1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện lão ngư kiêu hãnh cùng đội tàu cá hùng mạnh đất võ

(Dân trí) - Ông chủ của đội tàu hùng mạnh Bùi Thanh Ninh (57 tuổi, thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) có lẽ là lão ngư đầu tiên của tỉnh Bình Định được Chủ tịch nước đích thân ghé nhà thăm. Ông là đại diện nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bình Định năm 2014 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn và vinh danh tại Hà Nội.

Tỷ phú làng chài

Sinh ra ở làng chài nghèo Tam Quan Bắc, thuở nhỏ ông đã theo cha lên ghe nhỏ ra khơi kiếm sống. Lớn lên, ông nhập ngũ tham gia quân đội. Hết nghĩa vụ, ông về quê với hai bàn tay trắng, chiếc ba lô cũ và bộ áo lính sờn vai. Dù bao năm ở chiến trường vững tay súng, nhưng khi trở về ông vẫn không quên vị của biển, ông tiếp tục theo bạn lên những chuyến tàu ra khơi để nuôi gia đình. Lúc bấy giờ, hầu hết tàu cá của bà con ngư dân công suất nhỏ chỉ đánh bắt ven bờ. Cá tôm ngày một ít, số tiền kiếm được không đủ để lo cho gia đình, vợ con. Cái khó ló cái khôn, những chuyến biển khi tàu cập bờ bán cá, ông dò hỏi thương lái xem thị trường tiêu thụ cá. Biết ngoài Bắc đang thịnh hành sản phẩm cá chuồn khô nên ông quyết định bỏ nghề đánh bắt chuyển sang đi buôn. “Ý định là vậy, nhưng khổ nỗi trong túi chẳng có một cắc lấy gì mà bán với buôn”, ông Ninh thở dài kể lại.

Từ hai bàn tay trắng, ông Ninh trở thành tỷ phú làng chài.

Từ hai bàn tay trắng, ông Ninh trở thành tỷ phú làng chài.

Quyết là phải làm cho được, ông vay mượn được 5 triệu đồng làm vốn đi buôn. Và cuộc đời ông Ninh bước sang một trang mới cũng từ đó. Bao năm bôn ba với những chuyến buôn dài ngày ra Bắc, từ bán cá khô rồi chuyển sang hàng đông lạnh. Nhờ trời thương, công việc buôn bán có lãi nên ông cũng dành dụm được ít vốn. Có vốn, ông lại khao khát có một con tàu lớn vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường tổ tiên để lại. Năm 1994, ông mạnh dạn vay 200 triệu đồng ngân hàng đóng chiếc tàu đầu tiên, công suất 30 CV. Để vừa tiết kiệm, vừa muốn có chiếc tàu theo ý muốn của riêng mình, ông Ninh đi mua gỗ, tự vẽ thiết kế rồi thuê thợ đóng. Chiếc tàu đầu tiên hạ thủy vươn khơi với những chuyến biển cá mực đầy khoang. Từ đó, việc làm ăn của ông lên như diều gặp gió, chẳng bao lâu ông trả nợ được ngân hàng, có thêm thu nhập cho gia đình. Có vốn, ông tiếp tục đóng thêm nhiều chiếc tàu mới. Cái tên Sáu Ninh đóng tàu nổi lên từ đó, trở thành địa chỉ tin cậy của ngư dân trong ngoài tỉnh tìm về nhờ ông đóng tàu.

Việc đóng tàu lại mở ra một hướng làm ăn mới, một số người đặt vấn đề làm ăn chung với ông. Ông như mở cờ trong lòng, với tham vọng thành lập một đội tàu hùng mạnh trên biển giúp ngư dân đánh bắt có hiệu quả, tương trợ lẫn nhau khi rủi ro trên biển. Từ nguồn vốn ít ỏi của “cổ đông” hùn, ông Ninh đứng ra vay ngân hàng để phát triển đội tàu. Từ tổ đội đầu tiên chỉ 3 chiếc, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nay đội tàu của ông Ninh đã lên 16 chiếc, với tổng công suất trên 6.000 CV, tung hoành trên Biển Đông.

Từ 2 bàn tay trắng, ông Ninh trở thành tỷ phú ở làng chài Tam Quan Bắc với thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Ngôi nhà 2 tầng đồ sộ ngay bên xưởng đóng tàu của gia đình góp vốn, 2 chiếc xe hơi… là minh chứng cho thành công của lão ngư Sáu Ninh, cái tên thân mật mà người dân ở đây gọi ông. Dù cơ ngơi lớn, việc làm ăn đang trên đà phát triển nhưng 3 người con của ông lại tìm cách thành công ở các lĩnh vực khác mà không nối nghiệp cha. Hiện người con đầu là thạc sỹ, trưởng phòng tổ chức của Trường ĐH Quang Trung, một là nhân viên Ngân hàng BIDV Chi nhánh huyện Hoài Nhơn, cậu út đã tốt nghiệp Học viện Hành chính TP.HCM, đang học lên cao học.

Vợ chồng ông Ninh vui mừng khi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới tận nhà thăm.

Vợ chồng ông Ninh vui mừng khi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới tận nhà thăm.

Kiêu hãnh bám biển làm giàu

Sở hữu đội tàu 16 chiếu, tổng công suất trên 6.000 CV với trên 180 lao động chuyên nghề lưới rút chì, sản phẩm đánh bắt chính là cá ngừ sọc dưa. Mỗi năm, tổng sản lượng đánh bắt bình quân trên 1 nghìn tấn hải sản. Sau khi trừ chi phí và trả công cho thuyền viên, ông còn thu về 500 triệu đồng mỗi năm. Cái tên Sáu Ninh là điểm tựa lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Hầu hết, thành viên tham gia tổ đội khai thác cá theo chuỗi của ông Ninh đều có thu nhập cao, ổn định. Để có thành công như hôm nay, ông Ninh luôn đặt lợi ích của thuyền viên lên hàng đầu. Nhiều thành viên tham gia tổ đội không hề có vốn, ông Ninh đứng ra vay ngân hàng cho họ góp “cổ phần”. Sau khi tàu hoạt động, lợi nhuận mỗi chuyến biển sẽ trừ dần vào vốn và trả lãi suất cho ngân hàng. Trong đó, có không ít thành viên lúc đầu không hề có vốn, từ đi bạn rồi lên làm tài công có cổ phần 20 – 50% con tàu. Nhiều thành viên, bây giờ có tài sản cả tỷ đồng, nhà cửa khang trang, lo cho con cái học hành. Hiện 16 thuyền trưởng của tổ đội đều có từ 25-50% vốn của chiếc tàu điều.

Tài công Lý Ngọc Vinh (ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), thành viên đội tàu chia sẻ: “Chú Sáu Ninh là người luôn đặt lợi ích của anh em thuyền viên lên trên nên được mọi người quý, gắn bó lâu dài. Thời gian đầu tôi cũng đi bạn thôi, sau được chú tin tưởng tôi lên tài công. Vốn góp không có, chú Sáu đứng ra vay ngân hàng, rồi mình làm trả sau”.

Không chỉ vậy, khi việc làm ăn ngày một khấm khá, ông trích riêng hẳn 500 triệu đồng tiền quỹ. Số tiền này để giúp đỡ cho những thành viên khó khăn, khi cần vay mượn để xây dựng nhà cửa, việc quan trọng của gia đình. “Để có những bạn làm ăn lâu dài, bản thân mình phải tạo điều kiện cho họ. Xem họ như anh em trong nhà, mình có miếng cơm thì bạn cũng phải có chén cháo. Trong tổ đội, xét thấy hoàn cảnh người nào khó khăn cần vốn làm nhà cửa thì cho vay rồi họ làm trả sau. Khi nhà cửa ổn định, anh em mới yên tâm bám biển đánh bắt cá. Đó là lý do họ gắn bó lâu dài”, ông Ninh chia sẻ.

Ông Ninh nói thêm: “Hoạt động tổ đội đoàn kết trên biển không chỉ giúp các tàu phát huy hiệu quả khai thác mà còn tương trợ lẫn nhau khi gặp những rủi ro, bất trắc trên biển”.

Tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ tiên

Năm 2014, nổi lên với sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ở thời điểm đó, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công. Hơn lúc nào, những đội tàu hùng hậu quyết tâm bám biển, bám ngư trường như tổ đội tàu của ông Ninh, đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đội tàu hùng hậu 16 chiếc, với gần 200 lao động tham gia khai thác ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Với ngư dân, cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, họ lấy biển làm nhà.

“Đây là ngư trường truyền thống của tổ tiên ông cha để lại. Những đội tàu ngày đêm bám biển vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vừa góp phần bảo vệ ngư trường, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc”, ông Ninh khẳng định.

Doãn Công