Chuyện con trai “Công tử Bạc Liêu” đón Tết ra sao?
(Dân trí) - “Từ khi con gái bị bệnh, gia cảnh bắt đầu đi xuống, bán nhà ở trọ hơn 17 năm qua. Giờ đây được tỉnh cấp cho cái nhà sau hai cái Tết đợi chờ chúng tôi hạnh phúc lắm”, bà Nguyễn Thị Nga- con dâu của "Công tử Bạc Liêu" chia sẻ với chúng tôi.
Chiều ngày 8/2, nhằm 28 tháng Chạp cuối năm, không khí Tết đã tràn ngập nơi nơi, năm mới Quý Tỵ 2013 chỉ còn tính từng giờ, từng phút, chúng tôi có chuyến về Bạc Liêu ghé thăm gia đình ông Trần Trinh Đức- con trai của "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy. Chuyến ghé thăm ngày cuối năm khá bất ngờ nên gặp lúc ông Đức không có nhà, chỉ có vợ và con gái ông.
Do có mối liên hệ từ trước nên chúng tôi được con dâu của "Công tử Bạc Liêu"- bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Đức) tiếp chuyện khá thân tình. Dù đã ở cái tuổi 60 nhưng trông bà Nga vẫn còn giữ được những nét rất “đặc biệt” của “tiểu thư” Sài Gòn.
Sông có khúc, người có lúc...
Lần đầu trò chuyện trực tiếp với chúng tôi nhưng con dâu của "Công tử Bạc Liêu" khá cởi mở. Khi chúng tôi hỏi thăm về những chuyện quá vãng của cuộc đời, bà Nga cũng không giấu diếm gì.
Đưa đôi mắt đã có nét chân chim nhìn ra phía cửa, bà Nga hồi tưởng: Bà sinh ra ở Sài Gòn, từng học hết tú tài 1, 2. Gia cảnh của bà thời đó khá giả nên ngoài việc học, bà cũng có điều kiện vui chơi với bạn bè. Khi bà mới 19 đôi mươi thì trong một lần đi nhảy, bà gặp ông Trần Trinh Đức, lúc đó hơn bà 6 tuổi. Gặp nhau, cảm mến nhau và hai người đã quen nhau.
Khoảng năm 1973, “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy bị bạo bệnh nằm ở nhà lớn trên Sài Gòn. Những ngày tháng này, ông Đức là người con trai thường xuyên ở bên cạnh cha mình nhất. Sau một thời gian biết cha khó qua khỏi, ông Đức và người yêu là bà Nga quyết định “cưới chạy tang”. Sau đám cưới của con trai chưa được bao lâu thì "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy mất.
Đám tang của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy được tổ chức cũng khá rình rang, thi thể ông được mang về nhà lớn dưới Bạc Liêu (hiện nay là Nhà hàng- Khách sạn Công tử Bạc Liêu) và sau đó đưa đi chôn tại phần đất gia đình cùng với cha mẹ của ông là Hội đồng Trần Trinh Trạch.
Bà Nga cho biết, dù đã cưới ông Đức nhưng bà chưa bao giờ được sống trong căn nhà lớn ở Bạc Liêu mà chủ yếu là sống ở Sài Gòn. Sau đám tang của ông Trần Trinh Huy, vợ chồng bà Nga tiếp tục lên Sài Gòn sinh sống. Thời gian này, cuộc sống của vợ chồng bà rất sung túc do việc buôn bán kinh doanh làm ăn được. Khoảng năm 1974, vợ chồng bà sinh được một con trai.
Sau đó, vợ chồng bà sinh thêm được một cô con gái là Trần Thị Phượng (hiện nay 36 tuổi, đang sống với vợ chồng bà). Năm 19 tuổi, người con gái này một lần đi chơi bị sốc thuốc rồi bất ngờ đổ bệnh khiến tâm thần bấn loạn. “Đó là khoảng năm 1996, vợ chồng tôi phải bán nhà và tất cả những gì đáng giá để chữa bệnh cho con gái nhưng vẫn không cứu được con nó trở lại bình thường”, bà Nga buồn bả nói khi nhớ lại thời khắc đó.
Cũng từ khi bán nhà, cả gia đình kéo nhau đi thuê trọ và cũng đã thuê qua nhiều nhà trọ để ở giữa chốn Sài Gòn. Công việc làm ăn bắt đầu đi xuống nên kinh tế eo hẹp dần. Con trai “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Đức phải bươn chải nhiều nghề để nuôi vợ con. Và một trong những nghề mà ông Đức kiếm tiền là chạy xe ôm.
“Thật sự chúng tôi có một thời rất vàng son, không suy nghĩ nhiều về chuyện tiền bạc nên cuộc sống hồi đó thoải mái lắm. Giờ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, miếng cơm kiếm ăn từng bữa, tuổi cũng đã già mới hiểu được cuộc sống có những số phận của nó, ai cũng có một thời thế này thế kia,. Sông có khúc, người cũng có lúc chú à”, bà Nga bùi ngùi nói.
Qua cách tiếp chuyện, dù đã “xuống sắc” nhưng quả thật chúng tôi thấy bà Nga có vẻ rất hiểu chuyện thời thế. Cách nói chuyện của bà vẫn như là một “tiểu thư” có học thức ngày nào ở Sài thành. Bà không ngại chia sẻ đời mình khi từ một cuộc sống “không nghĩ đến chuyện thiếu tiền” đến cuộc sống khó khăn "chạy ăn từng bữa" như hiện nay. Có vẻ như, ở cái tuổi 60, bà thấy rằng, cái tuổi này cũng chẳng còn gì phải tuyến tiếc bởi vinh nhục đã có đủ khi bà "chót" mang danh phận là con dâu “Công tử Bạc Liêu”.
Ấm lòng hậu thế "công tử"
Bà Nga cho biết, bà và ông Đức chuyển về Bạc Liêu hồi tháng 7/2010 sau khi địa phương có ý muốn hỗ trợ “hậu thế” của “Công tử Bạc Liêu”. Trước đó, vào khoảng năm 2008, trong một lần chạy xe ôm chở một nhà báo, ông lái xe ôm thường ngày đậu chờ khách ở đường Điện Biên Phủ bắt đầu được người ta biết đến là con trai của “Công tử Bạc Liêu” khi có nhiều tờ báo đưa tin.
Sau khi về Bạc Liêu, gia đình ông Đức được cho mượn tạm một cái nhà để ở trên đường Trần Huỳnh. Ông Đức cũng được nhận vào làm với công việc "tiếp chuyện kể cho khách nghe về đại gia đình Trần Trinh Huy" tại một công ty trên địa bàn với mức lương tạm đủ kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình.
Ông Đức làm được khoảng hơn 1 năm thì phía công ty không còn hợp đồng, chuyện buồn cho cả nhà vì cuộc sống sẽ bắt đầu khó khăn hơn. Tuy nhiên, lúc này cũng là lúc gia đình ông Đức nhận được tin vui khi tỉnh quyết định cấp cho ông một cái nhà mới để ở. Căn nhà có 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 bếp, trị giá khoảng 300 triệu đồng đã được bàn giao cách đây nửa tháng (số 112, khu dân cư Thiên Long, phường 5, TP Bạc Liêu- PV).
Chúng tôi có tìm đến căn nhà của tỉnh cấp cho con trai “Công tử Bạc Liêu” nhưng vợ chồng ông Đức vẫn chưa dọn vào ở. Theo bà Nga cho biết, do Tết cận kề và còn phải sửa sang lại chút ít nên vợ chồng bà không dọn kịp, vì thế đợi qua Tết này mới bắt đầu chuyển về nhà mới. “Vậy là chúng tôi sắp đón thêm cái Tết thứ 3 ở Bạc Liêu nhưng vẫn chưa đón được trong căn nhà của chính mình nên cũng hơi buồn”, bà Nga bộc bạch.
Nói về đón Tết, bà Nga cho biết, thời còn “vàng son”, vợ chồng bà đón Tết khá rình rang. Từ khi “hết thời” thì việc đón Tết cũng lặng lẽ hơn. Hai cái Tết vừa qua ở Bạc Liêu bà chỉ quanh quẩn trước sau, khách cũng không nhiều, chủ yếu là khách ông Đức do ở Bạc Liêu bà không có một người thân quen nào. “Tết năm nay cũng vậy thôi, ông Đức đi đó đi đây chứ chỉ còn tôi và con gái giáp mặt nhau trong nhà”, bà Nga ngậm ngùi nói.
Khi chúng tôi hỏi ông Đức mất việc rồi, gia đình sẽ sống thế nào trong thời gian tới ? Bà Nga cho biết, tiền thuốc men cho hai cha con, tiền cơm nước và những sinh hoạt khác, mỗi tháng dè dặt lắm cũng phải mất 4- 5 triệu đồng. Vừa rồi còn đi làm, ông Đức có dành dụm được một ít nên tạm thời xoay sở được. "Tôi còn có vợ chồng đứa con trai ở Sài Gòn có công việc cũng ổn định nên có khó khăn lắm thì nhờ con trai xoay ở thêm", bà Nga nói.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Nga nói: “Dù thế nào thì có nhà mới chúng tôi đã thấy ấm lòng rồi. Đây là niềm hạnh phúc nhất mà gia đình tôi có được sau hơn 17 năm thuê trọ. Cuộc sống khó khăn đã đành nhưng rồi thì cũng sẽ cố gắng lay lắt vượt qua. Hai vợ chồng cũng đã già, có tội là tội cho đứa con gái không biết sẽ ra sao sau này”.
Không gặp được con trai “Công tử Bạc Liêu”, chúng tôi bấm một cuộc gọi điện thoại để biết thêm ý định của ông. Qua điện thoại, ông Trần Trinh Đức cho biết, trước mắt ông vẫn đón Tết như mấy năm trước. Sau đó qua Tết ông sẽ dọn nhà và dự định dọn trước Rằm tháng Giêng. Ông Đức cũng bày tỏ niềm vui mừng khi được nhận nhà mới trên quê cha đất tổ.
Nói đến chuyện mưu sinh, ông Đức cho hay, hàng ngày ông vẫn ra ngồi ở ngôi nhà lớn của gia đình ngày xưa (Nhà hàng- Khách sạn Công tử Bạc Liêu ngày nay- PV) để làm “nhân chứng sống” về một thời danh tiếng của gia đình. Ông kể cho khách biết thêm về cuộc đời của cha ông- Trần Trinh Huy, về những giai thoại làm nên tiếng tăm của “Công tử Bạc Liêu” ngày trước.
Sau cuộc gọi, chúng tôi tạm biệt ông Đức qua điện thoại và tạm biệt bà Nga ra về khi "chúa Xuân" chuẩn bị gõ cửa mọi nhà. Chúng tôi nói với bà Nga xin được chụp một bô ảnh của bà để đăng báo nhưng bà từ chối.
Ra khỏi cổng căn nhà ở tạm của gia đình con trai “Công tử Bạc Liêu” trên đường Trần Huỳnh nằm khuất sau một siêu thị lớn, chúng tôi thấy mình như cũng được ấm lòng với niềm vui của họ.
Huỳnh Hải