1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyển kết luận thanh tra Nhiệt điện Thái Bình 2 tới UB Kiểm tra Trung ương

Thế Kha

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hàng loạt vi phạm.

Nhiet dien Thai Binh 2.jpg

Một góc dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo Kết luận thanh tra một số nội dung đối với Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được Thanh tra Chính phủ công bố chiều 6/8, dự án được Hội đồng thẩm định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thẩm định có tổng mức đầu tư trên 31.505 tỷ đồng tại thời điểm quý II/2010, trong đó vốn chủ sở hữu là 30%. Trước ngày 1/8/2010, đây là dự án, công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.

Vì thế, việc PVN và Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy đổi tổng mức đầu tư dự án về mặt bằng giá năm 2006 là 18.495,5 tỷ đồng để không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng quản trị PVN quyết định đầu tư dự án là không đúng Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội.

Trước ngày 1/8/2010, đây là dự án, công trình quan trọng quốc gia; thẩm quyền thẩm định phê duyệt, quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nhưng khi dự án chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Hội đồng quản trị PVN đã căn cứ Công văn 800/TTg-KTN do Phó Thủ tướng Chính phủ ký và hồ sơ thẩm định dự án của PVN để phê duyệt quyết định đầu tư dự án là không đúng quy định.

“Trách nhiệm thuộc PVN, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định phê duyệt đầu tư dự án”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Chuyển kết luận thanh tra Nhiệt điện Thái Bình 2 tới UB Kiểm tra Trung ương - 2

Mô hình dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hàng loạt vi phạm

Trong quá trình đầu tư dự án, PVN có Quyết định 4626/2011 phê duyệt điều chỉnh dự án lần 1 với tổng mức đầu tư từ 31.505 tỷ đồng thành 34.295 tỷ đồng và Quyết định 6175/2016 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lần 2 là 41.799 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra khẳng định, quá trình thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh dự án lần 1, PVN chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng PVN đã thẩm định và quyết định điều chỉnh dự án là thực hiện không đúng quy định.

Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2, do việc điều chỉnh hợp đồng EPC không đúng với Nghị định 48/2010 của Chính phủ và thực hiện không đúng Quyết định 2414/2013 của Thủ tướng Chính phủ nên việc điều chỉnh này cũng không đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ kết luận, dù chưa xác định các điều kiện để được chỉ định thầu đối với gói thầu EPC dự án theo quy định pháp luật nhưng PVN đã đề xuất, được Bộ Công Thương đồng ý, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, uỷ quyền cho Hội đồng quản trị PVN quyết định việc chỉ định thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

PVN chưa xác định các điều kiện để được chỉ định thầu đối với gói thầu EPC dự án, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định nhưng ngày 18/6/2010 Hội đồng quản trị PVN đã căn cứ vào Văn bản số 978/TTg-KTN ban hành Nghị quyết số 5392 đồng ý về chủ trương giao Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC dự án theo hình thức chỉ định thầu.

Tháng 2/2011, Hội đồng thành viên PVN ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án, trong đó gói thầu EPC có thời gian thực hiện 45 tháng và đến tháng 10/2011, Tổng giám đốc PVN ban hành quyết định phê duyệt chỉ định PVC là nhà tổng thầu EPC dự án với thời gian thực hiện gói thầu 45 tháng là không đúng quy định pháp luật về đấu thầu.

Về năng lực nhà thầu, cơ quan thanh tra chỉ rõ: Đến thời điểm được chỉ định, PVC chỉ thực hiện xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng, tuyến ống dẫn khí,… và thi công một số hạng mục của một số nhà máy nhiệt điện; chưa làm tổng thầu EPC các dự án lớn tương tự như dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Hồ sơ năng lực của PVC chưa đáp ứng hồ sơ yêu cầu để thực hiện gói thầu EPC, nhưng PVN vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu EPC.

Sau khi ký kết hợp đồng tổng thầu, PCV đã thực hiện không đúng cam kết là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng chi phí, trong đó có chi phí trả lãi tiền vay từ năm 2016 đến 2019 là 81,867 triệu USD.

Chuyển kết luận thanh tra Nhiệt điện Thái Bình 2 tới UB Kiểm tra Trung ương - 3
Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng

Tuy chưa làm rõ việc đáp ứng tiêu chí của dự án để bổ sung vào danh mục các dự án cấp bách được quy định tại Quyết định số 2414/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng ngày 17/4/2014, PVN đã có văn bản số 2561 và ngày 7/5/2014 Bộ Công Thương có văn bản số 3790 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án này vào danh mục các dự án nguồn và lưới điện cấp bách giai đoạn 2013-2020.

Trên cơ sở đề xuất đó, ngày 23/5/2014 Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 737/TTg-KTN đồng ý bổ sung dự án vào danh mục dự án cấp bách và được áp dụng cơ chế, chính sách theo Quyết định số 2414/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

“Việc tham mưu, đề xuất đưa Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách giai đoạn 2013-2020 như trên là thực hiện không đúng Quyết định 2414/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm thuộc PVN, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo”- kết luận thanh tra nêu.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC, sau khi PVN có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2, PVN và PVC đã ký phụ lục bổ sung; theo đó giá trị hợp đồng tạm tính trước thuế VAT là trên 948,6 triệu USD và trên 10.709 tỷ đồng - tăng 27,708 triệu USD và 4.835 tỷ đồng (tỷ giá 1 USD =22.415 VND), chủ yếu do điều chỉnh khối lượng, đơn giá thuộc phạm vi hợp đồng EPC đã ký là không đúng quy định.

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chưa đáp ứng các tiêu chí là dự án cấp bách giai đoạn 2013-2020 nên hợp đồng không được điều chỉnh theo Quyết định 2414/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Để khắc phục những tồn tại, vi phạm, tránh lãng phí tiền vốn của Nhà nước đầu tư vào dự án này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc liên quan đến dự án này, sớm đưa dự án vào hoạt động.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Ngày 5/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ.