1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyến đi làm tan băng

Nếu chuyến đi Hoa Kỳ năm 2006 của Thủ tướng Phan Văn Khải được coi là chuyến đi phá băng thì chuyến viếng thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là chuyến đi làm tan băng thật sự trong quan hệ về nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nói về chuyến thăm Hoa Kỳ lần này (từ 18 đến 24/6/2007) của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, báo chí Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã nhận định như thế.

 

Đạt được mức tin cậy ngoại giao

 

Thành công trước hết và quan trọng nhất của chuyến đi, chính là kể từ nay, quan hệ giữa hai nước đã thật sự thay đổi. Theo đánh giá của nhiều người, có lẽ chưa bao giờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước lại đạt được sự tin cậy như hiện nay.

 

Sau chuyến đi, chúng ta đã khẳng định được với thế giới, với Hoa Kỳ thiện chí xây dựng mối quan hệ hợp tác nhiều mặt - đặc biệt là kinh tế - của chúng ta với Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

 

Vì đã có thiện chí ấy mà trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hoa Kỳ G.W. Bush - vốn được dự đoán là sẽ rất khó khăn - cũng như các cuộc gặp gỡ khác giữa Chủ tịch nước ta với lãnh đạo 2 viện trong Quốc hội Hoa Kỳ, chúng ta đã không né tránh các vấn đề còn bất đồng giữa 2 bên nhưng cũng đồng thời tỏ rõ thái độ sẵn sàng đối thoại, thông tin về các vấn đề này để 2 bên thông cảm và chia sẻ cùng nhau.

 

Mặt khác, chúng ta cũng tỏ rõ thái độ không vì những bất đồng ấy mà cản trở các quan hệ khác giữa 2 nước. Thẳng thắn, cởi mở và nồng hậu là tinh thần mà cả hai nhà lãnh đạo cao nhất của 2 nhà nước và cả các bên cùng duy trì tại các buổi hội đàm trên đất Mỹ trong chuyến đi vừa qua.

 

Theo thông báo của Chủ tịch nước, Quốc hội Hoa Kỳ cũng vừa phê chuẩn việc chi 400.000 USD hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 3 triệu USD để tẩy độc các vùng bị nhiễm độc ở khu vực miền Trung nước ta. Việc phê chuẩn này diễn ra ngay trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần mang lại thành công cho chuyến đi trên một lĩnh vực mà nhiều năm qua ta phải đấu tranh bền bỉ và không khoan nhượng với Mỹ.

 

Thành quả to lớn về hợp tác kinh tế

 

Một con số khác cũng thuyết phục không kém về kết quả to lớn của chuyến đi, đó là con số trên 11 tỷ USD đầu tư, hợp tác với Việt Nam mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã ký kết hoặc thỏa thuận ghi nhớ với các doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước. Tất cả doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp lớn trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có mặt trong chuyến đi lịch sử này, đều thừa nhận rằng chưa có chuyến công du ra nước ngoài nào của các vị lãnh đạo đất nước mà kết quả về các thỏa thuận kinh tế lại lớn đến như vậy.

 

Kết quả này là thành quả chung của cả đất nước, đặc biệt là từ thiện chí của chúng ta. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: “Chỉ riêng con số 150 doanh nhân đại diện gần 150 doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi này đã nói lên việc chúng ta muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ và mong muốn thúc đẩy hơn nữa làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam”.

 

Không chỉ là số vốn đầu tư khá lớn, điều quan trọng hơn là trong gần 20 biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác… mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ ký kết với doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết đều tập trung đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần như xây dựng hạ tầng cảng biển, xây dựng các nhà máy điện, các khu và cụm công nghiệp, đầu tư phát triển thị trường tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông…

 

Ngoài các hợp đồng đầu tư, chúng ta còn ký được các hợp đồng có tính chất hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý thị trường tài chính, chứng khoán như thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM với Sở giao dịch chứng khoán New York; các thỏa thuận về liên doanh thành lập trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam và cả những hợp đồng lớn về xuất nhập khẩu.

 

Như vậy, cùng với quy mô vốn, số lượng dự án thì chất lượng các dự án cũng tăng lên rất mạnh bởi các lĩnh vực về hạ tầng, công nghệ cao, tài chính, giáo dục… là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có trình độ đứng vào hàng thứ nhất thế giới và chúng ta đang rất cần để nâng cao hơn nữa tiến trình công nghiệp hóa đất nước.

 

Gửi thông điệp hòa hợp dân tộc đến kiều bào ở Mỹ

 

Cả chuyến đi kéo dài 7 ngày, dừng chân ở 3 thành phố lớn của Mỹ thì đã có đến 2 ngày Đoàn lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam dừng chân ở Los Angeles thuộc bang California, bang được coi là có đông người Việt sinh sống nhất ở Mỹ. Và cũng tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có buổi gặp gỡ Việt kiều Mỹ với số lượng đông nhất - gần 800 người - so với 2 cuộc gặp gỡ trước đó ở New York và Washington D.C.

 

Cũng tại Los Angeles, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã đến tận nhà riêng thăm một Việt kiều sinh sống ở quận Cam. Tất cả những động thái đó của vị đứng đầu Nhà nước Việt Nam là một bằng chứng thuyết phục về thái độ và chính sách nhất quán xem Việt kiều là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; về sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là bà con Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ.

 

Việc bất chấp mọi nguy hiểm cũng như khả năng bị công kích, thóa mạ của một số Việt kiều quá khích để đến tận nơi gặp gỡ bà con Việt kiều của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã được cộng đồng người Việt sinh sống tại California và trên cả nước Mỹ ghi nhận và trân trọng.

 

“Ngài là vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam đến tận quận Cam này để gặp bà con Việt kiều ở đây. Phái đoàn của ngài cũng là phái đoàn cao cấp nhất của Nhà nước Việt Nam mà chúng tôi lần đầu tiên được gặp ngay tại bang Cali này. Và đây cũng là lần đầu tiên bà con Việt kiều ở đây đến gặp một quan chức Việt Nam với số lượng đông như vậy”. Đại diện bà con Việt kiều tại quận Cam đã xúc động nói với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết như thế.

 

Cùng với việc đến tận nơi thăm bà con, công bố bãi miễn thị thực nhập cảnh cho Việt kiều về thăm quê hương từ 1/9 tới đây và chuyển giao nghĩa địa Bình Dương cho chính quyền địa phương để bà con Việt kiều dễ dàng tới lui thăm viếng, chăm sóc mồ mả người thân và bài phát biểu “từ trái tim và tấm lòng của một người con nước Việt” (nhận xét của ông Nguyễn Cao Kỳ về bài nói chuyện của Chủ tịch nước khi gặp gỡ bà con Việt kiều tại quận Cam) đã thực sự khiến bà con Việt kiều ở Cali cảm động và tin tưởng vào thiện chí của Đảng, của Chính phủ Việt Nam.

 

“Chắc chắn tôi sẽ trở về Việt Nam. Chắc chắn tôi sẽ nói và thuyết phục nhiều bạn bè của tôi hôm nay chưa dám đến buổi gặp mặt này về thăm Việt Nam, rằng Nhà nước Việt Nam không hề kỳ thị Việt kiều, rằng chúng tôi bây giờ cũng là một phần máu thịt Việt Nam. Tôi và nhiều bạn bè tôi hơn 25 năm rồi chưa một lần về lại quê nhà…”. Trong khán phòng nơi diễn ra buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước ở Los Angeles, một Việt kiều đã đứng tuổi, người trước đây có dính dáng ít nhiều đến chế độ cũ đã rơi nước mắt nói với cánh báo chí chúng tôi như vậy…

 

Theo Trúc Quân
Sài Gòn Giải Phóng