Nghệ An:
Chuyện một tổ ấm nhân đạo lưu giữ di cốt người cựu binh Mỹ
(Dân trí) - Thập kỉ 90 thế kỷ trước, chuyện về một thanh niên hơn 30 tuổi tốt nghiệp trường nghệ thuật, tình nguyện lên miền núi nhận chăm sóc dạy nghề cho trẻ mô côi, tàn tật đã làm xôn xao thành phố Vinh lúc bấy giờ.
Ngần ấy năm làm việc đạo nghĩa, là chừng ấy thời gian ông quên hết thú vui ở đời. Từ hai bàn tay trắng, Lê Trung Thực đã biến cơ ngơi của mình trở thành tổ ấm, bao bọc biết bao số phận, mảnh đời… Địa chỉ đỏ, đó là Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An
Người lắng nghe trẻ em khóc, trẻ em cười...
Có lẽ, tình thương với con người đã thôi thúc chàng trai 30 ôm nhiệt huyết để hăm hở với cuộc đời, rẽ sang một bước ngoặt mới không chút đắn đo, quyết trọn đời với tấm lòng thiện nguyện. Buổi đầu dựng trung tâm (TT), dựng lớp, 20 thầy trò bữa đói bữa no trong căn nhà trọ chật chội.
Nhìn 20 em có nghề mà chưa có việc làm, Lê Trung Thực chạy ngược, chạy xuôi gõ cửa nhiều cơ quan tìm việc làm cho các cháu. Nhiều lúc thiếu tiền, ông phải về quê vay mượn hoặc nhờ vả gia đình, bạn bè để kịp thời nuôi các cháu và duy trì mọi hoạt động của trung tâm.
Mẹ Thực sống ở TP Việt Trì, nhiều lần vào thăm con trai, khuyên con trở về lấy vợ đều không thành. Nhưng nghe những câu chuyện thiện nguyện của con trai đang ngày đêm dốc sức, dốc lòng làm, bà rất đỗi tự hào. Đám đất bố mẹ dành cho Thực lập gia đình riêng, ông vẫn chưa sử dụng, mà có ý định sẽ hiến tặng cho tổ chức từ thiện nào đó hoặc bán đi để duy trì hoạt động của trung tâm khi cần…
Nhìn cơ ngơi của Trung tâm, ít ai có thể hiểu, để có được ngày hôm nay, ông Thực và những thầy cô giáo đã phải vất vả, hi sinh đến thế nào. Đã có lúc, ông phải bán toàn bộ máy khâu, ti vi và những vật dụng có giá trị để mua lại xưởng gốm gần 30.000m2 ở huyện Đô Lương làm nơi đi, chốn về cho những phận đời mỏng không nơi nương tựa.
Hình ảnh những đứa trẻ nhếch nhác theo mẹ cha ra đồng, không biết tới con chữ cứ thôi thúc ông, theo cả vào bữa ăn, giấc ngủ. Từ năm 1998 đến nay, có hơn 100 em lang thang, cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi tại các bệnh viện ở các vùng miền được nhận về TT nay đều khai sinh mang họ Lê của giám đốc.
Các cháu hầu hết đều mồ côi, tật nguyền, không nơi nương tựa, được chung sống dưới một mái nhà, tuy không phải ruột thịt nhưng chan chứa yêu thương. Năm 2000, ông dành dụm hơn 40 triệu đồng để xây nhà trẻ cho các cháu học của xã Lưu Sơn (huyện Đô Lương). Nhiều cháu đã trưởng thành, được học hành, có công ăn việc làm ổn định, có cháu tự lập được sự nghiệp riêng, tự làm ông chủ.
Cháu Cường, 18 tuổi bị tật nguyền do di chứng của chất độc da cam, bại liệt, được đưa về Trung tâm nuôi ăn học miễn phí, tự vượt lên chính mình, luyện tập và có nghề nghiệp. Nhắc về người cha chung của căn nhà tình thương, em nghèn nghẹn: “Bố Thực là người đã sinh ra Cường lần thứ hai giữa cuộc đời nhiều đắng cay này… ”.
Năm 2005, cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm Trung tâm, sau khi chứng kiến những việc làm có ý nghĩa đó, cựu Tổng Bí thư có ý kiến với tỉnh Nghệ An tạo mọi điều kiện đưa đơn vị đặc thù này vào công lập để thầy cô và các cháu có điều kiện ăn học tốt hơn. Đến nay, Trung tâm có 59 CBCNV nhưng chỉ có 22 người hưởng lương Nhà nước, số còn lại Trung tâm tự trả lương để chăm sóc 78 cháu.
Cựu chiến binh Mỹ ông Joel Peter Scotti (bang Oregon, Hoa Kỳ) từng sang tham chiến ở Việt Nam có mặt tại Trung tâm nhân đạo Đô Lương. Sau khi ông mất, theo nguyện vọng, tro cốt của ông được đưa trở lại Trung tâm này yên nghỉ.
Ngoài ra, Trung tâm còn đề xuất tỉnh Nghệ An nhận 24 cháu có hoàn cảnh đặc biệt tại bản Xốp Mạt - một bản nghèo của huyện nghèo Tương Dương về chăm sóc nuôi dưỡng. Chúng tôi đã gặp giám đốc Thực khi biết anh đề xuất với tỉnh nhận các cháu về chăm sóc. Những khó khăn như một hòn núi phía trước mặt, ông Thực kể lại: “Các cháu đói khổ quá mình làm nhân đạo không nỡ nhìn thấy, mà bỏ qua". Không giải thích thêm, ông Thực để lại chúng tôi ở văn phòng, xuống chơi với các "con".
Trung tâm đang đứng trước một thực tế đầy khó khăn của cơ chế thị trường, những ngành nghề lâu nay mở ra, mức thu nhập đang bị teo tóp. 2/3 cán bộ không có lương đang đòi hỏi Giám đốc phải lo toan, bươn chải để kiếm thêm thu nhập. Thực tế còn nhiều trẻ đau ốm, phải nằm điều trị dài ngày ở các bệnh viện tỉnh và Trung ương như cháu Hà, Việt...
Riêng cháu Hà phải thay máu tại bệnh viên Nhi Trung ương, kinh phí không thể tính bằng tiền…
Nơi ký gửi linh hồn của người lính Mỹ
Tháng 5/2011, một nhóm cựu chiến binh Mỹ từ tổ chức “Đông Tây hội ngộ” đến thắp hương nghĩa trang liệt sĩ Truông Bồn đã biết đến Trung tâm nhân đạo tại Nghệ An đang cưu mang những đứa trẻ không nơi nương tựa, trẻ nhiễm chất độc da cam, sản phẩm gây chết người suốt mấy thế hệ mà người Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam.Tìm đến Trung tâm, họ mới thấu hiểu sự đắng cay, khổ đau của những người đang trực tiếp mang trong mình bệnh tật, để rồi thật tâm sám hối trước tội lỗi mà mình góp phần gây ra cho người Việt suốt mấy chục năm qua. Trong đoàn cựu chiến binh Mỹ có vợ chồng ông Joel Peter Scotti (bang Oregon, Hoa Kỳ). Ông Scotti từng tham chiến ở Việt Nam.
Hai lần đến Việt Nam, tâm hồn người cựu chiến binh Mỹ bị những hình ảnh tang thương của quá khứ hiện về, như mũi dao đâm vào tận tim gan, nhói buốt. Ông đã đưa cả vợ con sang lao động và sinh hoạt cùng thầy cô giáo và học trò ở Trung tâm, nghe những bài hát dân ca Nghệ Tĩnh, để rồi yêu Việt nam như đất nước mình và mong được ở lại đất nước có có 4 mùa hoa thơm và quả ngọt, con người cởi mở ân tình.
Tuy nhiên, khi những ước mơ đang dang dở, thì một cơn bạo bệnh đã cướp mạng sống của Joel. Đúng tâm nguyện của Joel, ông CharlesLawrence Kkaton, theo đề nghị Chủ tịch Hội cựu chiến binh Bang Oregon, Tổng lãnh sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Thanh Sơn - tại Francisco - Hoa Kỳ đã cấp phép cho nhập cảnh di hài (lọ tro) ông Joel.
Ngày 28/4/2006, những người bạn ông đã vượt đại dương, đưa ông về Trung tâm yên nghỉ. Đi cùng hài cốt ông Joel còn có lọ tro của cô gái Mê-gân, một cô gái sinh ra ở nước Mỹ, chưa bao giờ đến Việt Nam, nhưng qua lời kể của bố và những người cựu chiến binh Mỹ, cô đã thầm yêu nơi này và mong được kí gửi linh hồn tại Trung tâm. Vượt đại dương xa xôi, hàng ngàn lá thư của những người bạn Mỹ bày tỏ tình cảm và sự sám hối, ân hận về cuộc chiến tranh tàn khốc gửi tới trung tâm.
Chúng tôi từng lặng người trước những bức thư được viết bằng cả tấm lòng và tâm hồn của những người yêu chuộng hòa bình, như thư chủ tịch CCB Bang Oregon gửi ông Thực: Ngày 30/5/2001: "Vinh dự được gặp ông và các cháu ở Trung tâm này. Trái tim tôi ngập tràn những hồi tưởng vui sướng mới mẻ về người dân Việt Nam. Mong sao tất cả người dân Mỹ đến để biết về nhân dân Việt Nam như tôi, để biết hòa bình và tình yêu trong trái tim họ…”.
Babana, một bà mẹ Mỹ đến thăm Trung tâm nhân đạo Đô Lương ngày 16/4/2002 có cảm nghĩ ghi lại: “Chuyến đi đã cho tôi rất nhiều hiểu biết và niềm vui. Tôi sẽ nhớ mãi Việt Nam, đặc biệt là nhớ những người ở Trung tâm nhân đạo này. Tôi hy vọng sẽ trở lại đây vào năm tới, để cùng các bạn một lần nữa, thăm những phòng học mới hoàn thành. Với tất cả tình yêu, sự biết ơn từ một người mẹ Mỹ”.
Cô giáo Kiều Thị Kim Quý, giáo viên Trường nghệ thuật nơi ông Thực theo học 3 năm trước kia, khi gặp lại ngỡ ngàng trước những việc học sinh mình làm được. Cô viết: “Cảm ơn cuộc đời đã tạo ra những con người đầy lòng nhân ái như em. Chẳng biết trong những viên gạch xây nên có phần nào của mái trường cũ?... Nhưng dù sao - Tôi, người từng là cô giáo của em, nói về tình người ngày ấy, hôm nay vẫn rất tự hào về em, mong sự nghiệp nhân đạo của em ngày một thành công”.
Trung tâm không chỉ là chốn đi về của những cảnh đời bất hạnh, nay còn là nơi “kí gửi” linh hồn, an tịnh khi trở về thế giới bên kia của những con người yêu Việt Nam, yêu chuộng hòa bình.
Nguyễn Duy - Thủy Lập