1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện không lẩn thẩn ở Trâu Quỳ

(Dân trí) - Không biết từ bao giờ, những ai thần kinh có vấn đề, hoặc “chập mạch” hay “ẩm i-xê” thường được khuyên “đi Trâu Quỳ”. Tôi đã đôi ba lần vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và chợt nhận ra ở nơi đây không chỉ có những chuyện lẩn thẩn như nhiều người vẫn tưởng.

Người thu gom bệnh nhân tâm thần

 

Thoạt nhìn, tôi thấy anh quen quen, hình như mình đã gặp ở đâu đó. Theo họ tên trong tấm biển đeo trên ve áo, tôi biết anh là Nguyễn Tuyên Dương, một y tá “đặc trách” thu gom bệnh nhân tầm thần lang thang. Dương kể về công việc của mình khá dè dặt bởi không phải lúc nào anh cũng nhận được sự thông cảm của mọi người. Vẫn còn đâu đó nỗi mặc cảm, kỳ thị về “những người ở Trâu Quỳ” cho dù họ là bệnh nhân hay bác sỹ.

 

Dương dẫn dắt tôi vào hàng trăm câu chuyện về công việc hằng ngày của anh. Đến chuyện thu gom một bệnh nhân thích “tự nhiên chủ nghĩa” ở Hồ Gươm thì tôi chợt nhận ra cái dáng quen quen của anh đã in vào trí óc tôi từ sự kiện đó.

 

Chuyện khá tình cờ khi tôi cũng có mặt tại hồ Hoàn Kiếm hôm đó. Giữa hồ có một phụ nữ đang tung tăng, trên người không còn mảnh vải. Khi được 2 chiến sỹ cảnh sát trật tự đưa lên bờ, chị nhất quyết không chịu mặc quần áo và không chịu lên xe về trụ sở công an phường. Dương vừa kiểm tra sức khỏe của người bệnh tội nghiệp vừa động viên, thuyết phục. Sau một lát chống đối, bất hợp tác, anh đã giúp người phụ nữ kia nói được tên tuổi, địa chỉ nơi ở của mình.

 

Chị ta quê tận Lào Cai, trong lòng đang chất chứa một nỗi uất ức muốn đi kêu oan nhưng chẳng may lại lạc ra… hồ Hoàn Kiếm. Dương cho biết, hiện tại chị ta đã ổn định và đang có tiến triển tốt, sắp được ra viện.

 

Dương kể, bình quân mỗi ngày có vài trường hợp người bệnh tâm thần lang thang bị tạm giữ chờ anh đến làm thủ tục chuyển vào viện. Anh không nhớ nổi có bao nhiêu bệnh nhân tâm thần đã qua tay anh chăm sóc. Gặng hỏi mãi, anh tiết lộ: “Bình quân mỗi năm có khoảng 400 trường hợp được tôi thu gom. Nếu tính suốt cả 8 năm làm công việc này thì có khoảng 3.200 lượt bệnh nhân tâm thần được thu gom vào điều trị tại các bệnh viện”.

 

Tám năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường, góc phố của Hà Nội đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm khó quên, vui có, buồn có và cười ra nước mắt là chuyện thường ngày. Dương cho chúng tôi xem vết sẹo ở chân, nơi lưu dấu vĩnh viễn kỷ niệm một chuyến đi tiếp nhận người bệnh. Bệnh nhân là một tiến sĩ Y học, ông ta cho rằng mình không bị “ẩm i-xê” nên nhất quyết không chịu đi khám. Trong lúc giằng co, vị tiến sĩ này đã nhằm ngay chân anh mà cắn, răng của vị tiến sĩ sắc đến nỗi xuyên qua cả quần bò và để lại vết thủng rất sâu trên đùi Dương.

 

Chuyện về con gái một vị tướng

 

Chuyện không lẩn thẩn ở Trâu Quỳ - 1

Chị H. cùng người nhà đi dạo.

Khoa điều trị A của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có nhiều bệnh nhân khá đặc biệt, trong đó tôi nhớ nhất là N.V.H, con gái tướng Nguyễn Sơn. H đặc biệt không chỉ bởi biệt hiệu “H đen” mà nhân vật này đã từng là một sinh viên xuất sắc tại Tiệp Khắc những năm 1970. Sau khi về nước điều trị khỏi bệnh, H còn tiếp tục học 4 năm đại học Bách khoa Hà Nội. Anh Hà Trọng Tuyên, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, anh rể của H vui vẻ tiếp chuyện tôi.

 

Anh Tuyên cho biết, năm 1976 một biến cố lớn đã xảy ra với H. Khi đang học năm thứ 2 ngành dệt may tại nước ngoài, H yêu một sinh viên Tiệp nhưng không đi đến đích do những quy định ngặt nghèo thời bấy giờ. “Thời ấy thanh niên, sinh viên trong nước đi học nước ngoài được xét chọn và quản lý chặt chẽ lắm. Chuyện ra nước ngoài học rồi có tình cảm yêu đương là bị phê bình ngay. H là con một vị tướng mà yêu sinh viên nước ngoài lại càng khó” - anh Tuyên nói.

 

Mối tình của họ vượt qua cả phạm vi biên giới nhưng không thể vượt qua được lòng hiếu thảo của người con gái giành cho quê hương. Cuộc chia tay đã để lại một sang chấn mạnh trong tâm hồn người con gái thông minh của tướng Nguyễn Sơn.

 

Những ngày tiếp theo H bị đau đầu, mất tập trung và phải về nước điều trị. Sau một thời gian chạy chữa tại Viện 108 và Bệnh viện Tâm thần Trung ương, sức khỏe của H đã ổn định và hoàn toàn khỏi bệnh. “Chúng tôi đã sai lầm khi tiếp tục để H theo học Đại học Bách khoa ngay sau khi bệnh của em vừa khỏi” - anh Tuyên ngậm ngùi nhớ lại. H học Đại học Bách khoa được 4 năm và luôn đạt sinh viên giỏi. Thế nhưng đến kỳ bảo vệ luận văn tốt nghiệp thì H đã suy kiệt tinh thần do quá căng thẳng, bệnh cũ lại tái phát.

 

Hiện nay, những khi dứt bệnh H lại về sống cùng người em gái út trong căn nhà đơn sơ do tướng Nguyễn Sơn để lại.

 

Vĩ thanh

 

Bác sỹ Trần Minh Hải, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết: Hiện nay nhiều người vẫn quan niệm bệnh nhân tâm thần chỉ là những người cười cười nói nói, tự lột bỏ quần áo đi lang thang... mà không biết rằng hầu hết trong số những người bình thường như chúng ta đều có những nguy cơ của căn bệnh này.

 

Trong danh mục bệnh tâm thần của y học thế giới, có đến hơn 200 loại khác nhau, chẳng hạn chứng nghiện các loại chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê... cũng là một biểu hiện của bệnh tâm thần. “Nói lắp, ngậm gấu áo, đái dầm, sờ “ti”, thậm chí ăn cắp với một số người cũng là bệnh lý!” - bác sỹ Hải lý giải.

 

Biểu hiện của bệnh tâm thần nhiều lúc rất dữ dội, mất hết khả năng điều khiển bản thân thực chất chỉ là một phần của bệnh tâm thần, hay chính xác hơn đó là bệnh tâm thần phân liệt. Ngược lại, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần hằng ngày cũng là phương pháp điều trị tâm thần.

 

Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngại nhắc đến hai chữ tâm thần, vì họ sợ sự dị nghị của những người xung quanh. Sự mặc cảm về bệnh tâm thần cũng là nguyên khiến hầu hết bệnh nhân khi nhập viện đều trong tình trạng khá nặng, phần lớn đã được người nhà mang đi cúng bái tại các đền chùa vì họ nghĩ bị “ma làm”!

 

Chia tay bác sỹ Hải trong đầu tôi còn văng vẳng lời tâm sự của anh: cần có cái nhìn đồng cảm với những người bệnh tâm thần, họ cũng là những bệnh nhân bình thường bao người khác. Đã đến lúc việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng nói chung và những bệnh nhân tâm thần nói riêng cần có sự đồng cảm của tất cả mọi người.

 

Đan Tâm