Chuyện của một nữ sinh lớp 8 bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ
Câu chuyện có thật của một nữ sinh người Mông bị bạn lừa bán sang Trung Quốc làm vợ trở thành ý tưởng cho một vở kịch “tự biên tự diễn” độc đáo.
Anh Giàng A Của, cán bộ y tế xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, hiện tượng phụ nữ địa phương bỏ nhà đi sang Trung Quốc diễn ra hàng chục năm nay. Mặc dù đã được tuyên truyền, nhưng nhiều chị em vẫn bị mắc lừa các đối tượng “cò mồi” chăn dắt sang bên kia biên giới.
Làm gì để ngăn chặn tình trạng này ngay tại cộng đồng? Đây là điều khiến anh cùng các tuyên truyền viên ở địa phương trăn trở. Anh nghĩ, điều quan trọng là phải bóc trần thủ đoạn của những kẻ buôn người để bà con cảnh giác, phòng ngừa, không mắc mưu kẻ xấu.
Từ chuyện nữ sinh bị lừa bán
Trở về sau chuỗi ngày bị người bạn gái cùng trường lừa bán sang tại Trung Quốc, T., nữ sinh lớp 8, dân tộc Mông ở xã Tả Phìn tự hứa sẽ không bao giờ nghe theo lời rủ rê ngon ngọt của bất cứ ai, dù đó là người quen thân của mình, có việc gì em sẽ hỏi mẹ nhờ các chú công an giải quyết.
Trước đó, tháng 12/2014, T. được một cô bạn cùng trường rủ lên thị trấn Sa Pa bán hàng lưu niệm cho khách nước ngoài. Người bạn tỉ tê: “Lên thị trấn, tớ có người chị trên đó cần người bán hàng. Xinh đẹp như T. chắc chị ấy ưng và trả lương cao, có tiền mua quần áo mới, đóng tiền học, giúp đỡ mẹ”. Cô bạn rủ T. đi chợ mua cho một bộ quần áo đẹp, đưa em “lên để bà chị hướng dẫn cho cách bán hàng rồi chiều về ngay”.
T. không ngờ đã rơi vào cạm bẫy của một mắt xích trong đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em gái sang Trung Quốc. Khi T. biết bộ mặt thật của cô bạn thì đã muộn. T. được bán làm vợ cho một người đàn ông ngoài 30 tuổi. Ở một vùng núi hẻo lánh, lại không biết tiếng bản địa, T. suốt ngày lầm lũi, phải lao động vất vả, bị gia đình “chồng” canh chừng.
Đến tháng 5/2015, nhân lúc đi làm rẫy, T. đã bỏ trốn. Bị “chồng” phát hiện và đuổi theo, T. vô cùng hoảng hốt và nghĩ “nếu họ bắt được mình thì sẽ bị đánh đập, giam giữ đến chết”. Em cố chạy “bán sống bán chết” xuống núi thì may mắn gặp nhóm công an người Trung Quốc. Sau khi xác nhận nhân thân T. với phía công an Lào Cai, công an Trung Quốc đã hỗ trợ đưa em trở về nhà.
Người đàn ông đang thuyết phục một em gái "lên thành phố" nhưng thực chất là lừa bán cho đường dây buôn người (cảnh trong vở kịch)
Trăn trở của người ở nhà
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng xã Sa Pả, trong 10 năm qua đã có khoảng 100 phụ nữ bỏ đi. Những em gái thường bị rủ rê đi làm ăn, buôn bán trên thành phố rồi bị bán sang Trung Quốc. Những phụ nữ có chồng con bỏ đi thường do bị bạo lực gia đình, bị lừa, hoặc do tự nguyện. Nhiều trường hợp bỏ lại con thơ nheo nhóc với người chồng nát rượu nơi bản làng.
Anh Mã A Pho, một tuyên truyền viên của xã Sa Pả cho biết, hầu hết những nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc một thời gian sau trở về với bộ dạng khác, béo tốt hơn. Sau đó họ lại trở thành “đầu mối” để rủ rê những chị em khác với chiêu thức “đi bán hàng, làm thuê ở thành phố kiếm được nhiều tiền”. Tuy nhiên, khi bị lừa bán sang Trung Quốc, những chị em người dân tộc này thường phải làm nghề biểu diễn, làm vợ “buôn hương bán phấn” kiếm sống.
Anh Mã A Pho cho biết, có gia đình thấy con mất tích, đi tìm nhiều năm không thấy, tưởng con ăn lá ngón tự tử, nhưng sau đó các cháu trở về mới biết là bị bán sang bên kia. Có trường hợp người vợ bỏ đi biệt tăm, chồng ở nhà lấy vợ mới, nhưng khi người vợ cả quay về lại rủ rê người vợ hai sang Trung Quốc, khiến người chồng phải nuôi đàn con thơ rất cám cảnh. Nhiều chị em trở về nói ở bên kia rất sung sướng, được gia đình tin tưởng là lấy chồng Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không phải, đó là “mẹo” để lừa được “con mồi”, bởi đã có trường hợp tự tử bên xứ người.
Anh Giàng A Của, cán bộ y tế xã Tả Phìn cho biết thêm: “Từ trước đến nay, chính quyền địa phương có nhiều biện pháp tuyên truyền cho bà con không tin người lạ rủ rê. Tuy nhiên, để bà con nhận thức đầy đủ, dễ hiểu hơn, nhóm tuyên truyền viên của Sa Pả và Tả Phìn đã xây dựng vở kịch về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái để biểu diễn cho bà con xem để rút ra bài học cảnh giác”.
Đến vở kịch từ câu chuyện có thật
Với ý tưởng đó, anh Pho, anh Của đã tập hợp 10 người là cán bộ thôn bản của hai xã cùng một số bà con có “năng khiếu” để tập vở kịch. Không kịch bản, không giấy tờ, “đạo cụ” là những vật dụng quen thuộc như chiếc điếu cày, bếp than, sợi lanh… Dựa trên câu chuyện có thật của nữ sinh T., bà con đã dàn dựng, đạo diễn và là diễn viên đã kể lại câu chuyện một cách sinh động, ngôn ngữ Mông gần gũi, với những tình tiết cụ thể khiến bà con rất dễ hiểu.
Vở kịch có nội dung về một cô bé tuổi mới lớn bị người quen trong làng rủ rê lên thành phố làm việc. Nghe lời, cô gái đi theo, nhưng không may bị bán cho một gia đình người Trung Quốc và hàng ngày phải lao động vất vả, bị đánh đập, đối xử tàn nhẫn. Một lần, nhân lúc đôi vợ chồng này lơ đễnh, cô bé đã bỏ trốn về nhà và cùng bố mẹ lên tố cáo đối tượng buôn bán người với công an địa phương. Đối tượng ngay sau đó đã bị bắt sau khi “ngựa quen đường cũ” quay trở lại rủ rê người phụ nữ khác.
“Vở kịch do người dân chúng tôi dàn dựng, là diễn viên và kể lại câu chuyện của mình đã trải qua. Thông điệp muốn nhấn mạnh là bà con hãy cảnh giác không chỉ với người lạ, mà cả với người thân quen, bởi chính sự quen biết, cả tin nên nhiều phụ nữ và trẻ em gái mắc mưu những kẻ buôn người” - anh Giàng A Của nói.
Vở kịch đã được “công diễn” hai lần tại Tả Phìn và Sa Pả, được đông đảo người dân tán thưởng. Ông Đỗ Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cũng là người sâu sát với bà con, góp ý xây dựng vở kịch. Theo đánh giá của ông Trí, đây là hoạt động tuyên truyền rất cần thiết, hữu ích do chính cộng đồng lên ý tưởng và đề xuất giải quyết các vấn đề “nóng” của bà con.
Theo Lại Thìn
VOV