Chuyện hãi hùng ở những thôn “bạo hành”
(Dân trí) - “Cứ 5 ngày em bị đánh 1 lần, càng say rượu anh ấy lại càng đánh, vết thương trên đầu em khâu đi khâu lại không biết bao nhiêu lần rồi. Lúc nào em cũng sợ hãi. Tối đến, em phải giấu hết dao, liềm đi” - chị Hồng tâm sự.
Về huyện Yên Mô, Ninh Bình chúng tôi đã chứng kiến nhiều “nỗi đau” của nạn bạo hành. Có lẽ không thể kể hết những hành vi gây bạo lực ở huyện miền núi nghèo này, nhưng những trường hợp chúng tôi mắt thấy, tai nghe đã diễn ra từ rất nhiều năm.
Giết cả vợ mang thai 7 tháng
Bà Phạm Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Đồng, Yên Mô, Ninh Bình, kể cho chúng tôi nghe về những vụ bạo lực kinh hoàng xảy ra tại địa phương:
Cách đây nhiều năm, gia đình Phạm Đăng Chức, Phạm Thị Hon (ở xóm Hàn Trên) có 3 con và nhận nuôi thêm 1 con gái (cùng lúc đó chị Hon đang mang thai 1 đứa con trai được 7 tháng). Gia đình có đàn vịt cỏ nên anh Chức và con gái nuôi thường đi chăn vịt ở đồng. Con gái nuôi đang ở cái tuổi bắt đầu lớn dậy nên trong lúc không kiềm chế được dục vọng anh Chức đã hiếp dâm con gái.
Hành vi “vô đạo” của Chức bị vợ phát hiện nên hắn đã giết chết vợ cùng thai nhi 7 tháng chị đang mang trong người và vứt xác vào gầm giường. Với tội hiếp dâm con gái và giết vợ, Chức bị xử bắn ở Núi Sậu, Khánh Thượng, Yên Mô. Còn 3 đứa con bơ vơ bước vào trại trẻ mồ côi.
Đến xã Yên Mạc, chúng tôi lại chứng kiến thêm những câu chuyện bạo hành “đau lòng” xảy ra trong nhiều gia đình. Ly hôn, ly thân, thậm chí là tự tử.
Bữa cơm của gia đình thường xuyên có bạo lực |
Bà Phạm Thị Duyên cho biết thêm: “Ở Yên Đồng, nạn bạo hành xảy ra chủ yếu ở độ tuổi 35 - 40. Bạo hành không chỉ là chửi rủa, đánh đập mà còn có cả bạo lực tình dục. Nguyên nhân của nạn bạo hành này chủ yếu là do kinh tế gia đình, nghiện rượu và không hiểu biết về pháp luật”.
Vì nghèo, rượu, ghen...
Nghèo. Làng Yên Tế không có nghề phụ. Cứ hết mùa, người dân trong làng lại lên thị xã Tam Điệp để làm cỏ dứa, thợ hồ hoặc làm bất cứ công việc gì mà người ta thuê.
Mỗi công làm thuê 50.000 đồng, kiếm được ít nhiều họ kéo nhau về làng để “nghỉ ngơi” và “cải thiện” bữa ăn cho bõ những ngày vất vả. Hết sạch tiền, họ lại rủ nhau đi làm và có trong tay ít tiền công thì họ lại về làng để “nghỉ ngơi” và “cải thiện”. Cuộc sống của họ cứ lặp đi lặp lại như vậy hết năm này qua năm khác…
Kinh tế eo hẹp, nợ nần, không có tiền trong nhà nên đàn ông hóa “cùn”. Gây sự, to tiếng, cãi vã, đánh chửi vợ, con trở thành những chuyện sinh hoạt thường ngày của nhiều gia đình làng Yên Tế.
Tâm sự với chúng tôi lúc tỉnh rượu, anh Thắng nói: “ Tôi biết mình đánh vợ là sai”.
Nhà ở lụp xụp, gian bếp xiêu vẹo, ngoại trừ con lợn cọc đang “tá túc” trong cái chuồng dột nát thì vợ chồng anh Thắng - chị Ngải không còn gì đáng giá hơn. Tưởng rằng cuộc sống lam lũ thì vợ chồng càng phải yêu thương nhau hơn, thế nhưng… anh Thắng nghiện rượu, mỗi ngày anh “hạn chế” uống hết nửa lít, rượu vào là chửi rủa vợ và hết tiền thì đánh vợ.
Chị T (xóm Phong Lẫm Nam) kể: “Ở làng này rất nhiều người nghiện rượu và cứ uống rượu vào là đánh vợ, nhiều bà vợ còn phải đến từng quán để dặn đừng bán rượu cho chồng mình…”
Chị Hồng sau 1 tháng 14 ngày bị chồng đánh đập
Cần có câu lạc bộ trợ giúp pháp lý
Bạo lực gia đình là “vấn nạn” chung của xã hội. Bạo lực gia đình thể hiện ở 2 mặt tinh thần và thể xác, xảy ra chủ yếu ở nông thôn, miền núi và ngày càng gia tăng cả về tính chất và mức độ vi phạm.
Vì kinh tế gia đình, rượu, con cái hư hỏng, ghen tuông, thiếu hiểu biết về pháp luật… là những nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực gia đình. Người gây bạo hành hoặc là không có hiểu biết về pháp luật, không chịu học luật hoặc là cố tình vi phạm luật; còn nạn nhân của bạo hành thì cam chịu.
Bà Phạm Thị Duyên (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Đồng) kiến nghị: Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn, đưa các dự án về gia đình và cộng đồng đến những địa phương ở nông thôn, miền núi. Hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý…