1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện già Rắt ở làng Talu

(Dân trí) - Qua một vài thông tin từ những người đồng nghiệp, chúng tôi tìm đến nhà của Hồ Rắt, người bấy lâu nay vẫn được ngợi ca vì làm được nhiều việc nghĩa.

“Chỗ mô có cái nhà Gưil, có cái bể nước to nhất làng là nhà Hồ Rắt (Hồ Văn Rắt) ở đó”, Hồ Văn Minh - Trưởng thôn Talu (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, TT-Huế ), người dẫn đường cho chúng tôi - nói vẻ tự hào.

 

Gặp được già Rắt không dễ, vì sau khi thôi chức trưởng thôn, ông lại chuyên tâm vào chăn bò. Cứ ngỡ đón chúng tôi sẽ là một lão làng tầm thước với bộ râu, mái tóc trắng như cước. Trái lại, ông nhỏ thó, ánh mắt và bước đi lanh lẹ. Hóa ra đồng bào Kơtu ở Talu “tôn” ông làm già làng không phải vì tuổi tác và vì niềm tin và lòng kính trọng.

 

Còn nhớ năm 2002, 48 nóc nhà ở Talu muốn được nghe tiếng chiêng vang mừng ngày lúa mới; muốn cho bọn trẻ có cái chỗ để vui chơi và cũng mong có nơi để những người của Đảng về tuyên truyền đường lối của Nhà nước, để dân làng Talu không nghe theo bọn xấu… Mà ngặt nỗi từ khi người Kơtu định cư ở Talu (sau năm 1975), không có cái nhà chung cho cả đồng bào. Nghĩ vậy già Rắt buồn lắm.

 

Vậy là Hồ Rắt kêu gọi đồng bào, rồi về nhà chọn miếng đất thật đẹp nằm giữa ngã tư, giáp hai mặt đường, chừng 500m2, án ngữ ngay trước nhà ông, hiến tặng bà con làm cái nhà Gưil, lấy chỗ sinh hoạt chung cho cả bản làng; vừa là nơi dạy chữ cho 20 đứa trẻ của làng - Trường mầm non đầu tiên của dân làng Talu cũng ra đời từ đó.

 

Già Rắt xúc động: “Ta đi theo cách mạng làm du kích từ khi 16. Hết cuộc chiến ta về với vợ nhưng không có con, chắc tại chất da cam. Vì thế ta thèm được nghe tiếng trẻ vui đùa lắm”. Bù lại, ngôi nhà Gưil được dựng lên lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười của bọn trẻ trong làng.

 

Người Kơtu ở Talu đã có được cái nhà Gưil, già Rắt vui lắm, nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn. Trước kia người Kơtu lấy nước ở sông Nam Đông để sống, nhưng gần đây con sông cũng bẩn, nước ở các con suối cũng ít và xa dần vào rừng sâu, “chất da cam nó vẫn còn, dân làng Talu phải đào giếng sâu 20m cũng không có nước, chỗ có thì không lôi lên được”, già Rắt nhớ lại.

 

Thấy đồng bào ai cũng lo không có nước sạch, ông lại về bàn với vợ phá vườn chanh, lấy miếng đất gần 200m2 xây bể nước cho đồng bào. “Từ giờ trở đi dân làng Talu không còn phải uống nước bẩn nữa rồi" - già Rắt cười khà khà sung sướng.

 

Dù đã thôi chức trưởng thôn nhưng già Rắt vẫn uy phong lắm. Có đợt trong làng có mấy thanh niên uống rượu rồi gây lộn với nhau, Hồ Rắt nghe được, bỏ cả mấy con bò trên đồi chạy về răn đe; kể từ đó thanh niên làng Talu bớt hẳn nạn rược chè. Dù tuổi đã ở dốc bên kia của cuộc đời nhưng khi nghe trai tráng trong làng rủ nhau đi đá bóng, già Rắt vui lắm: “Ta mà còn trẻ cũng đi đá bóng cho coi”.

 

Không có con, hai vợ chồng già Rắt đi xin những đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi. Hiện hai vợ chồng ông đang nuôi sáu đứa trẻ.

 

Rời nhà của Hồ Rắt lúc chiều đã xế, hơi sương của rừng núi đang tỏa ra từ những cánh rừng, con suối làm mờ dần những hình ảnh của ngôi nhà Gưil. Anh bạn đi cùng tôi bảo: Miếng đất của già Rắt bây giờ đã nhỏ lại gần như nhất làng, và ngôi nhà gỗ của ông cũng trở nên chật chội hơn, nhưng niềm vui và niềm hạnh phúc trong ngôi nhà của Hồ Rắt lại được nhân lên gấp bội. Đó là niềm vui chung với cuộc sống ấm no của người Kơtu.

 

Nhất Trung