Chuyện nữ tiểu đoàn "vai trăm cân, chân vạn dặm" khiến lính Mỹ ám ảnh

Khánh Hồng

(Dân trí) - Những năm 1968 - 1972, cái tên "Tiểu đoàn bà Thao" vang danh Quân khu 5. Quân địch treo giải thưởng lớn cho ai tìm ra thủ lĩnh đội "vai trăm cân, chân vạn dặm" gùi gạo, cõng đạn tiếp sức bộ đội khu 5.

"Tiểu đoàn bà Thao" - những đôi chân vạn dặm

Bà Phạm Thị Thao (sinh năm 1949) ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải nữ 232 - Cục hậu cần, Quân khu 5. Bà Thao hiện là Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong TP Đà Nẵng.

Năm lên 14 tuổi, bà Thao đã tích cực tham gia du kích, làm bí thư đoàn thanh niên tại xã nhà. Năm 1966, bà Thao tham gia thanh niên xung phong vào Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Đà.

Chuyện nữ tiểu đoàn vai trăm cân, chân vạn dặm khiến lính Mỹ ám ảnh - 1

Bà Phạm Thị Thao kể lại những ngày tháng gùi gạo, cõng đạn tiếp lửa chiến trường (Ảnh: Khánh Hồng).

Đầu năm 1968, công tác bảo đảm hậu cầu có những khó khăn, thách thức mới. Địch đánh phá nên việc lấy gạo từ vùng địch ra căn cứ lúc có lúc không, trong khi đó việc huy động lực lượng trong nhân dân có nhiều hạn chế do vùng giải phóng bị thu hẹp.

Mặt khác, ở vùng căn cứ, do máy bay B52, B57 thả bom liên tục, cây cối hoa màu bị chết không thu hoạch được nên một số cơ quan, đơn vị bị thiếu lương thực nghiêm trọng, đặc biệt trên địa bàn Quân khu 5 càng hết sức khó, gian khổ.

Trước tình hình đó, ngày 8/3/1968, Tiểu đoàn vận tải nữ 232 được thành lập và bà Thao được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng.

Tiểu đoàn vận tải nữ 232 lúc mới thành lập gồm 550 người. Họ là những cô gái tuổi mới mười tám, đôi mươi, không ngại hy sinh, gian khổ, lăn lộn giữa bom đạn, "vai trăm cân, chân vạn dặm" gùi gạo, cõng đạn, khiêng thương binh về tuyến sau điều trị.

Với khẩu hiệu hành động: "Không để bộ đội ở chiến trường đói rét, thiếu vũ khí, thiếu lương thực và súng đạn", chị em tiểu đoàn vận tải nữ 232 luôn nhắc nhở nhau: "Không chuyển được hàng ra mặt trận là có lỗi với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến".

Điều ấy luôn thôi thúc các chị em trong tiểu đoàn "đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên một tạ", "không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả".

Dấu chân các nữ chiến sĩ đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9 Nam Lào... góp phần làm nên những chiến công vang dội ở các địa danh như: Tam Kỳ, Thăng Bình, Hiệp Đức, Quế Sơn, Chu Lai, Ái Nghĩa, đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân 1968 trên toàn Quân khu 5.

Thời điểm đó, ai đến chiến trường Quân khu 5 đều biết Tiểu đoàn vận tải nữ 232 và gọi với cái tên bình dị, thân thương: "Tiểu đoàn bà Thao".

Vất vả, hiểm nguy vẫn luôn yêu đời

Bà Thao kể, thời đó, bà và các đồng đội là những cô gái còn rất trẻ, mỗi ngày mang trên vai 100 kg hàng. Họ đi liên tục, không ngày nào nghỉ, trừ những trường hợp bị sốt rét.

"Để mang được những chuyến hàng ra chiến trường, chúng tôi phải vất vả vô cùng. Đường dốc lên, dốc xuống, phải đi từng bước, từng bước chứ không thể đi nhanh", bà Thao nhớ lại và cho biết, năm 1969, Tiểu đoàn vận tải nữ 232 về đóng quân ở Rạch Đại Lộc, chuyển hàng phục vụ cho chiến trường Quế Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Chu Lai. Ban ngày chị em gùi đạn, ban đêm cơ động xuống đồng bằng lấy gạo, muối, thực phẩm về phục vụ cho mặt trận.

Chuyện nữ tiểu đoàn vai trăm cân, chân vạn dặm khiến lính Mỹ ám ảnh - 2

Bà Phạm Thị Thao (ở giữa) cùng với các đồng đội của mình trong một lần gặp mặt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Có thể nói, đây là thời điểm gian khổ, ác liệt nhất của đơn vị hành lang. Ở chiến trường Quảng Nam, từ Rạch Đại Lộc xuống Quế Sơn là nơi trọng điểm đánh phá của địch. Thế nhưng bất kể gian khó, chị em tiểu đoàn nữ đều phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

"Có lần, 13 chị em tiểu đoàn nhận nhiệm vụ gùi hàng xuống Quế Sơn. Khi trở về bị địch phát hiện, chúng gọi pháo bắn liên hồi từ 16h chiều đến sáng hôm sau, 6 chị đã anh dũng hy sinh vĩnh viễn nằm lại đất Quế Sơn, không về đơn vị nữa.", giọng bà Thao chùng xuống.

Bà kể, lúc bấy giờ, điều kiện về ăn, ở, mặc hết sức khó khăn. Bữa ăn của các chị em trong tiểu đoàn chủ yếu là sắn củ, nưa rừng, củ mài, cây môn thực, cây móc...

Trong những chiến dịch cao điểm, cấp trên bồi dưỡng mỗi người 1/2 lon gạo trong một ngày, tối đa chỉ cấp từ 4 - 6 ngày. Chị em động viên nhau ăn sắn để số gạo được cấp trên nấu cháo phục vụ cho số thương binh nặng từ chiến trường chuyển lên. Không sao kể hết những vất vả gian lao nguy hiểm song chị em vẫn lạc quan, yêu đời.

"Dù đói cơm lạt muối, thiếu quần áo nhưng chị em vẫn một lòng son sắt theo Đảng đến cùng. Vì một chuyến hàng của chị em ra tiền tuyến là góp phần đánh Mỹ, mau giải phóng miền Nam", bà Thao nói.

Nữ thủ lĩnh "miệng nói, tay làm"

Khi được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải nữ 232, bà Thao không muốn nhận vì thấy bản thân mình khó đảm đương được công việc này. Tuy nhiên, sau đó bà Thao xác định đây là trách nhiệm Đảng giao, vì vậy phải nỗ lực hoàn thành.

Để lãnh đạo được đơn vị, bà Thao "miệng nói, tay làm", luôn gần gũi với chị em trong đơn vị, khó khăn gian khổ cùng nhau chiến đấu.

Câu chuyện bà lao xuống vực cứu một chiến sĩ trên đường hành quân từ Bắc vào Nam, chuyện bà cõng Chính trị viên Đại đội 1 Huỳnh Thị Lưu qua sông vì bị địch bắn thương ở chân và quay trở lại 2 lần để cõng 2 bao gạo đã trở thành những bài học về lòng yêu nước, tình yêu, sự chia sẻ với đồng đội của một người thủ lĩnh.

Chuyện nữ tiểu đoàn vai trăm cân, chân vạn dặm khiến lính Mỹ ám ảnh - 3

Bà Phạm Thị Thao xem lại những tư liệu về Tiểu đoàn vận tải nữ 232 (Ảnh: Khánh Hồng).

Những năm 1968 - 1972, cái tên "Tiểu đoàn bà Thao" luôn là nổi ám ảnh của lính Mỹ. Biết Tiểu đoàn thường xuống đồng bằng lấy gạo, quân Mỹ treo giải thưởng cho những ai tìm ra bà. Vì vậy, bà Thao mỗi ngày đều phải dùng một ký hiệu riêng. 

Tháng 10/1972, Tiểu đoàn vận tải nữ 232 giải thể, các thành viên trong tiểu đoàn được chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Trong suốt hơn 4 năm, "Tiểu đoàn bà Thao" đã hoàn thành sứ mạng thiêng liêng mà lịch sử đã giao cho, xứng đáng với danh hiệu: "Kiện tướng hành lang, gương mẫu đảm đang, chân đồng vai sắt".