Chuyên gia Nhật Bản về Bắc Giang kiểm tra lô vải thiều xuất khẩu

(Dân trí) - Sau khi hết thời gian cách ly phòng dịch Covid-19 theo quy định, hôm nay, chuyên gia Nhật Bản trực tiếp về Lục Ngạn - Bắc Giang kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo đó, ông Takayama Shigeaki, chuyên gia Nhật Bản kiểm tra tất cả các công đoạn xử lý vải thiều mà hai bên đã cam kết từ trước, đối chiếu từng phần việc một, đồng thời kiểm tra vận hành xem có đúng yêu cầu phía Nhật Bản đưa ra hay không. 

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mọi công đoạn kiểm tra của chuyên gia Nhật Bản đã hoàn tất, ngày hôm nay (18/6), Cục Bảo vệ thực vật sẽ đưa lô vải thiều đầu tiên vào xử lý khử trùng theo đúng quy định của đối tác Nhật Bản, sẵn sàng chờ ngày xuất khẩu.

Còn theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Nhật Bản yêu cầu Việt Nam xử lý quả vải bằng Methyl Bromide, hệ thống có khả năng làm sạch 100% các đối tượng dịch bệnh. Tất cả các khâu, trang thiết bị và kỹ năng vận hành của chúng ta đều đáp ứng, thậm chí vượt yêu cầu của chuyên gia.

Chuyên gia Nhật Bản về Bắc Giang kiểm tra lô vải thiều xuất khẩu - 1

Trước đó, ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản đã sang Việt Nam để giám sát việc xử lý các lô vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Được biết, để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của phía Nhật Bản, từ tháng 2/2020, Việt Nam bắt đầu xây dựng cùng lúc 3 hệ thống xử lý xông hơi khử trùng quy mô thương mại đầu tiên ở Việt Nam, tại Trung tâm sau nhập khẩu 1 (Hà Nội), nhà máy của Công ty Toàn Cầu (Bắc Giang) và nhà máy của Công ty Hưng Việt (Hải Dương).

Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha.

Theo quy định của Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép nhập khẩu vào nước này.

Vải thiều xuất khẩu vào Nhật Bản phải trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Nguyễn Dương