Chuyện ra khơi của 2 lão ngư mù
Câu chuyện những người mù đi biển tưởng như chỉ có trong chuyện cổ tích, thế nhưng, ở làng biển thuộc xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) thì đó là sự thật từ bao năm nay.
Hai lão ngư mù nổi tiếng làng biển Quảng Xuân là Dương Văn Khư ( 76 tuổi, thôn Thanh Bình) và Lê Hận (66 tuổi, thôn Xuân Hòa).
Không đầu hàng số phận
Chúng tôi tìm đến thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, hỏi nhà ông Dương Văn Khư, người mà mọi người kể rằng đó là một lão mù chuyên đi biển. Mới đến đầu ngõ hỏi thăm, một người hàng xóm đã nhanh nhẹn cho biết “ông ấy ra biển từ sáng rồi”.
Theo con đường mòn tìm ra biển, thấy một nhóm thuyền có 4 người, trong đó có một lão nông, da ngăm đen, người gân guốc.
Đó chính là ông Dương Văn Khư, ông già mù duy nhất đi biển của thôn Thanh Bình. Ông Khư buồn rầu: “Bữa ni biển động không có gì cả. Ông cháu cuốn lưới về thôi”.
Lớn lên, bạn bè đi biển hết, ở nhà quanh quẩn buồn chán, ông mò mẫm tìm đường ra biển, ngồi trước sóng biển một mình nghĩ về cuộc đời, về số phận. Rồi nhiều lúc thấy thuyền cá về, ông ghé lại nói chuyện. Miệng nói, tay cứ lần mò gỡ những con cá mắc lưới giúp người ta, lâu dần thành quen tay, mỗi buổi sáng ông lại thích ra biển.
“Những lần ra biển, nghe người ngoài khơi trở về kể gặp những đàn cá hàng chục tấn, kín cả mặt nước, họ bủa lưới kéo vây bắt…tui thích lắm nên liều xin mấy người cho đi theo chơi một chuyến.
Ban đầu, ai cũng từ chối. Nhưng rồi thấy tui năn nỉ, người ta cũng liều cho đi thử một chuyến cho biết. Trên thuyền, tui đã giúp họ những việc nhẹ nhàng như kéo lưới, gỡ cá, nấu cơm…
Thấy tui cũng làm được việc, họ nhận tui phụ giúp với họ lâu dài. Mỗi chuyến đi về tui được chia phần ít hơn. Như rứa là tui đã mừng lắm rồi. Cũng từ đó, tui theo nghề đi biển cho đến bây giờ”.
Cách nhà ông Khư không xa, ở thôn Xuân Hòa (Quảng Xuân), cũng có một lão ngư mù giỏi nghề đi biển nức tiếng khắp vùng. Ông tên Lê Hận (66 tuổi), có hơn 40 năm gắn bó với nghề.
“Bạn bè cùng trang lứa trong làng ai cũng đi biển cả, mỗi lần đi về họ kể chuyện giăng lưới, câu mực, ăn nhậu trên biển nghe mà sướng. Tui cũng muốn được đi để cảm nhận được niềm vui đó cùng bạn bè. Tui xin cha cho đi biển với mấy người bạn, nhưng cha không cho, ông nói, mi mù lòa ra biển mà chết à, người lành còn chết nữa là…” - ông Hận kể.
Dù bị cha nghiêm cấm, nhưng mỗi lúc cha có việc đi xa là ông lại lén xin đi biển với mấy người bạn. Ban đầu họ cũng e dè lắm. Nhưng thân nhau, nên bạn bè chiếu cố cho đi. Rồi dần dần ông cũng quen việc, có thể làm được mọi việc như người bình thường khác.
“Thạo nghề, không đi theo bạn bè nữa mà tui về đi cùng cha. Từ đó, hai cha con chinh chiến ngoài khơi không thua kém gì bạn bè, thuyền về khi mô cũng đầy ắp tôm, cá”.
Thoát chết kinh hoàng
Đến bây giờ, ở cái tuổi 76, dù đã có hàng chục năm đi biển nhưng cái lần tai nạn biển vào năm 1991 đối với ông Dương Văn Khư không bao giờ quên được. “Chuyến đó, thuyền bọn tui mới thả lưới xong thì thấy biển nổi sóng lớn, thuyền bị chao liên tục. Mọi người vội vã thu gom lưới trở về.
Trên đường vào bờ, một con sóng lớn đã lật úp thuyền. Ai cũng lo bơi để thoát thân. Tui vật lộn một hồi với con sóng dữ rồi kiệt sức…
Với ông Lê Hận cũng trải qua những lần tai nạn kinh hoàng trên biển. Nhiều lần tưởng như đã phải bỏ mạng cho đàn cá biển.
Ông kể: “Một lần, thuyền của cha con tui đã đánh được một mẻ cá lớn, cha con mừng lắm, trên đường trở vào đất liền chỉ còn vài km thì trời nổi gió, mây mù kéo đến kín cả bầu trời.
Biển cũng nổi sóng dữ dội. Rứa là thuyền bị sóng đập mạnh liên tục, nhiều lần sắp bị đánh úp. Cố giữ thăng bằng cho thuyền đi được gần mấy trăm mét nữa thì một con sóng to từ xa ập đến, nhấn chìm thuyền luôn.
Hai cha con tui đã cố bơi vào, nhưng rồi cũng kiệt sức, bị sóng đánh dạt vào bờ, may mắn đều thoát chết. Lần đó tui phải nghỉ cả tháng trời mới lấy lại sức được”.
Đó là lần tai nạn kinh hoàng nhất trong nghề biển của ông Hận. Nhưng với ông, đã là ngư dân thì chỉ có chết mới bỏ nghề, chứ còn sống là còn bám biển, dù cho hiểm nguy luôn rình rập, tính mạng có thể bỏ lại trên biển bất cứ khi nào.
Bám biển tìm… niềm vui
Ở tuổi thanh niên, dù mù lòa nhưng ông Hận cũng là một trai tráng của làng biển rất giỏi giang, không thua kém ai. Chính vì vậy, dù mù, nhưng vẫn có nhiều người con gái khâm phục, đem lòng yêu thương.
Trong số đó, có một cô gái tên Long, là nhân viên chế biến hải sản của Sở Thủy sản Quảng Bình cảm phục trước ý chí của chàng trai mù nên đã đem lòng yêu thương rồi trở thành vợ chồng.
Chung sống với nhau mấy chục năm, hiện vợ chồng ông đã có 5 người con. Tất cả đã lớn, nối nghiệp cha, trở thành những chàng trai đi biển giỏi giang, sắm thuyền lớn, chinh phục biển cả.
“Giờ tuổi nhiều, sức khỏe giảm, con cái đã lớn, chúng đi biển cũng đủ nuôi sống cả nhà. Rứa mà tui vẫn thích đi biển, có lẽ biển đã ăn sâu vào máu thịt tui, lâu ngày mà không ra biển là trong người thấy ủ rụ, thiếu cái gì đó rất khó hiểu” - ông Hận tâm sự.
Với ông Khư thì khác, ông không tìm hạnh phúc cho mình. Ông sống độc thân trong ngôi nhà của vợ chồng người em trai. Con người ông lầm lũi, ít nói, một người mang nhiều tâm trạng.
Ông tâm sự “Tui đã không lành lặn, nên không muốn trở thành gánh nặng cho người khác”.
Đã nhiều năm nay, ông Khư không còn đủ sức đi đánh bắt xa nữa, mà chỉ đi thuyền thúng (một loại thuyền nhỏ, tròn) quanh quẩn gần bờ kiếm mớ cá, mớ tôm. Hay có thuyền ai đánh bắt gần bờ, thì ông xin đi theo.
Những hôm không lên thuyền đánh bắt, ông vẫn ra ngồi trước biển, khi có người ngoài khơi vào bờ là ông Khư đến kéo thuyền, kéo lưới, gỡ cá giúp họ. Rồi người ta cho nhiều, ít gì đó, ông lại có mồi ngồi nhâm nhi, đưa cay.
Dù bước chân đã không còn vững chắc, nhưng ông Khư vẫn đều đặn ra biển mỗi ngày. Ông tâm sự: “Ở nhà thấy buồn lắm, cứ muốn ra biển thôi. Ra đó, mỗi lúc thuyền về, nhộn nhịp người qua lại, có tiếng nói, tiếng cười, vui lắm!”.
Theo Trần Văn - Duy Tuấn
Vietnamnet