1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyên gia nói về sự cố thang máy gây chết người tại chung cư

(Dân trí) - Chuyên gia cung cấp, lắp đặt, vận hành thang máy cho rằng cần xem xét lại quy trình, thao tác cứu hộ khi có sự cố trong vụ tai nạn thang máy kinh hoàng vừa xảy ra tại chung cư CT3 Constrexim Cầu Giấy, Hà Nội.

Chiều 21/9, vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra tại chung cư CT3 Constrexim khiến ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1955, ở ngách 36, ngõ 113, phố Thụy Khuê) tử vong tại chỗ, do ngã từ độ cao 15 mét xuống đất. 
 
Theo điều tra ban đầu từ cơ quan chức năng, vào thời điểm xảy ra tại nạn, ông Hòa ở trong thang máy, đang vận hành đến lưng chừng tầng 4 thì đột ngột dừng do mất điện. Ở bên trong, ông Hòa phát tín hiệu cứu hộ và nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài của bảo vệ tòa chung cư này. Sau khi mở được cửa thang máy, thấy sàn của thang máy cách sàn nhà tầng 4 hơn một mét, hai bảo vệ hỏi nạn nhân có xuống được không. Ông Hòa liền tụt xuống và bị mất thăng bằng, ngã xuống hố thang máy, rơi xuống đất, tử vong.
 
Trao đổi với PV Dân trí xung quanh các vụ tai nạn thang máy, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó giám đốc công ty thang máy Gia Phát, người đã có 10 năm kinh nghiệm làm nghề, khẳng định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn nhưng trước hết cần xem xét về những lỗi sơ đẳng trong công tác cứu hộ khi thang máy gặp sự cố.
 
Ông Khánh phân tích: thông thường, bất kỳ loại thang máy nào, dù cao cấp hay bình dân, cũng được trang bị bình ắc quy cứu hộ. Khi có sự cố mất điện, ngay lập tức bình ắc quy sẽ được vận hành để thang máy di chuyển về sàn tầng gần nhất. Trong trường hợp bất thường, thang máy bị treo lửng giữa hai tầng, nhân viên cứu hộ bên ngoài phải lên phòng điều khiển thang máy, dùng tay quay quay máy kéo đưa phòng thang đến tầng gần nhất. Trước khi quay phòng thang di chuyển, phải thông báo cho những người bên trong để tránh sự hoảng sợ do thang đột ngột hoạt động, sau đó mới mở cửa từ bên ngoài để giải phóng khách bị kẹt.
 
Trong vụ việc này, ông Khánh phán đoán, cửa thang máy còn cách sàn nhà tầng 4 một khoảng quá lớn, cộng thêm tinh thần hoảng hốt của người gặp sự cố nên khi cố gắng nhảy thoát ra, nạn nhân đã rơi vào tình huống nguy hiểm, tử vong do bị ngã vào hố thang máy đang hở, rơi xuống đất.
 
Chuyên gia nói về sự cố thang máy gây chết người tại chung cư - 1
Hiện trường vụ tại nạn tại chung cư CT3 Constrexim. (Ảnh: T. Nguyên)
 
Nhiều chuyên gia kỹ thuật lắp đặt thang máy cũng đồng tình với phân tích của ông Khánh và cho rằng, nếu không đưa phòng thang đến sàn tầng gần nhất khi có thể thì đó là lỗi sơ đẳng trong công tác cứu hộ. Theo nguyên tắc, doanh nghiệp cung cấp thang máy cho đơn vị sử dụng có trách nhiệm hướng dẫn nhân viên quản lý thang máy thực hiện các thao tác cứu hộ khi có sự cố xảy ra.

Về vấn đề nhiều người dân sống tại tòa nhà CT3 Constrexim phản ánh hiện tượng thang máy hỏng thường xuyên từ khi mới dọn đến (năm 2006), ông Khánh so sánh, thang máy giống như một chiếc xe, nếu vận hành liên tục mà không được bảo trì, bảo dưỡng, cũng sẽ hỏng hóc, trục trặc, không thể hoạt động bình thường.

Ông Khánh chia sẻ, nhiều năm trong nghề, ông biết không ít trường hợp, để tiết kiệm chi phí hoặc do thiếu trách nhiệm, đơn vị quản lý bỏ qua việc bảo dưỡng định kỳ, chữa hoặc thay thế những chi tiết bị hỏng của thang máy trong quá trình hoạt động kéo dài. Trong khi đó, chỉ một lỗi nhỏ ở bộ phận điều khiển cánh cửa thang máy như chập mạch, bụi bẩn ở bộ phận điều khiển hoặc có chướng ngại vật trong thanh ray ở thành cửa cũng khiến cửa thang máy không thể đóng được hoặc mở ra bất ngờ trong quá trình đang vận hành.

Một nhân viên kinh doanh nhiều năm tại một đơn vị cung cấp, lắp đặt thang máy tại Hà Nội cũng tiết lộ thị trường mặt hàng này hiện cũng cảnh “thượng vàng hạ cám”. Các công ty cung cấp thiết bị cạnh tranh gay gắt. Giá một thang máy nhập khẩu loại tốt dùng cho 11 tầng thường dao động khoảng 60.000 USD (1,2 - 1,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều đơn vị cung cấp cũng có thể đáp ứng yêu cầu với mức giá chỉ bằng một nửa.

“Tiền giảm, chất lượng thang máy đương nhiên cũng khác hoặc các chi phí bảo trì, bảo dưỡng bị bớt xén” - nhân viên này phân tích.
 
Đây không phải là vụ tai nạn thang máy đầu tiên được báo chí đăng tải. Tháng 6/2010, một giám đốc ngân hàng tại Khánh Hòa cũng tử vong vì sự cố thang máy. Thang máy lên đến nơi đã không dừng lại mà vẫn tiếp tục đi lên rồi đột ngột đi xuống. Sự cố bất thường khiến bà giám đốc này hoảng hốt lao ra khỏi cửa thang máy, ngã và bị trần thang máy ép vào tường, gây chấn thương nặng dẫn đến tử vong.
 
Tháng 10/2010, tại một công trường xây dựng ở Đống Đa - Hà Nội cũng xảy ra vụ việc thang máy chở 2 công nhân bất ngờ đứt cáp khi lên đến tầng 6. Hậu quả, hai công nhân bị thương nặng do thang rơi thẳng xuống đất.

P. Thanh