Chuyên gia hiến kế khi lực lượng an ninh cơ sở đối mặt với tội phạm
(Dân trí) - Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, thành viên lực lượng an ninh, bảo vệ cơ sở cần được tập huấn về kỹ năng phòng vệ cá nhân, hạn chế đối đầu tay đôi với các đối tượng có vũ khí nguy hiểm.
Tại tọa đàm "Vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở" do báo Dân trí vừa tổ chức, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, đã có những chia sẻ về vai trò, tầm quan trọng của lực lượng này.
Theo luật sư Giáp, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống pháp luật và an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tội phạm và các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.
"Lực lượng này có ý nghĩa, vai trò là cầu nối giữa người dân với cơ quan công an cấp xã, chính quyền địa phương, các lực lượng hỗ trợ khác.
Họ thường là những người trực tiếp gắn bó với địa bàn, nắm rõ tình hình và tâm lý cư dân, giúp phát hiện sớm các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự", ông Giáp nói.
Luật sư nhận định, công an chuyên trách không thể có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm. Do đó, lực lượng cơ sở đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong tuần tra, bảo vệ an ninh địa bàn và xử lý các vấn đề phát sinh ban đầu.
Đưa ra kiến nghị làm sao để Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội, luật sư Giáp cho rằng cần tăng cường công tác đào tạo, tổ chức các khóa tập huấn định kỳ về pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp và tự vệ cho lực lượng, đặc biệt chú trọng đào tạo để tránh tình trạng lạm quyền hoặc hành xử cảm tính.
Ngoài ra, luật sư cũng đề xuất cấp trang thiết bị hỗ trợ phù hợp cho lực lượng; chú trọng chế độ đãi ngộ hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; tuyên truyền hình ảnh tích cực về lực lượng...
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đình Phường, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở Tổ dân phố 14, phường Hàng Bột (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ lại vụ việc xảy ra vào ngày 23/10.
Khi đó, ông Phường cùng đồng đội trực, chốt chặn tại một cơ sở không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Quá trình trực, một số người dân là chủ nhà, sinh sống trong khu vực đó đã chửi bới tổ công tác của ông Phường.
Trước những tình huống không hề hiếm gặp như trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp đã có những góp ý về kỹ năng, phương thức xử lý dành cho lực lượng an ninh cơ sở.
Theo ông Giáp, điều đầu tiên cần lưu ý là phải đảm bảo an toàn bản thân và người khác.
"Thành viên lực lượng cần được tập huấn về kỹ năng phòng vệ cá nhân. Hạn chế đối đầu tay đôi với các đối tượng có vũ khí nguy hiểm, thay vào đó, tìm cách kiềm chế hoặc cô lập đối tượng cho đến khi lực lượng chuyên nghiệp đến hỗ trợ. Khi đối diện với đối tượng có dấu hiệu nguy hiểm, hãy giữ khoảng cách đủ để phản ứng trong trường hợp khẩn cấp", ông Giáp nói.
Bên cạnh đó, luật sư khuyến cáo lực lượng an ninh cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an. Khi gặp các tình huống vượt ngoài khả năng xử lý, lực lượng an ninh cơ sở cần nhanh chóng thông báo cho công an hoặc các cơ quan chức năng liên quan.
Đặc biệt, luật sư Giáp cho rằng lực lượng bảo vệ cơ sở cần thường xuyên được tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế.
Và cuối cùng, để tránh những sự cố không đáng có, luật sư Giáp cho rằng những cán bộ như ông Phường phải nắm được quy định thẩm quyền được quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và các luật khác liên quan, để không vượt quá quyền hạn, đặc biệt khi thực hiện các hành vi can thiệp, hỗ trợ trong tình huống đối mặt, bắt, giữ đối tượng phạm pháp.