Chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 16 cán bộ qua giải quyết tố cáo
(Dân trí) - "Qua giải quyết tố cáo, các cơ quan đã kiến nghị xử lý 475 người, trong đó có 432 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra xem xét và xử lý 16 cán bộ, công chức", theo báo cáo của Chính phủ.
Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, theo chương trình nghị sự.
Trước khi thảo luận, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình sẽ trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày.
Hàng trăm cán bộ, công chức bị kiến nghị xử lý
Liên quan đến tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo của Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết năm 2023, công dân đến cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm trước.
Một điểm tích cực đáng ghi nhận là việc tiếp công dân của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có chuyển biến; hầu hết bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hàng tháng.
Theo báo cáo, số ngày tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đạt 92% so với 37,6% của giai đoạn 2016-2021; chủ tịch UBND tỉnh đạt 113% so với 61,5% của giai đoạn 2016-2021…
Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 17.463 vụ việc khiếu nại, nhiều hơn 23,4% so với năm trước (14.156 vụ việc); 6.547 vụ việc, nhiều hơn 12,5% so với năm trước (tương ứng 5.819 vụ việc).
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan đã bảo vệ quyền lợi cho 1.319 cá nhân; 44 tập thể, tổ chức.
Đáng chú ý, qua giải quyết tố cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã kiến nghị xử lý 475 người, trong đó có 432 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra xem xét và xử lý 37 vụ, 32 đối tượng, trong đó có 16 cán bộ, công chức.
Để cung cấp đầy đủ hơn thông tin cho đại biểu Quốc hội xem xét vấn đề này, Ủy ban Pháp luật khi thẩm tra đã đề nghị Chính phủ làm rõ số vụ việc xử lý kỷ luật hành chính; kết quả các cơ quan tố tụng hình sự đã xử lý đối với các vụ việc và đối tượng vi phạm được chuyển đến; đồng thời, làm rõ kết quả thực tế thu hồi đối với số tiền, đất đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, giải quyết khiếu nại, có 1.110 người, trong đó có 44 cán bộ, công chức bị kiến nghị xử lý. Các cơ quan cũng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 3 vụ, 2 đối tượng.
Với thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, ông Đoàn Hồng Phong cho biết Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.531 cuộc (tăng 20,7%), tập trung vào địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp.
"Qua 1.283 kết luận thanh tra ban hành, các cơ quan đã kiến nghị xử lý hành chính với 233 tổ chức, 520 cá nhân. Đến kỳ báo cáo, 190 tổ chức, 460 cá nhân đã bị xử lý", theo thống kê của Thanh tra Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp và cả công dân đơn lẻ lưu trú dài ngày tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để khiếu kiện.
Xử nghiêm cán bộ để người tố cáo bị trù dập
Đề ra giải pháp, ông Phong cho biết các cơ quan sẽ tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%.
Quan điểm được ông Phong nhấn mạnh là xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ người tố cáo dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập.
Bên cạnh đó, tập thể, cá nhân cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Thẩm tra kết quả giải quyết tố cáo, Ủy ban Pháp luật ghi nhận nỗ lực của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, song cơ quan thẩm tra cho rằng số vụ việc tố cáo tăng nhiều cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.