1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện kể của người 3 lần vinh dự được gặp Bác

(Dân trí) - "Lần ấy Bác gọi tôi là Phan Huy Đài trong tốp 9 người lên nhận cờ thi đua. Nghe Bác gọi tôi trả lời: Thưa Bác cháu là Phan Huy Đại ạ!. Bác bảo: Tên Đại là đẹp, đại là lớn, cháu sẽ làm được nhiều việc lớn"...

Nghe Bác nói vậy, chàng thanh niên Phan Huy Đại (quê ở xóm 8, xã  Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) ngày ấy xúc động đến chảy nước mắt. Cho đến bây giờ, cụ vẫn chẳng thể nào quên.

 

Tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ cứu nước, cụ, một thương binh 2/4 là một cán bộ có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Cụ được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương cao quý.

 

Giờ đã bước sang tuổi 85, sức khoẻ giảm, nhất là những cơn đau do vết thương chiến tranh để lại vẫn thường xuyên hành hạ, nhưng con người đầy chất lính cụ Hồ ấy vẫn minh mẫn, am tường thế sự.

 

Chuyện kể của người 3 lần vinh dự được gặp Bác - 1
Cụ Phan Huy Đại - với nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước (ảnh: Minh Chiến)
Nhớ lại cả cuộc đời tham gia chiến đấu, đánh giặc cứu nước gian khổ, hiểm nguy của mình, cụ Đại cho biết 3 lần được gặp Bác Hồ là những kỷ niệm đẹp, ý nghĩa nhất, như vừa mới xảy ra hôm qua.

 

Cụ kể: “Lần thứ nhất tôi được gặp Bác Hồ là vào ngày 15/6/1957 khi Bác cùng đoàn công tác Trung ương vào thăm tỉnh Hà Tỉnh. Hồi đó tôi làm Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch. Đang cùng anh em trong cấp ủy bàn phương án giúp dân tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống thì tôi nhận được công lệnh của Ủy ban hành chính huyện Hương Khê cử cùng một số cán bộ tiêu biểu về tỉnh để đón Bác lần đầu về thăm Hà Tĩnh. Thú thực khi đọc được nội dung của công lệnh trong lòng tôi tràn ngập niềm vui, tôi không tưởng tượng được vinh dự của mình.

 

Ngay ngày hôm sau đoàn đại biểu của huyện Hương Khê chúng tôi có mặt tại thị xã Hà Tĩnh để cùng với đông đảo người dân Hà Tĩnh đón Bác. Trước giờ Bác đến cả một góc Tỉnh uỷ Hà Tĩnh rợp biển người, cờ và hoa, còn tim tôi cứ đập trong sự hồi hộp, mong chờ như không thể đợi lâu thêm được nữa.

 

Và rồi, Bác đã xuất hiện trong bộ đồ và đôi dép quen thuộc. Vừa tới nơi, Bác giơ tay chào tất cả mọi người có mặt. Tiếng hô “Hồ Chí Minh muôn năm” vang dội át tất cả mọi âm thanh. Không đợi lâu Bác mời tất cả ngồi xuống rồi đi ngay vào câu chuyện.

 

Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt nhìn thấy Bác và lại may mắn hơn tôi được Bác bắt tay. Tôi nhớ rất rõ, từ trong bàn tay Bác một hơi ấm vĩ đại toả ra, nó ấm áp và rất đỗi gần gũi. Từ đó hình bóng Bác luôn là niềm tự hào trong ký ức.

 

Lần thứ hai tôi được gặp Bác là năm 1966.  Khi ấy tôi không còn là Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Trạch nữa mà đã được tỉnh điều làm Chính trị viên kiêm Bí thư Đảng ủy Công trường 12 - đơn vị đảm nhiệm công tác đảm bảo giao thông trên tuyến đường Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Bình. Đấy cũng là cơ duyên để lần nữa tôi được gặp Bác.

 

Lúc bấy giờ chiến tranh rấc ác liệt. Mỹ rải bom nhằm chia cắt các tuyến đường giao thông chính để cắt đứt sự chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến Miền Nam. Đơn vị Công trường 12 của chúng tôi đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Với cương vị là Bí Thư Đảng ủy, Chính trị viên đơn vị tôi được tập thể tín nhiệm cử cùng đoàn cán bộ ra Hà Nội dự Đại hội “Tổng kết thi đua đảm bảo giao thông đánh thắng giặc Mỹ”.

 

Tại Đại hội, tôi và 8 đại biểu được Bác mời lên khán đài để nhận cờ thi đua xuất sắc. Bác đã biểu dương những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các đơn vị. Bác đã tặng cho mỗi người 1 bộ quần áo và những cái bắt tay. Bộ quần áo ấy hiện tôi vẫn còn lưu giữ làm kỷ niệm, còn những cái bắt tay động viên của Bác thật khó quên.
 
Chuyện kể của người 3 lần vinh dự được gặp Bác - 2
Cụ Đại (người đứng thứ 3 từ trái qua) cùng 8 đại biểu được Bác Hồ tặng cờ thi đua năm 1966 (ảnh tư liệu)

 

Lần cuối cùng tôi được gặp Bác là sau khi thất bại trong cuộc Tổng tiến công của ta vào Tết Mậu Thân 1968, Mỹ ồ ạt ném bom ra Miền Bắc. Lúc ấy Công trường 12 được đổi tên thành Công trường Thống Nhất. Nhiệm vụ cũng là đảm bảo giao thông, phối hợp với Binh đoàn 559 Bộ quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải vừa chiến đấu dũng cảm vừa đảm bảo tốt mạch máu giao thông. Đơn vị chúng tôi đã bắn rơi một máy bay F4H của địch và bắt sống phi công, thu được nhiều thiết bị tài liệu quân sự quan trọng của địch phục vụ cho công tác quân sự.

 

Một lần nữa tôi lại may mắn được đơn vị cử đi báo cáo thành tích với Bác tại Hà Nội.

 

Trong 3 lần được gặp Bác Hồ như đã kể, kỷ niệm nào với tôi cũng sâu sắc cả, nhưng tôi ấn tượng nhất là lần gặp lần thứ 2 vào năm 1966. Lần ấy Bác gọi tôi là Phan Huy Đài trong tốp 9 người lên nhận cờ thi đua.

 

Nghe Bác gọi tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu là Phan Huy Đại ạ!”. Tôi vừa dứt lời Bác lập tức bảo: “Tên Đại là đẹp, đại là lớn, cháu sẽ làm được nhiều việc lớn”.

 

Nghe Bác nói tôi sung sướng đến chảy nước mắt.
 
Chuyện kể của người 3 lần vinh dự được gặp Bác - 3
Vợ chồng cụ Đại hạnh phúc với cuộc sống "tứ đại đồng đường" (ảnh: Minh Chiến)
 

Vợ chồng cụ Đại sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái. Người con đầu tham gia quân đội rồi hy sinh năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị. 4 người con còn lại nhờ sự dạy bảo của vợ chồng cụ đều khôn lớn thành người, đóng góp nhiều vào công cuộc xây dựng đất nước.

 

Hai vợ chồng cụ Đại giờ đã có tất cả 8 đứa cháu nội ngoại và 2 chắt. Dù sức khoẻ không còn được tốt nhưng cụ Đại luôn sống vui vẻ, lạc quan, thường xuyên răn dạy con cháu sống tốt, làm người có ích cho xã hội. Đặc biệt kỷ niệm về 3 lần gặp Bác và những lời dạy của Bác Hồ luôn được cụ chia sẻ với con cháu như những bài học làm người không bao giờ cũ.

 
 
Minh Chiến - Văn Dũng