Chuyện người Lý Ninh bắt phi công Mỹ

(Dân trí) - Súng trường K44 đeo sau lưng, xoay người o Dự cúi xuống, một tay giữ chiếc dép cao su sắp tuột quai, một tay vòng ra sau gáy lần búi tóc mở chiếc kẹp sắt để xâu lại dép. Tầm mắt của o quét ngang qua bụi cây chạc chìu ở trên bờ đất cao phía Tây. Ánh mắt o Dự bị hút vào bụi cây khi các dây chạc chìu khẽ lay và phát ra vài tiếng động nhỏ...

Câu chuyện lịch sử bắt nguồn từ mảnh kim loại sau chuồng lợn

Thời kỳ 1970-1971, lớp mẫu giáo nơi tôi học gần nhà vợ chồng o (cô) Nguyễn Thị Loan, chú Trần Đình Vưng. Ra chơi, thấy nhà o chú có chiếc chuồng lợn phía sau chắn bằng một tấm kim loại màu ghi. Hai mặt tấm kim loại có các vết đạn súng bộ binh nhìn rất rõ. Đó là một phần cánh trước của chiếc máy bay F8D, bị bắn rơi ở phía Tây xã Lý Ninh, trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ trên miền Bắc. (Xã Lý Ninh thời chống Mỹ thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nằm ở phía Tây thị xã Đồng Hới).

Mãi đến những năm 1973-1974, khu vực chiếc F8D rơi vẫn còn vương vãi một số mảnh kim loại. Điều kiện chiến tranh, không ai nghĩ tới chuyện bảo quản chúng làm gì. Người dân hồi đó thấy lấy được cái gì thì lấy.

Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ diễn ra lúc tôi còn rất nhỏ. Mới học mẫu giáo tôi đã nghe kể về việc dân quân xã Lý Ninh, chú Phưởng bắt phi công Mỹ Shumaker.

Lâm trọng bệnh, chú Vưng mất cuối năm 2016. Chiều 28 Tết Đinh Dậu, tôi đến thắp nhang cho chú. Hai o cháu nói chuyện khá lâu và thật không ngờ, việc tôi nhắc đến tấm kim loại ở chuồng lợn năm xưa lại mở đầu cho câu chuyện về một sự kiện diễn ra trên đất Lý Ninh cách đây gần 52 năm.


Những ống kim loại được lấy từ máy bay Mỹ mà o Loan còn giữ đến ngày nay.

Những ống kim loại được lấy từ máy bay Mỹ mà o Loan còn giữ đến ngày nay.

O Loan vừa chỉ các kỷ vật cho tôi xem vừa kể: “Đây cháu, o chỉ giữ lại mấy ống kim loại này làm kỷ niệm, còn mảng cánh đó mấy đứa con o đã bán đồng nát rồi!”…

Câu chuyện của o Loan thôi thúc tôi tìm đến các bác Phạm Văn Hỷ, Phạm Công Cờn (nguyên là cán bộ lãnh đạo xã Lý Ninh) và gặp vợ chồng bác Ngô Đình Lỗng, Phạm Thị Ngà, bác Mai Văn Tịch, cô Nguyễn Thị Dự, chú Phạm Văn Hặc… là những dân quân đã trực tiếp tham gia truy tìm, bắt phi công Mỹ.

Nữ dân quân phát hiện phi công Mỹ khi đang xỏ quai dép

Dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 4/8/1964, lấy cớ Mỹ đưa hải quân, không quân đánh phá Miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Thuộc vùng “cán xoong”, nên thị xã Đồng Hới và các địa phương trong tỉnh bị đánh phá hết sức ác liệt.

Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ (1965), không quân, hải quân Mỹ và không quân Việt Nam cộng hòa tăng dần cường độ đánh phá. Quân và dân Quảng Bình đã khẩn trương chuẩn bị và đường đầu với chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Dân quân được huấn luyện quân sự, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản và cả được dạy một số câu tiếng Anh để xử lý khi cần thiết.

Khoảng 8h30 sáng ngày 11/2/1965, một lực lượng lớn dân quân xã Lý Ninh dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng Trần Đình Vưng đang khẩn trương thi công tuyến kênh cấp I lấy nước từ hồ thủy lợi Khe Đuyên. Lúc này chiếc máy bay F8D từ Biển Đông bay thấp qua khu vực cầu Chánh Hòa đến phía Tây xã Lý Ninh, gần khu vực đóng quân của Sư đoàn 325 thì bị trúng đạn pháo cao xạ 37 mm, bốc cháy, đâm xuống sườn Đông Dốc Trung.

Máy bay nổ tung, các mảnh vỡ nằm rải rác trên một vùng rộng khoảng 0,5 hecta. Một tuần sau khói từ xác chiếc máy bay vẫn bốc lên khét lẹt.

Chiếc dù trắng của phi công kịp bung ra khi chỉ còn cách mặt đất khoảng 10 mét. Dân quân đang thi công tuyến kênh nhanh chóng tỏa ra lùng sục, truy tìm phi công Mỹ.

Nghe loa truyền thanh huy động dân quân bắt giặc lái, trung đội dân quân trực chiến khu vực đội sản xuất số 1, số 2 và số 3 của hợp tác xã Nam Lý nhanh chóng tập trung, vận động qua đồng Cộc Dài, băng đồi Mỹ Cương lên khu vực Bàu Rèng, Bàu Sại phối hợp với lực lượng dân quân đào mương tìm bắt phi công Mỹ.

Nhân dân ở các xóm Mân, xóm Rú, xóm Giáp, xóm Làng cũng nhanh chóng phối hợp truy tìm phi công. Nhiều nhóm dân quân tập trung tìm kiếm ở các khu vực có nhiều bụi rậm.

Nhưng nơi phi công Mỹ ẩn nấp lại ít ai ngờ tới. Khu vực này chỉ cách bờ Tây của Bàu Sại khoảng 70-80 mét, tương đối bằng phẳng, máy bay trực thăng có thể đáp xuống để cứu phi công.


O Dự thời bắt phi công Shumaker.

O Dự thời bắt phi công Shumaker.


O Nguyễn Thị Dự kể lại câu chuyện bắt phi công Mỹ.

O Nguyễn Thị Dự kể lại câu chuyện bắt phi công Mỹ.

Thông thạo địa hình, nhóm dân quân gồm các o, chú Nguyễn Thị Dự, Hoàng Văn Phưởng, Phạm Văn Chắt, Phạm Văn Hặc… tập trung lùng sục khu vực này. Họ thận trọng di chuyển, quan sát xung quanh vừa dùng gậy khua mạnh vào các bụi cây vừa hô to.

Súng trường K44 đeo sau lưng, xoay người o Dự cúi xuống, một tay giữ chiếc dép cao su sắp tuột quai, một tay vòng ra sau gáy lần búi tóc mở chiếc kẹp sắt để xâu lại dép. Tầm mắt của o quét ngang qua bụi cây chạc chìu ở trên bờ đất cao phía Tây. Ánh mắt o Dự bị hút vào bụi cây khi các dây chạc chìu khẽ lay và phát ra vài tiếng động nhỏ.

O Dự từ từ đứng thẳng người, đưa súng ra cầm tay, nhẹ nhàng đi vòng về bên phải, di chuyển lên phía trên bụi cây quan sát. Cái đầu húi cua của phi công Mỹ đang ép sát mặt đất. Chĩa súng vào phi công Mỹ, o Dự kêu to “Đây rồi, Phưởng ơi!”.

Lập tức các chú chạy tới, đồng thanh hô "stand up". Shumaker chui ra khỏi bụi cây, từ từ giơ hai tay lên.


Áp giải phi công Mỹ Shumaker. (Ảnh tư liệu)

Áp giải phi công Mỹ Shumaker. (Ảnh tư liệu)

Shumaker không mang súng, chỉ có một ít đồ dùng cá nhân trong các túi của bộ đồ bay. Sau đó, phi công Mỹ được dân quân xã Lý Ninh bàn giao lại cho một đơn vị bộ đội và được áp giải về về thôn Đức Trường (phường Đức Ninh Đông hiện nay), được giữ lại ở đây một đêm.

Hôm sau, Shumaker được đưa về thị xã Đồng Hới để thẩm vấn. Trước khi được đưa ra Hà Nội, Shumaker được giữ ở chiếc lô cốt vuông, do người Pháp xây dựng trước 1954 ở khu vực phía Tây ga Đồng Hới hiện nay.

Chỉ hai ngày sau khi bắt phi công Mỹ, o Dự lúc đó là thủ quỹ của hợp tác xã Nam Lý được cử đi phục vụ công tác quốc phòng tại khu vực Ba Rền.

Bức ảnh áp giải Shumaker hiện được Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng quân sự Việt Nam trưng bày và được nhiều trang mạng đăng tải.

Hai người trong số những dân quân đầu tiên bắt giữ Shumaker không còn nữa. Chú Hoàng Văn Phưởng và chú Phạm Văn Chắt đã hy sinh ở chiến trường Miền Nam.


Huân chương Chiến công hạng Ba của chú Vưng.

Huân chương Chiến công hạng Ba của chú Vưng.

Với thành tích bắt phi công Mỹ ngày 11/2/1965, chú Trần Đình Vưng được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, chú Hoàng Văn Phưởng được Chủ tịch nước tặng Bằng khen.

Với thành tích lãnh đạo quân, dân xã Lý Ninh chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong tháng 2 và 3/1965, bác Phạm Văn Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Lý Ninh, được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất vào hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã huy động nhiều quân nhân ưu tú vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.

Lúc bị bắt, mới 32 tuổi, Shumaker đã là thiếu tá phi công Hải quân, có bằng Thạc sỹ về động lực hàng không, có hàng ngàn giờ bay và được tuyển dụng, huấn luyện để tham gia Chương trình vũ trụ Apolo chinh phục Mặt Trăng của Mỹ.

Shumaker là phi công thứ hai của Mỹ bị bắt trên miền Bắc. Trước đó mấy ngày Everett Alvarez bị quân dân tỉnh Quảng Ninh bắt khi nhảy dù trên Vịnh Hạ Long.

Máy bay F8D do Shumaker điều khiển xuất phát từ tàu sân bay Coral Sea ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, đang bay thực hiện nhiệm vụ trinh sát thì bị bắn rơi.

Lưng Shumaker tiếp đất mạnh khi nhảy dù, mặc dù đã được chữa trị nhưng sau này vẫn để lại di chứng. Sau Hiệp định Paris, Shumaker được trao trả.

Câu chuyện trên chỉ là một sự kiện trong nhiều sự kiện của người Lý Ninh một thời “tay cày, tay súng”. Họ đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng!

Nguyễn Lương Cương