1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện ghi ở trường bắn Long Bình

6h kém một ngày tháng 3, chiếc xe bịt bùng của Công an TPHCM lao nhanh trên xa lộ Hà Nội, kèm theo là tiếng còi hú vang mở đường, hướng về trường bắn Long Bình (Q.9). Lại sắp có tử tù phải trả giá vì tội ác của mình...

Chuyện ghi ở trường bắn Long Bình - 1
Mộ đất của Phước Tám Ngón.

 

Những thủ tục cuối cùng

 

Lúc chúng tôi đến, người dân xung quanh khu vực ngã ba Lương Sơn, phường Long Bình (Q.9) - đường dẫn ngược lên khu vực bắn tử tù đi xem đông kín. Chiếc xe đặc chủng áp giải một người đàn ông và một người phụ nữ bị bịt kín để tiến về hai cột pháp trường, cao chừng 2 mét. Tại đây, cả hai tử tù bị cột chặt tay và chân vào cột. Chính nơi này đã tử hình Năm Cam và đồng bọn năm nào trong màn sương giá lạnh.

 

Hai tử tù bị pháp luật nghiêm minh trừng trị hôm nay can tội “buôn bán chất ma túy” là Nguyễn Thị H. và Trịnh Tiến H. Trịnh Tiến H. sinh năm 1961, tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội); còn Nguyễn Thị H. sinh năm 1954 tại Hải Phòng. Theo biên bản luận tội, Nguyễn Thị H. cầm đầu một đường dây buôn bán ma túy, còn Trịnh Tiến H. là người đi “giao hàng”.

 

Sau khi đọc xong biên bản, nhóm thực hiện tử hình gồm 5 cảnh sát đồng phục đồ bảo hộ xếp hàng ngang để tiến hành công việc. Mỗi tử tù bị bắn 5 loạt đạn, mỗi loạt 5 phát và kết thúc bằng phát súng ân huệ của người đội trưởng xuyên qua lỗ tai. Những tiếng đạn khô khốc vang lên xóa tan buổi sáng im lặng xung quanh khu vực trường bắn. Tử tù từ từ ngã xuống sau khi cắt dây. Nghe tiếng đạn, người dân hiếu kỳ lao đến (tất nhiên là chỉ được đứng xem ở khu vực ngoài) mỗi lúc một đông nghẹt.

 

Xác tử tù được cho vào hai chiếc quan tài, bộ phận pháp y sẽ kiểm tra lại lần cuối, trước khi các anh em “phu” trường bắn vuốt mắt cho tử từ và hạ huyệt. Quá trình sau đó là lấp đất cho tử tù được nằm cạnh nhau cách nơi bắn không xa. Trước đó, đội thi hành án tử đã “rút” ngay khi xong nhiệm vụ.

 

Anh Nguyễn Thanh Vân, nhà ở gần cây xăng dẫn vào trường bắn, nói: “Vẫn biết là hai tử tù này bị tử hình là đúng, nhưng khi bỏ vào quan tài mới thấy tiếc cho họ. Giá mà đừng làm sai pháp luật thì đâu đến nỗi...”. Vì việc đảm bảo bí mật mà người thân của gia đình cũng không được báo trước.

 

Chúng tôi đã từng chứng kiến xử bắn tử tù tại trường bắn Cầu Ngà, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km; trường bắn dưới núi Bà Hỏa, cách trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) 4 km... và nhận thấy tử tù đều gục ngã như nhau sau khi được cắt dây. Công tác bí mật trong việc dẫn giải, thi hành án tử... các tỉnh, thành đều tuân thủ theo nguyên tắc của ngành công an.

 

Nghĩa trang tử tù

 

10h trưa, người đi xem về hết thì công việc lấp đất huyệt cho tử tù cũng đã xong. Lúc này đây chỉ còn lại không gian vắng tanh đến rợn người, thoảng qua là cơn gió nhẹ dưới những cây xanh nho nhỏ. Khói nhang quện vào đĩa kẹo ngọt trên mộ tử tù còn mới nguyên.

 

Sau đó khoảng một tiếng đồng hồ, gia đình tử tù thuê vội xe ôm vào thăm nơi an nghỉ cuối cùng của người thân. Bên nấm mộ còn nguyên đất mới, bố mẹ của tử tù Trịnh Tiến H. khóc lóc vật vã. Người cha của tử tù nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Cả nhà tôi không ai dính vào ma túy. Biết con trai mình có dính đến ma túy, tôi nói nó bỏ ngay chứ không là từ luôn. Nào ngờ nó dính đến vụ án này”.

 

Hai ông bà già dẫn đứa cháu nhỏ vào Nam để nhìn mặt bố nó lần cuối, nhưng không kịp. Trong lúc ông bố có vẻ điềm tĩnh vì biết trước giây phút này thì bà mẹ tử tù gục lên gục xuống. Đứa con nhỏ của nam tử tù chừng 4 -5 tuổi chạy tới chạy lui, tíu tít gọi ông bà nội: “Ông (bà) ơi, bế cháu với. Sao ông bà khóc nhiều thế?”. Hai vợ chồng già lau vội nước mắt, ôm chặt đứa con trai của  tử tù vào lòng...

 

Chứng kiến cảnh đó, tự nhiên tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Vẫn biết tử tù phải trả giá cho tội ác mà mình gây ra, nhưng nếu trước khi gieo rắc loại ma túy giết người, gây ra biết bao cảnh gia đình đổ vỡ, hủy hoại bao nhiêu mạng sống thì họ có biết phút giây này không? 

 

Một lúc sau, những người thân của nữ tử tù khóc ít hơn, thay phiên nhau đi thắp nhang cho những nấm mộ tử tù xung quanh để cầu nguyện cho họ thanh thoát, kiếp sau phải hoàn lương làm người lương thiện. Hết khóc, họ im lặng, tuyệt nhiên không ai nói với nhau câu gì. Có lẽ mất mát vừa qua không giấu được sự tự ti khi là người thân của tử tù.

 

Trường bắn Long Bình hiện có hơn 600 nấm mộ tử tù nhưng thật khó để nhìn thấy hết. Nhiều ngôi mộ đã lâu không có người thân chăm sóc nên bị cỏ dại phủ quá đầu, có mộ còn bị sụt lún. Ông Ba Phương -  một “phu” trường bắn có thâm niên, hiện đã giã từ cái nghiệp mà theo như ông là “vợ không dám ngủ chung chồng”, nói: nhiều mộ vì có gia đình ở xa quá nên bỏ hẳn luôn. Có mộ vì gia đình từ chối nên không hề đến chăm sóc.

 

Thông thường khi những tử tù ngã xuống chỉ có một nấm đất, nếu gia đình có tiền thì thuê thợ xây lại bằng xi măng cho khang trang. Tuy nhiên, nhiều gia đình tử tù nghèo quá nên để vậy và vài năm mới đến... thắp nhang nếu ở xa. Nhiều mộ đất ngã sụp vào thời gian vì không có người thân quan tâm. Chỉ có người thân của tử tù mới tử hình đến chăm nom làm mộ thì mới tạt xuống thắp giúp luôn nén nhang thơm.

 

Chị N. người thân của một nam tử tù vừa thắp nhang vừa nói trong nước mắt: “Mong cho ảnh xuống suối vàng phấn đấu thay đổi để nếu có hóa làm người cũng phải làm cho được con người lương thiện”. Theo chị N. từ ngày anh trai mình bị tử hình, gia đình nhục nhã không dám ra đường cũng như cả năm mới đến thăm mộ.

 

2h chiều, nghĩa trang tử tù trở lại vẻ bình thường trong hoang lạnh. Đó là cái giá phải trả cho những tay anh chị, những tên giết người hay những kẻ gieo rắc cái chết trắng cho đồng bào mình. “Ngày thường thì không ai dám vào đây đâu, ghê lắm. Khi có khách thuê, chúng tôi là người địa phương còn sợ nữa là!” -  anh Minh, một lái xe ôm trong khu vực kể.

 

Hỏi cánh xe ôm mộ Năm Cam ở đâu thì không ai biết. Họ chỉ biết mộ của Phước Tám Ngón - một thời tung hoành giới giang hồ - đang nằm dưới một cái cây xanh che mát, trong khi các mộ khác phải nằm dưới ánh nắng chói chang. Đó là một ngôi mộ đất không có gì đặc biệt lắm, chỉ có điều là nằm ở vị trí... dễ tìm.

 

Theo Hoàng Hùng

Gia đình & Xã hội