1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện của những người mang cái tên “không giống ai”

(Dân trí) - Trong đời ai cũng mong muốn mình có một cái tên đẹp, cái tên sẽ đi theo họ suốt cuộc đời. Thế nhưng vì một lý do nào đó mà họ lại mang một cái tên “khó nghe”...

Rất tình cờ tôi gặp một cô gái có tên thật... khó nghe: Nguyễn Thị Tý Hèn (quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Tôi hỏi: “Ngày xưa ba mẹ em hết tên rồi hay sao mà đặt cho em cái tên như kỳ vậy?”. Hèn trả lời: “Dạ đâu có . Ổng bả muốn đặt cho em cái tên hay nhưng rồi khi đi làm khai sinh mấy ông cán bộ xã nghe không rõ nên khi ghi vào giấy khai sinh em bị cái tên đó chứ”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy thì cái tên mà ba mẹ em định đặt là tên gì?”. Tý Hèn trả lời: “Dạ, tên Tý Hằng”.

Đáng lẽ cái tên phải là Tý Hằng nhưng lại là Tý Hèn
Đáng lẽ cái tên phải là Tý Hằng nhưng lại là Tý Hèn
 
“Cái tên dở hoét này đã theo em từ lúc sơ sinh cho đến nay. Không biết làm sao mà sửa”, Tý Hèn tâm sự. Vậy là đã rõ. Khi đi làm giấy khai sinh, cán bộ tư pháp xã hỏi muốn đặt con tên gì. Do nghe không rõ mà từ Tý Hằng ra Tý Hèn. Rất may Tý Hèn đã có chồng. Hai người đều làm công nhân cho một công ty X. Đã có 2 đứa con khỏe mạnh.

Hồi còn nhỏ nhà tôi ở gần một gia đình làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng. Ông chủ tên là Đá. Ông có 6 người con được đặt tên: Cát, Sạn, Gạch, Gỗ, Sắt, Thép. Nhà 4 trai, 2 gái, mấy ông nam có tên Cát, Sạn, Sắt, Thép còn đỡ, hai cô con gái “dính” luôn cái tên Gạch và Gỗ. Sau này chị Gỗ đi học sư phạm và ra đi dạy. Có lần tôi nghe rõ ràng học sinh đến nhà gọi “Dạ, có cô Gỗ ở nhà không?”. Nghe thật đau, ứa nước mắt vì một cô giáo dễ thương mà lại có cái tên “cứng ngắc” như vậy. Còn chị Gạch thì... không có chồng.

Đừng nói tên gì cũng được, không chết ai nhưng một cái tên dở sẽ ảnh hưởng đến con người cho đến suốt đời.

Tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với một cái tên mà tôi đoan chắc là cán bộ tư pháp xã nghe một đường viết một nẻo, hay nói đúng hơn là ghi sai chính tả. Người phụ nữ có tên Lê Thị Da Ly (trú huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Tên này rõ ràng là cán bộ tư pháp xã viết sai chính tả
Tên này rõ ràng là cán bộ tư pháp xã viết sai chính tả

Tôi đã hỏi cô Da Ly và cô cho biết ý định của bố mình là muốn đăt tên Ya Ly. Đúng cái tên của thủy điện lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên. Ngày xưa ở Tây Nguyên những người dân tộc đặt tên các làng, bản đều có chữ Ea đàng trước. Ea có nghĩa là sông. Ví dụ huyện Ea Leo, Ea Súp... Sông chảy qua vùng đất nào thì họ đặt tên vùng đất theo tên sông đó. Ngay chữ Nha Trang cũng có nguồn gốc là Ea Trang, nghĩa là dòng sông lau sậy. Sau này nói thành Nha Trang. Chữ Ea Ly tức là sông Ly nhưng đến lúc Việt hóa thành I a Ly hay Ya Ly. Như vậy có thể ghi là I a Ly hay Ya Ly chứ không thể viết là Da Ly.
 
Một trường hợp có tên Lê Thị Thúy Việc (trú huyện Điện Bàn, Quảng Nam) cũng vậy. Ý người ta đặt là Thúy Việt mới hay. Việt ở đây là Việt Nam, nước Việt vậy mà các cán bộ tư pháp xã lại ghi là Việc (việc làm).
 
Những cái tên trên chứng minh thư “không giống ai” làm cho người mang tên đó phải khổ
Những cái tên trên chứng minh thư “không giống ai” làm cho người mang tên đó phải khổ

Cái tên viết bị sai đã tức anh ách rồi mà đi đâu cũng bị hỏi vì sao, tại sao... thật mệt. Mong cán bộ xã ngày càng được đào tạo bài bản, có kiến thức tốt để khỏi viết lầm như những cái tên đáng tiếc như Tí Hèn, Thúy Việc, Da Ly đã nói ở trên. 

Một câu chuyện có thật 100% để chứng minh trong cuộc đời này vẫn có nhiều người sống với cái tâm trong sáng dẫu họ là một người rất đỗi bình thường, cuộc sống vẫn còn chật vật theo cơm áo.

L., một nữ hộ sinh kể cho tôi về một chuyện cô đã gặp cách đây gần 10 năm. “Tối đó em đi trực. Phiên trực của em tiếp nhận 2 vợ chồng trẻ dẫn nhau đi sinh. Ngoài 2 người ra thì không hề có thêm một ai. Cuộc sinh diễn ra khá suông sẻ, song khi họ bồng đứa con thì vẻ mặt họ rất buồn. Hóa ra 2 người lấy nhau mà không có sự đồng ý của gia đình nên không hề thấy 2 bên gia đình nội ngoại đến thăm. Sáng hôm sau em đi chích thuốc, tình cờ em nghe người mẹ nằm bên nói với đứa con: “Sau này mẹ sẽ đặt tên con là Hận để ghi nhớ một mối tình không được chấp nhận”.

Nghe xong, nữ hộ sinh L. đến cạnh cô ta rồi nói: “Em xin lỗi chị, em không cố tình nghe nhưng chị nói sẽ đặt con tên là Hận thì em thấy tội nghiệp cho em bé quá. Nó đâu có lỗi, lỗi là ở người lớn mà lại bắt nó gánh chịu. Nó mang một cái tên như vậy suốt cả đời. Sau này nó đi học, chắc chắn là rất nhiều người hỏi vì sao lại có tên như vậy. Nó sẽ mang một tâm trạng nặng nề, một nỗi buồn không bao giờ dứt ra được. Chị có muốn con chị sau này khổ sở như vậy không? Thôi, em khuyên chị bỏ ý định đó đi, hãy đặt cho nó một cái tên thật hay, thật xinh đẹp và hãy dành tất cả những gì có để cho nó. Như vậy có phải hơn không”. Cô gái đó đã khóc, cám ơn em và hứa sẽ không đặt tên Hận cho con nữa.

 B.Thuyên - C.Bính