1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyên gia lâm nghiệp: Cây trồng mới tại Hà Nội không phải vàng tâm

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp đã lên tiếng cho rằng loại cây thay thế hàng trăm cây bị đốn hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) chắc chắn là cây Mỡ, không phải Vàng tâm.

Trong những ngày qua, dư luận tiếp tục xôn xao trước thông tin về việc có thể Hà Nội trồng… nhầm cây mỡ thay vì cây vàng tâm như thông tin trước đó. 



Trước những nghi vấn của người dân xung quanh “danh tính” thực sự của loại cây đã được thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh, trao đổi với PV Dân trí, GS. TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết đã trực tiếp xuống tận nơi để khảo sát và khẳng định: “Loại cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, không thể là cây vàng tâm”.

GS.TS Lê Đình Khả trực tiếp ra khảo sát trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Lê Bền
GS.TS Lê Đình Khả trực tiếp ra khảo sát trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Lê Bền

Cũng theo ông Khả: "Cây vàng tâm là loài cây trong sách đỏ, lấy đâu ra trồng nhiều như vậy được (!?). Tôi từng nghiên cứu nhiều năm về loại cây mỡ này nên có thể khẳng định chắc chắn. Hơn nữa, việc đưa một loại cây trồng rừng kinh tế vào trồng ở trong đô thị cũng là hoàn toàn khác nhau, không hợp lý".

Bên cạnh đó, GS Khả giải thích rằng, việc phân biệt giữa cây mỡ và vàng tâm không quá khó. Có thể căn cứ vào các đặc điểm sinh học như thân, lá, bố trí cành, tán. Mỡ là loại cây có lá xanh quanh năm, gỗ màu trắng xám, thịt mịn, tương đối tốt.

Đặc biệt, do đây chỉ là cây lâm nghiệp dùng để trồng rừng nên ông Khả cho biết chưa thấy chỗ nào trồng làm cây cảnh quan trong đô thị. Mỡ là cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng thuộc nhóm vừa chứ không phải nhanh, nên để có tán che bóng, tạo cảnh quan được ít nhất cũng phải 9-10 năm.



Trong khi đó, TS. Vũ Quang Nam, Trưởng bộ môn Tài nguyên thực vật rừng – ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, chuyên gia đầu ngành về các loại cây thuộc họ Mộc Lan (Giổi, Mỡ, Vàng tâm…) thì căn cứ vào lá cây được cho là cây vàng tâm thu nhận được ở đường Nguyễn Chí Thanh thì đây là cây… mỡ.

TS. Vũ Quang Nam. Ảnh: Tất Định
TS. Vũ Quang Nam. Ảnh: Tất Định

“Trung Quốc họ cũng trồng nhưng loại cây đó thuộc chi khác, tán rất tốt nên họ có thể trồng trên đường phố. Loài này nhập nội từ bên Mỹ. Còn ở một số công viên ở Paris, Mỹ họ cũng trồng nhiều nhưng là loài khác chứ không phải cây mỡ như chúng ta thấy đang xuất hiện trên đường Nguyễn Chí Thanh”, TS. Vũ Quang Nam cho biết.

Nhiều năm nghiên cứu về rừng và các loài cây trồng rừng nên ông Nam khá ngạc nhiên khi cây mỡ được đưa vào trồng ở đô thị vì loài cây này có tán mỏng, tính thẩm mỹ kém hơn nhiều các loại cây đô thị khác.

Cũng liên quan đến việc xác định “danh tính” của loại cây được thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh, trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Văn Dũng nguyên cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) cũng khẳng định, sau khi xem thực địa các cây trồng thay thế tại đường Nguyễn Chí Thanh, ông khẳng định đây là cây mỡ. Gỗ loại cây này mềm, thường dùng làm bút chì, vỏ bao diêm, không phải cây gỗ quý vàng tâm.

TS. Vũ Quang Nam. Ảnh: Tất Định


Trước đó, vào ngày 14/3 vừa qua, đường Nguyễn Chí Thanh đã được “thay áo mới” bằng hàng trăm cây được cho là cây vàng tâm. Việc trồng cây vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh nằm trong đề án chặt hạ, dịch chuyển 6.700 cây xanh của TP.Hà Nội. Ngoài đường Nguyễn Chí Thanh, cây vàng tâm cũng được lựa chọn để thay thế trên nhiều tuyến phố.

Xuân Ngọc