1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện chưa từng tiết lộ về tướng cướp Hiền “đầu bạc” khét tiếng xứ Thanh

Là một trong những vụ án đình đám thu hút sự hiếu kỳ tột độ của dư luận vào những năm đầu thập niên 90, cái tên Hiền “đầu bạc” đã trở nên vô cùng “nổi tiếng”…

…Sau 20 năm khi vụ án khép lại, người ta vẫn không hết rùng mình, tự hỏi vì sao một sinh viên đại học “vắt mũi chưa sạch” lại có thể trở thành tướng cướp, reo rắc bao nỗi kinh hoàng cho dân anh, chị giới đào vàng ở miền núi xứ Thanh.

Nhóm phóng viên LĐ&ĐS, sau một chuyến trở về quê hương cũng như nơi “lập nghiệp” của tên tướng cướp, đã phát hiện ra nhiều tình tiết mới và những câu chuyện thú vị xung quanh cuộc đời tên tướng cướp khét tiếng này.

Hiền “đầu bạc” có tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Hiền, sinh năm 1965, tại Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Y trở thành tướng cướp khi còn là sinh viên năm thứ 3, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Mới ngoài 20 tuổi đời, không biết do xấu máu, hay di truyền mà Hiền đã có một chỏm tóc trên đỉnh đầu bị bạc trắng như cước, từ đó người đời, dân đào vàng, cai vàng đặt cho y một tên gọi khá ấn tượng: Hiền “đầu bạc”.
 
Chuyện chưa từng tiết lộ về tướng cướp Hiền “đầu bạc” khét tiếng xứ Thanh
Phu vàng Nguyễn Văn Phương, 47 tuổi, thôn Hoàng Giang 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, một thời lên hang Kịt, với ngón tay bị cụt do đánh đá đào vàng.

Bước trượt ngã của chàng sinh viên

Sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo khó cả bố, mẹ đều làm nghề nông, nhưng bù lại Nguyễn Mạnh Hiền lại có tố chất thông minh ít người sánh kịp. Từ lớp 1 cho đến lớp 12, Hiền luôn dẫn đầu về lực học của lớp, cũng kiêm luôn dẫn đầu về những thành tích “anh hùng”. Tốt nghiệp cấp 3, Hiền thi đỗ một lúc 2 trường đại học với số điểm khá cao, Hiền chọn Đại học Kinh tế Quốc dân với hy vọng sau khi tốt nghiệp, y có cơ hội làm giàu nhanh chóng.

Từ quê nghèo ra thủ đô đi học, gã đã bị choáng ngợp bởi vẻ phồn hoa nơi đô thị, nhìn những đứa con nhà giàu đi học bằng xe đắt tiền, hắn đã nuôi ý chí làm giàu bằng mọi giá. Sau giờ học, Hiền thường lang thang đến những quán café hay tụ điểm ăn chơi để học cách kiếm tiền và học cách... ăn chơi. Nhưng trong bộ dạng quê mùa, gã luôn bị khinh bỉ, miệt thị, kiểu “đồ nhà quê”, “dân rau má”.

Những cuộc va chạm nảy lửa bắt đầu diễn ra. Hiền cũng không phải dạng vừa, lại “có máu mặt” nên một số “đàn anh” lúc đó nghe nói đến Hiền “đầu bạc” đều phải “chờn”, nhưng trong lòng lại tỏ ra không phục, luôn tìm cơ hội để trả thù. Trong một lần bị “đàn anh” trả thù ngay tại cổng trường, Hiền đã đánh người gây thương tích dẫn đến một số tên phải nhập viện. Y bị đuổi học sau đó ít hôm.

Trên quê hương nghèo Cẩm Thủy của Hiền lúc này do nghèo khó nên phong trào lên núi đào vàng mong thay đổi cuộc đời diễn ra khá phổ biến. Sau khi bị nhà trường buộc thôi học, Hiền trở về quê nhanh chóng hòa mình theo đám phu vàng. Hiền có mặt tại các bãi vàng, nhưng y không đào vàng như hàng ngàn người khác, mà y lại “xưng hùng, xưng bá” tập hợp bọn đầu trộm đuôi cướp thành một băng nhóm chuyên đi cướp vàng, tiền, hàng kể cả của người bán lẫn người mua.

Chỉ trong vòng 1 năm, y đã tổ chức hàng loạt những vụ cướp táo tợn trên địa bàn, khiến người dân ăn không ngon ngủ không yên. Sau nhiều lần mai phục, lực lượng công an đã bắt gọn y cùng đồng bọn khi đang gây ra một vụ cướp lớn trên địa bàn huyện Hà Trung. Hiền bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 8 năm tù giam về tội trộm cướp tài sản.

Nhưng, thật bất ngờ, mới thụ án được 1 năm tại trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa), Nguyễn Mạnh Hiền đã bàn với 3 phạm nhân trong buồng giam là Lê Văn Thành (Thành toét), Cao Hải Chi và Nguyễn Văn Kim cùng trốn trại. Nửa đêm 26.12.1989, lợi dụng sự sơ hở của quản giáo, Hiền cùng đồng bọn thay nhau dùng cưa cắt đứt hai song sắt trên cửa buồng giam số 1, bẻ cửa trốn khỏi trại cải tạo Thanh Phong.

Thủ lĩnh trên hang Kịt

Ngay sau khi trốn thoát, Hiền đã rủ Lê Văn Thành quay lại bãi vàng ở vùng rừng núi hoang vu thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, nơi trước đây y đã cũng đồng bọn tổ chức cướp bóc để ẩn náu, tiếp tục quấy đảo một vùng tạo nên những câu chuyện hư thực để rồi cho đến ngày nay nhắc lại dân đào vàng vẫn không hết run rẩy sợ hãi.

Lúc đầu do lực lượng còn mỏng, địa bàn đào vàng của Hiền chỉ dừng chân ở bãi Mười thuộc thôn Mười, xã Lũng Cao có trữ lượng vàng không nhiều. Bãi Kịt cách đó không xa có trữ lượng vàng lớn gấp rất nhiều lần so với bãi Mười, nhưng Hiền chưa dám với tới, song trong đầu y luôn có ý nghĩ có ngày sẽ độc chiếm bãi Kịt.

Để mở rộng băng nhóm, cũng như tăng thêm “sức mạnh”, đầu năm 1990, Hiền cùng Thành “toét” xách súng K54 đột nhập bất ngờ vào lán ở của Nguyễn Văn Dũng (Dũng “chư”), xã Lâm Xa, huyện Bá Thước khống chế, đe dọa tính mạng lấy đi của hội này 2 khẩu súng AK, hai băng đạn 60 viên. Ngay sau đó hai tên lại đột nhập vào lán Sơn Lâm lấy đi 1 khẩu súng K54 với 8 viên đạn. Có súng trong tay, bọn chúng tiếp tục sử dụng vào các mục đích phạm tội khác.

Ngày 8.3.1990, Hiền sai Thành “toét”, Lê Văn Sỹ, cùng một số đệ tử khác đem súng AK, K54 đi cướp vàng tại các bưởng vàng, nổ súng đánh chiếm bãi Kịt, chính thức độc chiếm quyền khai thác vàng tại bãi Kịt với nhiều hang có trữ lượng vàng khá lớn như hang Bương, hang Máu Chó, hang Công Cộng...

Cho đến bây giờ, sau 20 năm, ông Hà Văn Thao -Trưởng thôn Kịt, nguyên thôn đội trưởng (phụ trách dân quân) những năm 1990 vẫn không thể quên: “Suốt ngày nghe tiếng súng như trong phim chiến tranh, lúc thì tập bắn, lúc thì tranh giành lãnh địa”.

Hang Kịt là nơi có trữ lượng vàng lớn nên có nhiều băng nhóm giang hồ tranh giành nhau lãnh địa khai thác hết sức tàn khốc. Hiền “đầu bạc” lúc này trong tay đã có một nhóm “chiến binh” đào vàng có lúc lên tới hơn 100 tên. Để bảo vệ bãi Kịt, Hiền cho xây dựng căn cứ đào vàng giống như địa đạo thời chiến.

Trên quả đồi rộng hàng ngàn mét vuông, y cho xây dựng lô cốt, hầm, lán trại, bố trí cho quân đào vàng ở. Đội quân này được trang bị vũ khí, súng, lựu đạn canh giữ nghiêm ngặt suốt ngày đêm, hễ thấy người lạ đến là nổ súng uy hiếp.

Hàng ngày đội quân này đào, đãi vàng trong hang, thậm chí cướp vàng của những nhóm khác, được Hiền nuôi ăn và trả tiền nhưng phải tuân thủ những nội quy nghiêm ngặt do Hiền đặt ra, nếu không sẽ bị xử một cách tàn khốc. Mỗi tuần Hiền cho “quân” đi tập bắn AK và súng ngắn vào vòng số 10 được vẽ sẵn trên cây, bất kể “quân” nào bắn trúng vòng 10 đều được y đặc cách trở thành “sĩ quan”, trả lương hậu hĩnh, ăn cùng mâm, đi bên cạnh làm vệ sĩ.

Lượng vàng thu được rất lớn, nên mỗi tuần Hiền đều cử đàn em mình mang hàng bao tải vàng thô xuống TP.Thanh Hóa thuê hiệu vàng nấu thành vàng nguyên chất rồi đem bán lấy tiền, số còn lại mang cất vào kho. Do Hiền ít xuất hiện nên các cơ quan chức năng lúc đó không thể nắm được hành tung của hắn. Tuy mới có 22 tuổi đời nhưng y đã nổi như cồn trong giới giang hồ, nhiều người sùng bái, ngưỡng mộ tài năng làm “trùm” của y, nên chỉ sau một thời gian ngắn đội quân của các băng nhóm khác đều bỏ chủ quy tụ dưới trướng do Hiền cai quản.

Bị hớt tay trên, một số đại ca trong giới đào vàng bãi Kịt cay cú tìm cách trả thù. Những cuộc thanh trừng đẫm máu luôn xảy ra, thêm vào đó những vụ sập hầm đã khiến nhiều phu đào vàng bỏ mạng chốn rừng xanh. Để tránh bị ám sát, đi đâu Hiền cũng giắt súng ngắn trong người, bên cạnh y luôn có 4-5 vệ sĩ theo sát bảo vệ nghiêm ngặt. Chế độ “đãi ngộ” của Hiền “đầu bạc” cũng khá tốt, khi có một phu vàng bỏ mạng vì “đại nghiệp” hay sập hầm, y đều bỏ tiền ra lo hậu sự chu đáo, cùng với một khoản tiền lớn đền bù cho gia đình nên không có bất cứ kiện cáo gì, còn bọn đàn em thì nể phục, phục tùng hắn một cách vô điều kiện.

Hiền “đầu bạc” còn nổi tiếng là “đào hoa”, đó là việc y đã quyến rũ được một cô gái xinh đẹp, dân tộc Thái, ở thôn Kịt tên Hà Thị Đức, tuổi 16, con ông Hà Văn Mỹ, nguyên Trưởng Công an xã Lũng Cao. Hiền thấy Đức da trắng, phốp pháp, thường xuyên lên bãi Kịt bán rượu bia, nước ngọt, Hiền đem lòng yêu rồi mua chuộc Đức thường xuyên đến ăn ở với y tại lán như vợ chồng.

Thấy con mình yêu phải tướng cướp, gia đình vị trưởng công an xã năm xưa ra sức phản đối. Lập tức Hiền cùng đàn em mang rượu, lợn béo đến tận nhà ông Mỹ hỏi vợ. Ông Hà Văn Thao -Trưởng thôn Kịt vẫn còn nhớ rất rõ: “Hiền cho mổ một con lợn to đến 80kg mời dân làng ăn, rượu cả vò, dân làng đến khá đông, suốt đêm Hiền cho mở nhạc từ đài cátxét. Đám cưới Hiền và Đức xuất phát từ tình yêu, tự nguyện đến với nhau, có cưới xin đàng hoàng, chứ không có chuyện Hiền vác súng, mang lựu đạn đến nhà ông Mỹ khủng bố dọa dẫm để chiếm đoạt mang cô Đức mang lên hang như nhiều người đã nói”.

Việc Hiền cưới Đức chính là một trong những chiêu bài để y lấy lòng dân làng Kịt, nghiễm nhiên trở thành... con rể xã Lũng Cao, đã tạo rất nhiều thuận lợi cho việc đào vàng sau này của y, cũng như hàng loạt tin tức đã bị lộ từ chính ngôi nhà sàn của bố vợ.

Cựu đại tá Ngân Như Luyện, hiện đã nghỉ hưu, nguyên Trưởng Công an huyện Bá Thước những năm 1990, thành viên ban chuyên án triệt phá băng nhóm Hiền đầu bạc nhớ lại: “Mỗi khi ban chuyên án đến thôn Kịt đều vào nhà ông Mỹ để họp bàn cách triệt phá băng nhóm Hiền “đầu bạc”, nhưng đã bị Đức nghe trộm và báo cho Hiền, nên tất cả những lần xuất quân đều thất bại, mãi sau này khi đã phát hiện ra chính Đức (lúc đó chưa phải là vợ Hiền) báo tin cho Hiền nên bị lộ, tổ công tác buộc chuyển sang địa điểm bí mật khác để họp”.

Hiền “đầu bạc” lúc này trong tay đã có một nhóm “chiến binh” đào vàng có lúc lên tới hơn 100 tên. Để bảo vệ bãi Kịt, Hiền cho xây dựng căn cứ đào vàng giống như địa đạo thời chiến. Trên quả đồi rộng hàng ngàn mét vuông, y cho xây dựng lô cốt, hầm, lán trại, bố trí cho quân đào vàng ở. Đội quân này được trang bị vũ khí, súng, lựu đạn canh giữ nghiêm ngặt suốt ngày đêm.

Theo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm