Khánh Hòa:
Những phận đời “mù mịt” trên bãi rác Rù Rì
(Dân trí) - “Hờ… bà con ơi, cái chai nhựa còn nguyên nì, hề… sướng chưa!”, anh Huyền mắt sáng lên, mừng rỡ nói như reo khi cào bới được chiếc chai nhựa to bằng cổ chân giữa đống rác hôi hám, nhầy nhụa, đầy ruồi nhặng trên bãi rác Rù Rì.
Buổi chiều trên bãi rác
Hơn 16h, như mọi hôm, anh Nguyễn Ngọc Huyền lại khoác bộ áo quần lao động, đầu quấn đèn pin, chân đeo ủng màu đen, tay cầm chiếc cào 2 răng dài hơn 1 mét và 1 chiếc bao tải vắt lên vai, hối hả đi về núi rác Rù Rì chờ xe rác. Rù Rì là bãi bác lớn nhất Khánh Hòa, nằm trong nghĩa trang phía Bắc thành phố Nha Trang. Đây là nơi tập kết rác của toàn thành phố và là nơi mưu sinh của hàng trăm người vô gia cư, thất học và không nghề nghiệp. Tôi theo chân anh Huyền băng qua con đường đất ngoằn ngoèo, đầy bụi rồi đi lên bãi rác nằm trên một ngọn đồi cao.
Bóng chiều vừa tàn, hàng trăm người đã chầu chực ở đây từ sớm và có vẻ như họ chỉ đợi mỗi xe rác lên để “hành nghề”. Bãi rác khá rộng, ở một góc nhỏ, rác được chất cao từng đống từ bao giờ rồi được đốt tiêu hủy, khói tỏa nghi ngút. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, một người liền giải thích: “Rác này từ hôm qua và những ngày trước, những gì có thể lượm được thì chúng tôi đã lượm hết rồi! Giờ không còn gì để lượm nữa, đợi xe rác của hôm nay chở lên rồi mới lượm”.
Trong làn khói khét lẹt, đặc quánh tỏa ra từ đống rác thải đỏ lửa, vẫn có hàng chục người tay chân lấm lem, mặt mày đen nhẻm tụ tập nhau lại ở một góc đồi để chia nhau vài miếng bánh ướt vừa mới kiếm được.
Có người dùng đũa đen xịt, rất bẩn để gắp, có người dùng 2 ngón tay đen sì để bốc cho vào miệng nhai, nuốt ngon lành. Một phụ nữ tầm tuổi 30 có vẻ không màng đến bệnh tật, nói: “Chị em tụi tui ai cũng vậy cả! Ở đây chỉ lo kiếm miếng ăn thôi, mấy cụ bà lượm rác rồi sống ở đây mấy chục năm, giờ thọ đến 70-80 tuổi, sao đâu nào?”.
Câu chuyện chưa hết thì bất ngờ có tiếng động cơ xe tải gầm rú dưới chân đồi, một người đứng bật dậy hô: “Xe rác đến!”. Thế là hàng trăm người “vỡ toang”, ai nấy vớ cào, bao tải, chân đeo ủng… chạy theo xe rác. Mọi người đứng thành hình vòng cung, chỉ chừa một khoảng đất trống chừng 10 mét để xe ben tuồn rác ra ngoài.
Rác được đổ thành đống, mọi người vây quanh rồi dùng chiếc cào 2 răng để xới, rồi cuốc, móc, bới và lượm bất cứ thứ gì có thể bán được rồi tống vào bao tải. “Hờ… bà con ơi, cái chai còn nguyên nì, sướng… chưa!”, anh Huyền mắt sáng lên, mừng rỡ và nói như reo với mọi người sau khi lượm được cái vỏ chai nhựa to bằng cổ chân giữa đống rác hôi hám, nhầy nhụa và đầy ruồi nhặng.
Sau khoảng 15 phút, khi đã lượm được một vài đồ phế thải có “giá trị” như lon sắt, vỏ chai, bao nilon và nhiều thứ không tên khác, mọi người tản qua đống rác khác vừa được xe rác đổ xuống. Cứ thế, họ lam lũ mưu sinh trên bãi rác từ chiều tối cho đến rạng sáng hôm sau.
Một nhân viên đi trên xe rác của Công ty Môi trường Đô thị Nha Trang chua chát: “Rác mà ra đến đây thì không còn gì, thế nhưng vì muốn sống họ buộc phải lượm. Họ lượm được gì bán được thì lượm vì họ không nhà, không nghề nghiệp và thất học”. Một nhân viên khác thì kể: “Mùa nắng thì còn đỡ, chứ mùa mưa thì khổ lắm! Bãi rác lầy lội, hôi hám và ruồi bọ bu bám không xuể…”.
Chuyện “xây nhà” của người dân xóm rác
Cách bãi rác không xa ở dưới chân đồi là hàng chục căn lều tạm bợ, lụp xụp của người dân xóm rác. “Nhà” của người dân ở đây rất đặc biệt khi “chất liệu” làm nên chúng là đồ lượm được từ ngoài bãi bác.
Ngồi trong căn lều chắp vá từ hàng trăm thứ linh tinh không tên, tối om như mực, chỉ rộng hơn cái chuồng heo, cụ Nguyễn Thị Ảnh, làm nghề nhặt rác hơn 50 năm, kể: “Căn lều này cũng từ bãi rác mà ra! Khi mới lấy nhau, vợ chồng tui đi lượm ván, giấy, tôn và mấy cái cột gỗ… rồi mang về kết lại, chắp vá rồi dựng lên, chứ không có tiền làm nhà. Đến khi cái nào hư thì tháo xuống, rồi lượm cái khác thay vô. Rứa mà nó che mưa, che nắng gần 30 năm chớ ít mô”.
Cũng như bao người dân khác, sau khi làm xong căn lều, cụ Ảnh lại tiếp tục ra bãi rác lượm những gì còn thiếu. Cụ lượm từ cái vạc giường, chiếc chiếu, cái mền… cho đến cái tô, cái bát rồi áo quần cụ mặc cũng lượm mà có.
“Ở đây cái chi cũng lượm! Chỉ có lượm mới sống được! Vợ chồng tui gần đây hay đau ốm, nếu có tiền thì mua thuốc, không có thì đi lượm thuốc về uống”, cụ Ảnh kể thêm. Cụ Ảnh cho biết cụ là đời thứ 3 và con, cháu cụ là đời thứ 4, thứ 5 sinh ra và lớn lên trên bãi rác, sống nhờ rác.
Cách đó không xa, là “nhà” của cụ Trần Thị Bông. Cũng như bao hộ dân sống trên bãi rác Rù Rì, căn “nhà” của cụ Bông cũng được “dệt” từ hàng chục thứ không tên ngoài bãi rác.
Cụ Bông năm nay 74 tuổi nhưng có 60 năm mưu sinh trên bãi rác. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh ác liệt, cụ Bông cùng chồng bế con chạy từ Phú Yên vào Khánh Hòa mưu sinh rồi dạt về Rù Rì.
Cuộc sống đói khát và thiếu ăn liên miên, 9 người con của cụ Bông phải theo cha, mẹ nhặt rác kiếm sống. “9 đứa, đứa nào cũng lượm rác và đứa nào cũng dốt cả…!”, cụ Bông cay đắng nói.
Ông Phạm Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (địa phương quản lý bãi rác) cho biết bãi rác Rù Rì hình thành từ trước giải phóng, tuy nằm trên địa bàn xã nhưng dân nhặt rác không phải là dân trong xã mà là dân của phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) và các địa phương khác. Liên quan đến việc người dân chặn xe chở rác vào chiều 8/3, ông Vinh cho biết do bãi rác mới Lương Hòa (cách bãi rác cũ Rù Rì khoảng 1km) tạm thời đóng cửa để vận hành, thử nghiệm máy móc trong vòng 15 ngày nên cấp trên có chủ trương không cho người dân vào nhặt rác. Vì lý do này, người dân nhặt rác đã chặn xe chở rác Công ty Môi trường Đô thị Nha Trang. Ngay trong đêm 8/3, rác lại được đưa lên đổ ở bãi cũ Rù Rì nên người dân tiếp tục nhặt rác từ đó tới nay. Ngay sau vụ việc người dân chặn xe chở rác, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với Công ty Môi trường Đô thị Nha Trang và UBND TP Nha Trang nhưng chưa nhận được câu trả lời. Công ty Môi trường Đô thị Nha Trang một mực yêu cầu chúng tôi phải xuất trình thẻ nhà báo và không đồng ý với giấy giới thiệu làm việc của phóng viên. |
Viết Hảo