1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện một người Nguồn “vác tù và hàng tổng”

(Dân trí) - Ở cái tuổi 72, ông Đinh Thanh Dự vẫn chưa thôi cuộc kiếm tìm và đấu tranh với khát khao một ngày cộng đồng bốn vạn người Nguồn ở huyện nghèo Minh Hóa (Quảng Bình) được xướng tên trong danh mục các dân tộc Việt Nam.

Ông “chết cha tho rọi”*

Không phải một ông già lẩm cẩm, không phải một kẻ bất mãn vì tài cao phận thấp, ông Đinh Thanh Dự ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn giữ được sự minh mẫn, sắc sảo và điềm mặc. Một ông già, bên một chồng sách và một căn nhà gỗ ọp ẹp, khung cảnh rất hợp cho cái triết lý của ông: “Hoài cổ, khổ cả đời”.

Là lớp trí thức đầu tiên của cái huyện nghèo nhất nước này, đời Dự - như cách ngắn gọn mà ông tự gọi mình - đã đi qua nhiều nhánh rẽ, và có lẽ ông đã chọn cho mình nhánh rẽ gian nan. Tốt nghiệp cử nhân văn khoa từ năm 1970, ông theo nghiệp dạy học được ba năm trước khi phiên ngang sang Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuyên Hóa, rồi lên Phó Ban Thường trực, Giám đốc trường Đảng Tuyên Hóa.

Chuyện một người Nguồn “vác tù và hàng tổng” - 1

Gia sản của ông Đinh Thanh Dự là gần 10 giải thưởng và 30 đầu sách, bản thảo
về văn hóa người Nguồn và các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình.

Cái nghiệp viết đến với ông, và cũng là cái nghiệp đưa cuộc đời ông tiếp tục rẽ ngang chính là khi ông cầm bút viết những bài báo chống tiêu cực. Mở đầu với bài báo “Nói đúng nhưng chưa được làm rõ” viết về những chuyện nhập nhèm của ba đơn vị lớn trên địa bàn huyện, cái bút danh Thanh Tâm và Dương Công Minh nhanh chóng được bạn đọc báo Bình Trị Thiên biết đến, và cũng là nỗi ám ảnh của những người trót “nhúng chàm” ở huyện. Những bài báo liên tục được đăng, với cách đặt vấn đề thẳng thắn, đanh thép.

Huyện nhiều lần họp, và lần nào Dự cũng “được” nghi ngờ chính là người “vén áo cho người xem lưng”. Viết được hai năm, Dự không còn tên trong Ban chấp hành Huyện ủy, trở về làm chuyên viên quèn. Cũng thời gian đó, huyện Tuyên Hóa chia thành Tuyên Hóa và Minh Hóa, nhưng những bài báo chống tiêu cực năm cũ lại trở thành cản lực khiến Dự không được đoái hoài trong thành phần cốt cán huyện Minh Hóa, dù sau đó rất nhiều học trò của Dự được đề bạt lên huyện, lên tỉnh. Thậm chí, đã có lúc người ta muốn ép Dự về hưu non, nhưng ông không chịu và xin làm tạp vụ, văn thư với điều kiện không bị… trừ lương.

Trong bốn năm cuối trước khi về hưu, Dự tiếp tục cầm bút chống tiêu cực với bút danh Đinh Thanh Dự, với nhiều bài báo có thể được coi là “quả bom tấn” ở huyện nghèo này. Ngoài những bài điều tra, Dự với bút danh Thiếu Lâm Gia còn có những bài châm biếm sâu cay mà trong đó đến nay ông vẫn còn tâm đắc với bài báo “Chết cha tho rọi” (nói theo tiếng Nguồn có nghĩa là “Chết cha tôi rồi”).

Bài báo viết về một cán bộ cấp huyện, ngủ với vợ người bị bắt được dọa chém bèn buột miệng kêu một tiếng “chết cha tho rọi!”. Báo về, cả huyện xôn xao bàn tán. Cán bộ nọ cầm tờ báo đọc, hết bài thấy cái bút danh Thiếu Lâm Gia bèn buột miệng kêu lên một tiếng “Chết cha tho rọi!”. Cũng từ đó, Dự được nhiều người gọi vui là ông “chết cha tho rọi”.

Nhịn bụng điền dã và viết sách

Dự là người Nguồn. Từ bé, Dự được mẹ ru bằng bài “Hò thuốc cá”, được nghe cha kể những câu chuyện cổ tích về “Ông Đùng và thằng Sắt”, “Sự tích thác Pụt”, được đi trẩy hội rằm tháng ba, được dự lễ dâng cơm “giỗ sống” cha mẹ… Dự tin rằng người Nguồn có một kho tàng văn hóa riêng biệt, không thể là một bộ phận của dân tộc Thổ, Mường hay Kinh mà một số nguồn tài liệu vẫn khẳng định.

Chuyện một người Nguồn “vác tù và hàng tổng” - 2

Cụ ông, cụ bà người Nguồn quây quần bên mâm lễ “giỗ sống”
mà con cháu dâng vào ngày cuối năm.

Khi còn công tác, Dự đã nhiều lần đi điền dã, cùng ăn ở với người Nguồn ở khắp huyện Minh Hóa và cẩn thận ghi chép lại những câu chuyện cổ, những bài đồng dao, ca dao, tục ngữ và tập quán sinh hoạt, chữa bệnh của người dân Nguồn. Cuối thập niên 1980, Dự bắt đầu viết về văn hóa Nguồn. Từ khi Quảng Bình tái lập năm 1989, những bài báo của Dự xuất hiện đều đặn trên báo Quảng Bình bên cạnh với những bài chống tiêu cực.

Về hưu với đôi chân còn cứng và bầu nhiệt huyết còn nóng hổi, Dự tiếp tục những chuyến điền dã hàng tháng trời tới hầu tất mọi ngõ ngách của người Nguồn và các dân tộc Mày, Khùa, Rục, Ma Coong… từ dãy Giăng Màn ở miền biên viễn Cha Lo đến đèo Đá Đẽo. Trong hàng trăm chuyến điền dã đó, ông đã tỉ mẩn ghi chép lại từng lời kể của các cao niên, quan sát từng chi tiết căn nhà, bữa ăn, tập tục sinh hoạt, ma chay, cưới hỏi… để dần hệ thống hóa thành kho tàng văn hóa dân gian sinh động của người Nguồn.

Chuyện một người Nguồn “vác tù và hàng tổng” - 3

Cộng đồng người Nguồn ở Minh Hóa vẫn giữ gìn nhiều nét văn hóa riêng biệt,
trong đó có lễ cúng "Pụt" tại thác Pụt.

Sau gần 30 năm dày công điền dã bằng đồng lương hưu eo hẹp của mình và những mùa lúa, ngô tần tảo của vợ, Dự đã viết hơn 30 tập sách và bản thảo với hơn 100.000 trang. Đó là chưa kể hàng trăm bài viết cho các tạp chí văn hóa và những tài liệu quý mà ông cung cấp, gợi ý cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sinh viên…

Có thể nói không ngoa rằng với những bước chân không mỏi trong gần 30 năm, Dự đã trở thành một pho sử sống của người Nguồn. Không ai tìm hiểu về văn hóa Nguồn và các dân tộc ít người ở Minh Hóa mà không tìm đến ông “cứ nhân quèn” này, dù họ là tiến sỹ, nghiên cứu sinh hay sinh viên, nhà báo. Nhận được chín giải thưởng của Hội Văn học dân gian Việt Nam, có gần 10 đầu sách xuất bản, song rất nhiều bản thảo quý giá của Dự vẫn chưa thể in. Lý do rất đơn giản: thiếu tiền!. “Tiền in, tiền trình bày, tiền dựng bìa, tiền biên tập… đủ thứ tiền đều từ đồng lương hưu mà ra cả. Bao nhiêu lương tháng đều đổ vào sách, chỉ có tác giả là nhịn đói thôi”, Dự đùa, một kiểu đùa như thật.

Trăn trở với người Nguồn

Gần 30 năm điền dã, nghiên cứu và viết lách, Dự nhận ra rằng nếu không có phương pháp luận biện chứng khoa học về dân tộc học thì rất khó để chứng minh cho các nhà dân tộc học, các nhà quản lý về tộc danh đích thực của người Nguồn. Nghĩ là làm, Dự tiếp tục sưu tầm nhiều sách, cứ liệu về dân tộc học của người Nguồn, trao đổi với nhiều nhà khoa học, “kêu” đến nhà quản lý từ trung ương đến tỉnh về việc công nhận người Nguồn trong danh mục các dân tộc Việt Nam.

Hàng chục công trình, hàng trăm đơn kiến nghị và bài báo của Dự cùng với nhiều nhà khoa học đã mở đường cho buổi hội thảo xác định tộc danh người Nguồn năm 2004 tại Quảng Bình. Tiếc là hội thảo đã không có cái kết mong muốn: sau nhiều tham luận trái chiều về nguồn gốc người Nguồn, hội thảo thống nhất sẽ báo cáo lên trung ương và nghiên cứu tiếp. Một tháng sau, huyện Minh Hóa tổ chức một chuyến điền dã tìm hiểu văn hóa người Thổ ở Nghệ An, nhưng đoàn chỉ “xem hoa” ở hai gia đình người Thổ trong… một buổi và ngay sau đó HĐND huyện đã ra Nghị quyết khẳng định người Nguồn chính là một bộ phận của người Thổ!. Thậm chí, một lãnh đạo huyện còn hồ hởi lên báo nói rằng “người Nguồn đã tìm được nguồn”. Duy có Dự kịch liệt phản đối.

“Rừng” tờ trình lại được Dự tiếp tục gửi đến các cơ quan chức năng và các viện nghiên cứu suốt 6 năm ròng rã, kèm theo hàng loạt công trình của ông và các nhà khoa học nghiên cứu về người Nguồn. Cuộc kiếm tìm và đấu tranh của Dự vẫn tiếp tục, các công trình và giải thưởng vẫn tiếp tục dày lên tỷ lệ nghịch với số tiền lương còi cọc của ông. Có người thấy tội nghiệp mà khuyên Dự rằng “Nguồn cũng được, mà Thổ thì đã sao” hoặc “Hay là cứ để người Kinh đi” nhưng Dự dứt khoát không chịu, ông muốn “nó là nó”. Cứ mỗi lần có bài viết hay cuốn sách nào có chi tiết chưa chính xác về người Nguồn, Dự lại loay hoay viết bài phản biện, như sợ rằng thêm một lần xã hội sẽ nhận thức sai về người Nguồn.

Đến nay, đề án “Điều tra, nghiên cứu xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc thiểu số và xây dựng bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam” đã được Ủy ban Dân tộc triển khai, trong đó có nhắc tới người Nguồn. Dù kết quả điều tra có thế nào đi nữa, cộng đồng bốn vạn người Nguồn ở Minh Hóa vẫn nhớ ơn Dự, người vác tù và hàng tổng đã nhắc họ nhớ về cội nguồn bằng những công trình nghiên cứu văn hóa quý báu và cuộc đấu tranh không mệt mỏi của mình.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm