lửng, để truồng phía dưới, khi hỏi chuyện anh luôn cúi gằm mặt không ngước lên một lần nào. Cho ăn thì ăn, còn đâu cứ ngồi lì một chỗ, cặm cụi nhìn xuống nền đất ướt, gọi cũng không thưa. Bà Nhẫn kể: “Từ ngày chồng tôi mất đi, con cái dựng vợ, gả chồng hết tôi càng thấy sợ hơn, nhưng nghĩ nó là con mình nên cố gắng chăm bẵm cho nó. Tôi thương nó lắm, nhưng số mệnh nó đã thế rồi”. Ngay cả đến khi tắm cho Việt bà Nhẫn cũng chỉ dám đứng ngoài cửa “chuồng”, cầm vòi nước phụt vào trong như kiểu “tắm cho lợn”. Việt sinh hoạt tại chỗ, phóng uế hết ra những cái chăn, bốc mùi khai thối nhưng bà Nhẫn cũng không dám mở cửa chuồng vào vì sợ Việt lại chạy ra ngoài gây nguy hiểm cho người dân. Một thời gian dài “giam” con giữa 4 bức tường, bà Nhẫn đứng ngoài song sắt mà không đành lòng, thế nhưng mở cửa ra, nó có lẽ giết bất cứ người nào…
 
Nửa thế kỷ quặn thắt nỗi đau


Nửa thế kỷ quặn thắt nỗi đau

 “Điều gì đang xảy ra tại cái xóm này?”, chúng tôi hỏi bà Lê Thị Kiệm, Bí thư xóm 5 để mong có sự lý giải thỏa đáng về những hiện tượng bất thường đến mức đau lòng ở xóm nghèo này thì được cho biết: “Ở cái xóm nhỏ bé tí tẹo này người điên khá nhiều. Già có, trẻ có, trung tuổi cũng có. Nguyên nhân chính là do ngày xưa cha mẹ đi bộ đội, thanh niên xung phong, có lẽ do nhiễm chất độc màu da cam. Còn một số trường hợp thì chúng tôi không được rõ nguyên nhân nhưng nói chung cuộc sống gia đình cơ cực lắm”.

Thật sự là đến nửa thế kỷ trôi qua nhưng người dân dưới núi Mác vẫn không thể trả lời được câu hỏi vì sao con cái, gia đình họ lại điên dại như vậy. Lời đồn thổi thì nhiều, người thì cho rằng bị… ma ám, người lại bảo do chiến tranh nhưng sự thật rõ mười mươi như thế nào thì cũng chẳng ai dám chắc. Gia đình cuối cùng chúng tôi đến thăm nơi đây là vợ chồng ông Lại Văn Tiếp và bà Hoàng Thị Sen. Bà Sen năm nay đã qua tuổi 60 nhưng lúc nào cũng phải bón từng thìa cơm cho cô con gái đã ngoài 30. Ông Tiếp cho biết: “Thời xưa, chiến tranh lửa đạn, ông không sờn lòng, sợ hãi, vậy mà giờ nhìn con không sao cầm được nước mắt. Đứa con gái Lại Thị Hằng suốt ngày ngồi rên rỉ, ai oán nên hai vợ chồng thay phiên nhau ngồi ôm con để xoa dịu nỗi đau cho cô con gái khỏi tức giận”...

Chia tay xóm nhỏ mà nhiều nỗi bất hạnh này tôi vẫn băn khoăn một điều rằng, những mảnh đời ở “làng tận khổ” rồi sẽ đi về đâu (?) Nước mắt những người mẹ… vẫn sẽ rơi hàng đêm, nỗi khát khao cho con mình được làm người dù chỉ một ngày đến bao giờ mới trở thành hiện thực (?) như tâm sự của bà Bình rằng: “Hơn 40 năm nay, tôi chỉ có một điều ước là ba đứa con ngây dại được làm người dù chỉ… 1 ngày thôi cũng được!”. Và một câu hỏi cứ ám ảnh chúng tôi: “Sao không có cơ quan đoàn thể nào về ngôi làng này trả lời câu hỏi cho họ, hay ít ra cũng là giúp họ đưa những đứa con điên dở vào cơ sở chữa bệnh???”.

Theo Quân Trần
An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm