Người đoàn viên già và những câu chuyện về Bác
(Dân trí) - Cứ mỗi dịp chi đoàn ấp Núi Gió (xã Tân Lợi, Bình Long, Bình Phước) tổ chức sinh hoạt, người ta thấy lẫn trong đám đoàn viên trẻ có một đoàn viên tóc đã bạc, lúc phổ biến chính sách, khi nói chuyện lịch sử, nhưng nhiều nhất vẫn là kể chuyện về Bác Hồ.
Chân dung người đoàn viên tóc bạc mê kể chuyện Bác Hồ.
Vị đoàn viên tóc bạc ấy là Bí thư chi bộ ấp Nguyễn Quốc Việt, người mà mọi đoàn viên thanh niên trong ấp thường gọi thân mật là bác Việt. Bao nhiêu năm nay, bác Việt là thành viên đặc biệt của các buổi sinh hoạt chi đoàn, là người bạn kể chuyện của đám thanh niên ấp. Không kể trời tối, trời mưa, nhà xa, bận công chuyện… hễ nhận được “thông báo triệu tập” sinh hoạt chi đoàn là bác Việt lại lặn lội hơn hai cây số đường trầy trật tới văn phòng ấp.
Có lẽ vì thế mà mỗi lần chi đoàn Núi Gió tổ chức sinh hoạt, ít có đoàn viên nào vắng mặt. Buổi sinh hoạt nào cũng vui, ý nghĩa nhờ những câu chuyện của bác Việt.
Tham dự một buổi sinh hoạt với chủ đề “Tìm hiểu về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 119 của Bác Hồ do chi đoàn Núi Gió tổ chức, được cùng các bạn đoàn viên nghe bác Việt kể chuyện về Bác Hồ, nói về Cần, Kiệm, Liêm, Chính - Chí công vô tư, về quan điểm giải phóng dân tộc và cả những đức tính giản dị của Bác, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về khả năng hiểu biết, nói chuyện trôi chảy, lập luận chặt chẽ nhưng lại rất dễ hiểu và có sức thuyết phục của người Bí thư chi bộ ấy.
Hỏi mới biết, bác Việt vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân bác lại rất thích tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Bác Hồ. Bác Việt kể, năm 1969, khi đó bác mới học lớp 6, trong ngày làm lễ truy điệu Bác Hồ, cô giáo nói với cả lớp: “là học sinh thì các em không những nên biết mà còn phải thuộc Di chúc của Bác Hồ”. Ngày hôm sau, bác Việt đã có ngay một bản chép tay bản di chúc của Bác Hồ, rồi cất giữ trong cặp sách, lúc rảnh rỗi lại đem ra đọc và suy ngẫm. Cũng từ đó, tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ luôn được gìn giữ và ngày càng sâu đậm trong lòng bác Việt.
Ngoài vai trò Bí thư chi bộ, bác Việt còn kiêm thêm nhiều việc khác như ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ Thập đỏ, Hội Nông dân, thành viên tổ hoà giải ấp… những công việc đã gắn với bác từ nhiều năm nay. Dù tiền trợ cấp hàng tháng không đáng bao nhiêu nhưng bác luôn vui vẻ: “Là đảng viên thì phải biết hy sinh, biết cống hiến, khi còn sống ông cụ tôi luôn dạy thế, có thời gian mấy năm làm chủ tịch mặt trận xã nhưng ổng không nhận trợ cấp, mà bảo có lương hưu rồi thôi, số tiền đó đem cho những người còn khó khăn…”.
Khi được hỏi tại sao lại dành nhiều sự quan tâm đối với thanh niên, bác Việt tâm sự: “Đó là trách nhiệm của người đảng viên, người đứng đầu chi bộ ấp. Kể chuyện và giảng giải tư tưởng Bác Hồ, tôi chỉ mong thanh niên hiểu và noi theo để sống tốt và có ích hơn, chính vì thế tôi rất thích được sinh hoạt chi đoàn cùng với thanh niên”.
Nghĩa Lộc