1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khánh Hòa:

Chuyện những người bới rác tìm đồ ăn, sinh con trên bãi rác

(Dân trí) - Chị Thủy đêm đến đang bới rác thì đẻ rơi con ngay trên bãi rác. Chị Nghẻ “may mắn” hơn khi đau bụng thì được đưa vào một căn lều gần bãi rác để sinh nở…

Ám ảnh với những phận người trên bãi rác Rù Rì sau một ngày tới đây tác nghiệp, ngày hôm sau, tôi quyết định quay xe lại xóm rác Rù Rì (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Vừa thấy tôi ở đầu xóm, những đứa trẻ tóc tai bù xù, nhem nhuốc vây lại, reo lên như gặp người thân.
 
Một người đàn ông ngoài 30 tuổi tiến tới nói: “Chú muốn biết chuyện gì? Xóm này còn nhiều chuyện để kể lắm, chú muốn nghe tui đưa chú đi”.

Tôi theo chân người đàn ông này gõ cửa “nhà” chị Lê Thị Thủy, nằm ở cuối xóm rác, lưng chừng ngọn đồi. Trong nhà chỉ thấy những thứ nhem nhuốc, tồi tàn vốn đường gom về từ bãi rác.

Chị Thủy cùng con gái 9 tháng tuổi bị đẻ rơi trên bãi rác.
Chị Thủy cùng con gái 9 tháng tuổi bị đẻ rơi trên bãi rác.

Thấy có người tới thăm, chị Thủy bế con nhỏ chạy về trải chiếu mời khách ngồi. Cạnh đó là đứa con trai 5 tuổi quấn quýt lấy mẹ, tay cầm cái bánh thửng ăn ngon lành. Tôi hỏi: “Bánh mua ở đâu ăn ngon vậy?”. “Bánh lượm được trên bãi rác lúc sáng, chớ ở đâu”, chị Thủy trả lời hộ đứa nhỏ. Thủy năm nay 26 tuổi nhưng đã 3 mặt con. Chị người Bình Thuận, lấy chồng năm 20 tuổi rồi theo chồng vào Rù Rì nhặt rác tới giờ.

Ở xóm rác này, đi đâu người ta cũng kể chuyện Thủy vì nghèo khó, lo kiếm cái ăn mà đẻ rớt con trên bãi rác. Chị kể: “Mỗi ngày đi lượm rác cũng được vài chục nghìn, nhưng ở nhà là đói. Hồi đó bụng đã to, em đoán là sắp sinh, nhưng không thể ở nhà và khi chập tối ra đến bãi, đang cào bới thì đau bụng…”.

Với sự “giúp sức” của mấy chị nhặt rác, con gái Thủy đã cất tiếng khóc chào đời trên bãi rác Rù Rì. Thủy “vượt cạn” nhưng không có gì trong tay, lại sinh hạ vào tối khuya khoắt, giữa đồi núi âm u nên phó mặc cho số phận. “Sau khi sinh cháu xong, mấy chị nhặt rác ai cũng thương, họ chạy đi lượm quần áo của trẻ nhỏ còn trên bãi, rồi trùm lên cho cháu”, chị Thủy nhớ lại.

Cũng vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, vì miếng ăn, vì cuộc sống… chỉ nửa tháng sau khi sinh cháu bé, người mẹ trẻ lại đeo ủng, cầm cào, bao tải ra bãi nhặt rác kiếm sống. “Em chỉ học đến lớp 2, chồng em hình như không học. Bên gia đình nhà chồng đã lượm rác ở đây 3 đời rồi! Không biết con em sau này sẽ ra sao?”, Thủy - với chức phận của một người mẹ - trăn trở nói.

Chị Bo Bo Thị Nghẻ, một trong nhiều trường hợp đặt biệt ở xom rác.
Chị Bo Bo Thị Nghẻ, một trong nhiều trường hợp đặt biệt ở xom rác.

Ở cạnh đó không xa, trường hợp chị Bo Bo Thị Nghẻ cũng rất đặc biệt. Mẹ con chị Nghẻ may mắn hơn, khi sắp sinh được bế vào trong căn lều trên bãi để sinh nở. Mẹ tròn con vuông, chị đặt tên con là Yến và hiện bé gái đã 6 tuổi. Nhìn bé Yến quấn quýt bên mẹ với chiếc váy sặc sỡ, chị nói như “phân bua”: “Làm không đủ ăn, lấy gì mua áo quần cho con! Lượm ngoài bãi rác đó!”.

Ở bãi rác Rù Rì có nhiều gia đình 3-4 thế hệ sống nhờ rác, như gia đình cụ Ảnh, cụ Bông… Có những người “thâm niên” ít nhất vài chục năm bới rác như chị Cúc, chị Lùn, chị Hiệp, anh Huyền…

Họ quyết “đeo bám” trên bãi rác và tương lai các thế hệ con cháu của họ không biết có ra khỏi bãi rác hay không?!

Chị Nguyễn Thị Minh Hà, tổ phó tổ tự quản bãi rác Rù Rì kể, trẻ em ở bãi rác ít được đi học đàng hoàng và thường nghỉ giữa chừng rồi theo “nghiệp” nhặt rác như cha mẹ chúng. Song vẫn có một số em quyết tâm thoát nghèo, quyết tâm đi học nghề, học cao đẳng, nhưng số đó rất ít.

Đến bãi rác Rù Rì, tôi còn được nghe câu chuyện vợ chồng cụ Nguyễn Thị Ảnh nhặt rác kiếm sống suốt 50 năm nay. Vợ chồng cụ sống với nhau hơn nửa đời người mà không có con. Không rõ có phải bệnh tật từ bãi rác đã khiến 2 cụ phải sống cảnh cô độc?

Cụ Ảnh bị đau thần kinh tọa và 2 khớp đầu gối đã 9-10 năm nay nhưng chưa một lần đi viện. Chồng cụ Ảnh bị đau ruột thòng, cách đây ít năm vết thương làm mủ phải mổ gấp để cứu tính mạng.

Anh Nguyễn Ngọc Huyền, một người có thời gian lượm rác gần ngang tuổi đời.
Anh Nguyễn Ngọc Huyền, một người có thời gian lượm rác gần ngang tuổi đời.

Anh Nguyễn Ngọc Huyền, một người có thời gian lượm rác gần ngang tuổi đời, tâm sự: “Nghề này toàn ngửi khói độc, khói ô nhiễm… nên lâu lâu lại đau. Ở xóm rác này, nhiều người đau như thế lắm. Quái lạ, đau năm ba hôm rồi lại hết!”.

Biết là sống trên rác, ăn cùng rác, ngủ cùng rác là độc hại, bệnh tật, nhưng những người dân ở xóm rác này cũng không có thời gian để tâm đến chuyện đó. Hơn nữa, nếu bỏ rác, họ sẽ đi đâu, sống thế nào khi tất cả đều không học hành, không nghề nghiệp, không nhà cửa...?

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm