TPHCM:
Chuyên gia giao thông nói về khe co giãn rộng gần 1m trên cầu Phú Mỹ
(Dân trí) - Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, khe co giãn giữa cầu chính và cầu dẫn trong công nghệ thi công cầu dây văng là một thiết kế phức tạp. Thông thường bề rộng khe co giãn đều trên dưới 1m nên việc đồn đoán cầu Phú Mỹ sắp sập là suy diễn bậy bạ.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, người từng tham gia xây dựng cầu Phú Mỹ (TPHCM), lực lượng xây dựng cầu là tổ hợp những nhà thầu lớn trên thế giới. Cầu được thiết kế bởi công ty Arcadis của Pháp, Cardno của Úc và Tonny Gee của Anh; còn thi công do nhà thầu của Đức, Úc, Pháp và phía Việt Nam đảm nhiệm.
Thiết kế và thi công cầu dây văng Phú Mỹ đang là công nghệ tiên tiến trên thế giới lúc bấy giờ. Đặc biệt là gối và khe co giãn phải đảm bảo các chuyển động tịnh tiến và xoay rất lớn, kể cả điều kiện động đất. “Có thể nói đây là một thiết kế thông minh, cẩn thận và rất quan trọng cho thiết kế cầu, vừa an toàn vừa kinh tế”, ông Sanh nhấn mạnh.
Cụ thể, khe co giãn cầu dây văng là một dạng đặc biệt chứ không phải như khe co giãn của cầu dầm hộp bình thường. Đối với những cầu bình thường, khi thiết kế khe co giãn người ta tính đến yếu tố nhiệt độ là chính chứ không chú ý nhiều đến tải trọng phức tạp. Ngược lại, đối với khe co giãn cầu dây văng thì yếu tố tải trọng là chính, nhiệt độ là phụ vì cầu có chiều dài rất lớn và chịu tác động nhiều yếu tố bất lợi.
Do đó, thiết kế khe co giãn và gối đỡ giữa cầu chính và cầu dẫn là một thiết kế phức tạp. Thông thường bề rộng này đều trên dưới một mét.
Khe co giãn giữa phần cầu chính và cầu dẫn thường rất lớn để đảm bảo khi biến dạng cầu có thể tự do chuyển vị ở hai đầu. Đặc điểm của cầu dây văng là co giãn hàng ngày, vì ngoài sự ảnh hưởng của nhiệt độ thì cầu còn chịu các biến dạng và dao động của kết cấu cầu chính khi chịu tổ hợp tải trọng bất lợi như động đất, gió lớn, tải trọng phương tiện… Chính vì vậy, khe co giãn phải được thiết kế cẩn thận và an toàn nhất.
Cầu Phú Mỹ được thiết kế chịu được động đất cấp 7, bài toán gió động được kiểm tra trong hầm gió tại Pháp để hiệu chỉnh lại kích thước kiến trúc của cầu. Hạng mục thi công căng cáp theo công nghệ chỉnh dây từng sợi theo giai đoạn thi công hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.
Trong các giai đoạn thiết kế khe co giãn cho cầu dây văng Phú Mỹ, đều đã có thẩm tra, thẩm định, so sánh nhiều tiêu chuẩn và thông số khe co giãn của các cầu dây văng đã được xây dựng của thế giới, kiểm tra mô phỏng thông qua nhiều phần mềm và thí nghiệm của nhà sản xuất.
Khi triển khai thi công cầu Phú Mỹ theo bản vẽ thiết kế và hợp đồng, công tác kiểm soát rất chặt chẽ, giám sát nghiệm thu đều đảm bảo các yêu cầu chất lượng, thời gian bảo hành bảo trì vừa qua cũng chứng tỏ không có gì sai sót từ thiết kế, thi công. Như vậy, hạng mục gối và khe co giãn cầu Phú Mỹ, chất lượng thiết kế và thi công khẳng định không có vấn đề gì.
“Nếu là cầu thép người ta có thể thiết kế bảng thép cùng với con trượt để che khoảng hở giữa hai nhịp cầu. Nhưng làm bảng che đối với cầu bê tông thì hơi cầu kỳ và tốn kém. Người ta chỉ làm đối với cầu vượt bằng bê tông trong khu đô thị lớn vì phía dưới có nhiều người qua lại chứ không ai làm đối với cầu qua sông. Thế giới cũng cũng không nghĩ ra có người chụp hình rồi suy diễn bậy bạ khiến người dân lo sợ, bán tín, bán nghi,…tạo dư luận không tốt, gây bất lợi cho xã hội”, ông Sanh nói.
Trên trang cá nhân của mình, Th.s Nguyễn Trọng Nghĩa – Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải - cũng khẳng định, khe co giãn trên cầu Phú Mỹ được thiết kế khoảng hở là 890 mm nên việc chụp ảnh nhìn thấy khoảng hở rộng là hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra, Th.s Nghĩa cũng thể hiện quan điểm: “Theo ý kiến cá nhân tôi, cần tẩy chay những người làm việc thiếu cái tâm và cái tầm để xã hội Việt Nam phát triển…”.
Quốc Anh