1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện người phụ nữ mong được hiến xác

(Dân trí) - Đã 11 năm nay, dù trời nắng hay mưa, bà vẫn rảo quanh thành phố với chiếc xe đạp cà tàng của mình đi tìm cây thuốc giúp người. Mong ước cuối đời của bà là được hiến xác cho y học.

Người phụ nữ mê làm từ thiện

Đó là bà Phan Thị Ngọc Huệ (78 tuổi, trọ phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Đã nhiều năm nay, bà luôn dành dụm tiền bạc, công sức để đi làm từ thiện. Gia đình bà Huệ vốn sinh sống ở thành phố, nhưng nhà đông anh em nên bà không được được đi học: “Từ hồi tới giờ, tôi trải qua nhiều nghề lắm. Bán bếp xăng ở cửa hàng, làm cu li ở kho 5 gần bến Nhà Rồng…”- bà Huệ tâm sự.

Gia đình có tới 12 anh em, nhưng chiến tranh loạn lạc nên mỗi người lưu lạc một nơi. Cha mẹ thì không còn, bà mướn phòng trọ ở tạm qua ngày. Hồi bé, trong một lần đi vớt bèo về nấu cám cho heo, bà lội xuống sông thì bị cây tre đâm vào bụng. Cứ nghĩ không bị sao, bà không đến bệnh viện khám.

Bà Huệ với chiếc xe đạp cà tàng của mình
Bà Huệ với chiếc xe đạp cà tàng của mình

Một thời gian sau, bụng bà phình ra một cục, đau nhói, lúc đó bà mới được gia đình đưa tới bệnh viện: “Tới bệnh viện bác sĩ bảo tôi bị thoái hóa đường ruột, phải mổ. Nhưng nhà nghèo quá, tôi đành lấy miếng vải buộc lại cho bụng đỡ phình ra”. Bản thân mình mang bệnh không tiền chạy chữa, lại phải sống cảnh nhà trọ tạm bợ, nhưng bà vẫn cố dành dụm để đi giúp đỡ những hoàn cảnh mà bà cho là họ còn khó khăn hơn bản thân bà. Năm 21 tuổi, bà bắt đầu tham gia vào các hội chữ thập đỏ đi làm từ thiện: “Tôi đi nhiều nơi lắm, từ trại tâm thần, trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão… chỗ nào có người cần giúp đỡ là tôi có mặt”.

Đi nhiều nơi, giúp đỡ được nhiều người, bà lại cảm thấy vui như chính bản thân mình được người khác giúp đỡ. Trong mỗi chuyến đi như vậy, bà luôn chụp những tấm hình để kỷ niệm, những tấm hình đó giờ xếp thành đống và bà luôn cất giữ cẩn thận để mỗi khi có ai tới thăm, bà lại mang ra cho họ xem. Có lẽ tài sản quý giá nhất với bà lúc này là những tấm giấy khen mà các tổ chức từ thiện trao tặng.

Những tấm giấy khen vẫn được bà cất giữ trong khung kính, treo trang trọng trên bốn bức tường trong căn phòng trọ nhỏ. Bà nói: “Tiền bạc thì bà không có, mà được đồng nào thì bà tặng cho người ta. Đổi lại, họ thấy quý mến mình, họ tôn trọng nên tặng cho mình nhiều giấy khen. Đã là giấy khen được tặng, bà đều cất giữ cẩn thận, không làm hư hỏng để không phụ lòng của mọi người đã trao tình cảm cho mình”.

Có lẽ vì mê cái “nghiệp” này mà bà sống độc thân cho tới nay. Bà đùa với chúng tôi: “Có lẽ kiếp trước bà còn mắc nợ nhân gian quá nhiều, nên kiếp này, bà bị ông trời bắt phải làm việc thiện để trả nợ đời. Công việc như ngấm vào máu bà rồi, và cũng là động lực để bà sống đến bay giờ”. Như bà nói, công việc như ngấm vào máu bà rồi, nên dù năm nay tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để chạy đi khắp nơi làm từ thiện được nữa, bà vẫn có cách để làm thỏa mãn cơn “ghiền” của mình. Bà bắt đầu đi tìm cây thuốc nam để giúp người bệnh.

Ước mong hiến xác cho y học

Ở cái tuổi xế chiều, nhiều người vui vẻ bên con cháu thì bà lại thui thủi một thân một mình sống trong căn nhà trọ nhỏ. Đã 11 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà vẫn đạp xe khắp thành phố để tìm các loại cây thuốc nam như lưỡi đồng, chó đẻ, nhãn lồng… rồi mang lên chùa nhờ các nhà sư đưa tận tay cho bệnh nhân nghèo mà không bao giờ lấy tiền công.

Sáng sớm dậy đi bán vé số, tới chừng 11 giờ, bà Huệ trở về nhà trọ, ăn uống sơ sài rồi chuẩn bị đi tìm thuốc. Hành trang của bà chỉ là chiếc xe đạp cũ, mấy cái bọc để đựng thuốc và dây ràng. Hồi trước, bà chỉ đi gần chỗ bà sống như: Đường ray xe lửa, kênh Nhiêu Lộc… Cũng đã có một mớ thuốc rồi, nhưng nay bà phải đi xa hơn mới mong tìm được: “Giờ trong thành phố hiếm cây thuốc lắm, tui phải chạy qua bên quận 12, quận Thủ Đức mới tìm được”- bà Huệ chia sẻ.

Bà Huệ cất thuốc khô vào bao chuẩn bị đem cho chùa
Bà Huệ cất thuốc khô vào bao chuẩn bị đem cho chùa

Để hiểu rõ hơn về công việc của bà, chúng tôi quyết định theo bà đi hái thuốc. Giữa trưa, dưới cái nắng gắt của Sài Gòn, ra đường ai cũng phải mặc áo dài tay, bịt kín mặt . Riêng bà, với chiếc nón lá cũ kỹ, áo bà ba, cùng chiếc xe đạp cà tàng, bà vẫn cứ đạp xe ngược xuôi đi tìm thuốc. Vậy mà, công việc ấy bà đã làm 11 năm nay. Nhiều khi, bà Huệ thấy mấy chậu cây cảnh của người ta đặt trước nhà có thể làm thuốc, bà quên béng phải xin chủ nhà, cứ thế lại tỉa mấy cành.

Nhiều người thấy vậy, khó chịu và trách móc bà sao tự tiện lấy mà không xin. Về sau, biết được công việc của bà, nên họ cũng thoải mái cho bà hái, nhiều khi họ còn cho bà tiền bà ăn sáng. Bà Huệ đi hái thuốc tới chừng 2 giờ chiều thì về xắt thuốc đem phơi.

Bà Huệ phơi thuốc ở khắp nơi, chỗ nào có khoảng trống bà đều tận dụng để phơi thuốc. Riết rồi chủ trọ cũng phải cằn nhằn vì bà phơi thuốc đầy nhà, không có chỗ cho người khác làm việc. May sao, trước UBND P.7, Q.Phú Nhuận có vỉa hè khá rộng, bà xin được phơi thuốc ở đó.

Bà Phạm Thị Lan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 7, Q.Phú Nhuận cho biết: “Thấy bà Huệ ngày nào cũng lúi húi phơi thuốc ở trước sân của phường, nhiều hôm thấy bà phơi nhiều thuốc lắm, mình chỉ nhắc nhở bà đừng phơi lấn ra đường để người dân khỏi phàn nàn”.

Lúc đầu, hàng xóm thấy bà cứ lúi húi phơi thuốc ở trước sân ủy ban nên cũng thắc mắc, lâu dần người ta biết được công việc của bà, mỗi khi bà đi bán vé số mà ở nhà trời mưa gió là mỗi người một tay xúm lại hốt thuốc vào cho bà.

Vừa đi kiếm thuốc vừa đi bán vé số, ai cũng nghĩ bà tranh thủ đi bán vé số để dành tiền dưỡng già. Nhưng, bà đi bán để làm từ thiện, bán được bao nhiêu, bà đóng tiền nhà một ít còn lại mang đi cho người nghèo. Hôm chúng tôi tới thăm, bà đang ăn cơm trưa. Cơm bà xin ở trên chùa về, lúc nào ăn thì bà đem ra nấu lại rồi bỏ ít muối vào nữa cho dễ ăn. Thắc mắc thì bà chỉ cười rồi bảo: “Bà ăn như thế mấy năm nay quen rồi”.

Tuy không được học qua một khóa học nào về thuốc, nhưng bà vẫn nhận dạng và hiểu rõ tác dụng của chúng là nhờ việc bà hay lên chùa, thấy người dân ở dưới quê lên lễ chùa biếu thuốc nam, bà tò mò hỏi sư thầy về tên gọi các loại thuốc và cách phân biệt. Bà tâm niệm: “Người Việt Nam mình có nhiều cây thuốc nam, sao không biết tận dụng mà cứ phải đi uống thuốc tây, vừa tốn tiền bạc mà còn không tốt cho sức khỏe nữa”.

Mới đầu đi kiếm thuốc chưa quen, bà cứ cầm theo cây thuốc xin được ở chùa rồi cứ thế tìm tìm, kiếm kiếm trong các đám cỏ để tìm xem có cây nào giống không. Lâu dần, việc tìm cây thuốc cũng nhanh hơn vì bà đã biết phân biệt và nhận dạng hầu hết các loại. Hằng ngày, thấy bà đi tới đâu cũng moi moi vạch vạch các bụi cỏ, người dân sống xung quanh thấy làm lạ nên hỏi thăm.

Lâu dần, nhiều người thấy bà đi kiếm thuốc lại kêu bà cho mấy loại để chữa bệnh: “Có hôm, tui đang đi bên Bờ Kè, có mấy người đang ngồi nhậu kêu vào, bảo có thuốc trị tiểu đường không bán cho mấy chén. Tui vui vẻ đưa cho người ta, họ trả tiền nhưng tui không có lấy, giúp được ai là tui mừng lắm rồi”, bà tâm sự.

Bà Huệ hay lui tới chùa Linh Quang, Thái Bình (Q.11), Quan Âm tự (Q.Phú Nhuận), Hưng Quang tự (Q.12)… để đưa thuốc. Nhiều lần bà đưa thuốc tới mà họ không muốn nhận, vì thấy bà già cả mà ngày nào cũng đội nắng dầm mưa đi tìm cây thuốc thêm cực cho bà. Thế nhưng, bà chẳng nghe, bà bảo:“ Tôi còn sức thì tôi đi giúp nhà chùa cứu người, nhà chùa mà không lấy là tôi mang sang chùa khác”.

Trong một lần xem tivi, thấy người ta nói về chuyện hiến xác cho bệnh viện có thể phục vụ cho y học cứu người, bà tìm hiểu rồi đi đăng ký xin hiến xác. Ngày tới đăng ký hiến xác tại Bệnh viện Đại học y dược, bà xin mấy vị bác sĩ cho bà được hiến xác sống, nhưng mọi người không đồng ý.

Gặp chúng tôi, bà đem tờ giấy chứng nhận hiến xác của bệnh viện ra khoe: “Bệnh viện chấp nhận cho bà hiến xác, có mấy cái giấy đây nè con. Bà muốn hiến xác khi bà còn sống để có thể giúp người, nhưng các bác sĩ không cho nên bà đành chờ khi nào mất vậy. Bây giờ, còn sống được ngày nào, bà sẽ làm việc hết mình, khi nào không còn làm được nữa, nhắm mắt xuôi tay thì bà cũng không hối tiếc nữa vì bà đã hoàn thành được mọi tâm nguyện”.

Tuy nhiên, nhiều khi bà cũng thấy tủi thân, không có người thân bên cạnh, lại phải sống cảnh nhà trọ nay đây mai đó, nhiều lúc ốm đau đến mấy ngày sau người ta mới biết mà tới giúp. Ước mong lớn nhất của bà là có một căn nhà nho nhỏ để có chỗ đựng thuốc, không phải làm phiền tới mọi người: “Bà mong ai tặng bà căn nhà nhỏ để bà có chỗ sinh hoạt, có chỗ cất thuốc. Sau này bà chết, bà hiến cả xác cả nhà lại cho chính quyền”.

Theo Nguyễn Quang

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm